Có phải vì lỗ mà có lúc thấy Chí Trung xuống đường đi phát tờ rơi chương trình sân khấu. Có lúc lại thấy Chí Trung làm đạo diễn. Hình như anh sẵn sàng làm tất cả vì nhà hát?
Vì bản thân tôi đấy chứ. Hai vợ chồng tôi đều thành danh ở đây, sau này chắc cũng ra đi từ đây. Để cho nhà hát hoạt động tốt, để đời sống của anh em trong đoàn sung túc, chúng tôi đều phải nai lưng ra chứ. Có lúc tôi phát tờ rơi, có lúc tôi lăn lộn đi bán vé, có lúc lo tổ chức đi diễn ở tỉnh này tỉnh nọ, cốt là để lo cho đời sống của chính mình.
Trong đám cưới Hiệp “Gà”, anh khiến nhiều người “giật mình” với kiểu tóc mới, trông rất “xì-tin”.
Tôi 50 tuổi rồi, thay đổi kiểu tóc đâu phải cho trẻ trung nữa, mà để phù hợp với vai diễn mới - vai chủ quán Cà Ất trong bộ phim Trần Thủ Độ đấy thôi.
Từ khi đoàn kịch 2 có rạp riêng (rạp Thanh Niên), phải lo việc tự chi tự thu, anh có thấy khó khăn?
Bây giờ thấy tôi “nhô” ra thì mọi người thấy thôi. Chứ từ 12- 13 năm nay, trưởng phó đoàn đã phải lo tự thu tự chi lâu rồi. Rất may là nhà nước vẫn hỗ trợ trong công tác dựng vở, lương nhà nước vẫn trả cho. Có khoản tiền đầu vào, nhưng vẫn phải tính đến đầu ra để thu nhập cho anh em nghệ sĩ được ổn định.
Nghe đâu, rạp Thanh Niên năm ngoái làm ăn bị lỗ?
Đúng là lỗ. Đầu tư cho một ý thích mới, hoạt động mới đương nhiên là khó tránh khỏi bị lỗ. Nhưng ngay cả rạp Tuổi Trẻ vẫn còn hoạt động cầm chừng, chỉ trừ khi có vở mới như hài kịch Đời cười vừa ra thì đông hơn, chứ nhìn chung là rất uể oải. Rạp Thanh Niên cũng không tránh khỏi.
Bây giờ chúng tôi đang trong giai đoạn "đốt lò".
Vậy, anh dự tính bao giờ "lò" mới “cháy” được?
Đến năm 2011, may ra mới là điểm diễn thường xuyên được. Giữa một tình trạng uể oải chung của sân khấu Hà Nội, thì rạp Thanh Niên mỗi đêm diễn bán 100-200 vé là được rồi. Mặc dù mới chỉ đủ chi, chứ chưa giàu được. Rạp chưa đông, chưa ồn ào, nhưng vẫn có những tia sáng, khán giả đến xem có thể mua vé hoặc là giấy mời đều vỗ tay cả.
Người ta khen Chí Trung có tài, lo cho anh em trong đoàn có thu nhập tốt. Nhưng khen anh là phải thôi, vì sân khấu miền Bắc đang ảm đạm như vậy, còn có ai mà để so sánh với Chí Trung nữa?
Cách đây 3-4 năm, có người bảo tôi là người yêu tiền, thực dụng, người tầm thường hóa, thương mại hóa nghệ thuật. Gần đây thì người ta bảo tôi năng động, đâu khó có Chí Trung, người trăn trở với nghệ thuật. Tôi và anh em trong đoàn hay đi diễn các tỉnh. Có người nói có “đói” thì mới đi. Đúng là như vậy. Nhưng tôi hay trêu các bạn trong miền Nam, các bạn có giỏi, có đông, thử ra ngoài này diễn đi. Trong khi đó, đoàn tôi vẫn vào Nam diễn bình thường, 63 tỉnh thành đều đi hết cả.
Bản thân tôi chưa hài lòng, tôi muốn anh em đêm nào cũng được diễn, được hoạt động nghệ thuật sôi nổi chứ không phải lo cơm áo gạo tiền. Cám ơn ai đó đã khen Chí Trung, hoàn cảnh ngoài này tôi chỉ làm đến vậy, nếu khán giả xích lên 1 bước, tôi sẽ tiến lên 3 bước để đón khán giả vào lòng.
Anh có giấc mơ xây dựng một nhà hát giống như Idecaf trong TP.HCM cho riêng mình?
Sân khấu Idecaf là tổng hòa những điều tôi mong muốn. Các nghệ sĩ đã biến sân khấu này trở thành thánh đường. Khán giả không đến theo giấy mời, mà họ mua rất trân trọng. Idecaf giống như một người tình mà tôi mong muốn có, giống như cô gái đẹp mình muốn lấy làm vợ.
Minh Ngọc
Bình luận (0)