Hải quân Hàn Quốc đến hôm qua vẫn chưa tìm thấy người nào trong số 46 thủy thủ mất tích trong vụ tàu tuần tra Cheonan bị chìm hôm 26.3 trên Hoàng Hải. Sáng 29.3, giới chức nước này cho hay họ đã tìm thấy phần đuôi dài 30,5 mét của tàu Cheonan. Theo hãng tin Yonhap, một thiết bị định vị dưới nước đã phát hiện phần tàu đắm này, nằm ở độ sâu 40m và cách vị trí tàu chìm khoảng 55m, vào tối hôm chủ nhật. Một chiến dịch cứu hộ quy mô đã được triển khai với 14 tàu hải quân, 6 tàu của lực lượng biên phòng được hỗ trợ bởi máy bay và 4 tàu của hải quân Mỹ, theo AP. Tuy nhiên thông tin ban đầu từ đội thợ lặn cho thấy không có dấu hiệu còn ai sống sót.
Hy vọng tắt dần
Tàu tuần tra Cheonan có trọng tải 1.200 tấn chìm ngoài khơi đảo Baengnyeong do Hàn Quốc quản lý - thuộc vùng biển phía tây, giáp với hải phận CHDCND Triều Tiên - sau khi một vụ nổ làm tàu vỡ đôi. Trên tàu có 104 thủy thủ và chở theo tên lửa và ngư lôi. AP trích nguồn Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho hay sau khi nghe tiếng nổ, một số thủy thủ đã nhảy xuống nước. Sau đó, đội cứu hộ đã cứu được 58 thủy thủ bao gồm thuyền trưởng Choi Won-il. Đây là một trong những vụ tai nạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử hải quân Hàn Quốc.
Hôm qua, các thợ lặn đã tiếp cận cả hai phần của tàu Cheonan sau nhiều khó khăn do nước chảy xiết và tầm nhìn bị hạn chế. Tuy nhiên, triển vọng tìm thấy người sống sót hầu như không còn khi quân đội cho biết không có âm thanh phản hồi từ bên trong. AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Won Tae-jae cho hay: "Các thợ lặn đã dùng búa gõ vào thân phần đuôi tàu nhưng cho đến giờ không có động tĩnh gì". Người ta tin rằng 46 thủy thủ còn mất tích đang nằm trong các khoang kín của phần đuôi tàu, trong khi BBC dẫn lời các chuyên gia cho biết các khoang này chỉ đủ ô-xy trong vòng 70 tiếng và tàu đã chìm hơn 4 ngày.
Hiện chính quyền Seoul vẫn chưa đưa ra tuyên bố rằng các thủy thủ chưa được tìm thấy đã thiệt mạng. AFP dẫn lời phát ngôn viên của JCS Lee Ki-shik nói: "Chúng tôi vẫn thực hiện việc tìm kiếm với niềm tin rằng vẫn còn người sống sót trong cả hai phần tàu". Trong khi đó, thân nhân của các thủy thủ mất tích đang tập trung tại quân cảng Pyeongtaek, phía nam Seoul càng lúc càng bấn loạn và giận dữ, theo AFP. "Thời gian đang cạn dần", một bà mẹ nức nở trong khi một người khác ngất xỉu trong một cuộc họp với các quan chức. Xô xát cũng xảy ra giữa người thân các thủy thủ và lực lượng bảo vệ trong cuộc họp.
Do thủy lôi của Bình Nhưỡng?
Đã có nhiều đồn đoán được đưa ra về nguyên nhân tàu chìm như vụ nổ xảy ra bên trong tàu, tàu đụng phải đá ngầm hoặc bị tấn công bằng ngư lôi. Địa điểm tàu Cheonan bị chìm gần sát vùng biển tranh chấp với CHDCND Triều Tiên. Nơi đây đã từng xảy ra nhiều vụ đụng độ chết người giữa hải quân hai nước vào các năm 1999, 2002 và 2009.
Tuy nhiên tới nay, Seoul vẫn bác bỏ khả năng Bình Nhưỡng tấn công tàu Cheonan dù một số quan chức giấu tên cho hay vụ nổ có thể do "tác động từ bên ngoài". Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-young tuyên bố, theo báo cáo của thủy thủ phụ trách ra-đa của tàu Cheonan, không có dấu hiệu của ngư lôi tiếp cận tàu trước khi vụ nổ xảy ra.
Ông Kim cũng cho hay một trong những khả năng được xem xét nhiều nhất hiện nay là tàu Cheonan đã va vào một quả thủy lôi của miền bắc còn sót lại từ thời Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). "Có thể một quả thủy lôi của CHDCND Triều Tiên đã trôi vào vùng biển của chúng ta", Yonhap dẫn lời bộ trưởng. Theo ông Kim, Bình Nhưỡng đã thả khoảng 3.000 quả thủy lôi xuống Hoàng Hải trong cuộc chiến và dù Seoul đã trục vớt được rất nhiều nhưng vẫn không thể nào dọn sạch được vùng biển. Bộ trưởng cũng cho biết Hàn Quốc không thả thủy lôi xuống vùng biển phía tây và không loại trừ khả năng "CHDCND Triều Tiên cố tình thả ngư lôi trôi xuống vùng biển của Hàn Quốc".
Tới hôm qua, các lực lượng Hàn Quốc và Mỹ cho hay không phát hiện động thái bất thường từ miền bắc tại vùng biển xảy ra tai nạn, theo AP. Bình Nhưỡng cũng giữ thái độ im lặng về vụ việc ngoại trừ lời chỉ trích đưa ra hôm qua rằng Hàn Quốc và Mỹ đang thực hiện một đòn "tâm lý chiến" khi cho giới truyền thông vào vùng phi quân sự giữa hai miền. Ngoài ra Yonhap dẫn bản báo cáo của Bộ Quốc phòng cho hay miền bắc cũng đang theo dõi sát sao các hoạt động cứu hộ.
Chính quyền Hàn Quốc tuyên bố, cho đến khi trục vớt được Cheonan (có thể mất khoảng một tháng) thì mới xác định được nguyên nhân vụ việc. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu hiện nay là tìm kiếm các thủy thủ mất tích.
Trọng Kha
Bình luận (0)