Tôi chẳng ngại, thấy người sang bắt quàng làm họ, xin bá vai chụp hình làm…tư liệu giảng dạy. Nhờ duyên chợ cá, tôi thành người bạn nhỏ của nhà văn lớn.
Một bữa, anh Lương Hoành bên Đài THVN nhờ tôi tìm một người sành dân nhạc, có thể nói thật dễ hiểu với cả triệu người xem truyền hình về nhạc tài tử, trên cầu truyền hình, nối ba điểm Hà Nội, TP.HCM và một làng quan họ Bắc Ninh, nhân liên hoan đàn ca tài tử Nam Bộ. Tôi đề cử tài tử Sơn Nam.
Từ tối hôm trước tôi đã tới nhà trọ độc thân của ông, đường Nguyên Hồng, tính mời ông đi ăn, rồi mới bàn chuyện làm kép màn ảnh nhỏ. Nhưng chưa ăn, việc thương thảo đã xong và trên đường từ nhà trọ ra quán nhậu chợ Gò Vấp, Sơn Nam thấy ai chào mình- cô cà phê, bà hàng rau, bé hú tiếu gõ…là "tiếp thị" liền: Tối mai nghe! Tám giờ Sơn Nam đờn ca tài tử trên VTV3!
Hôm sau tôi chạy Honda đón ông ra nhà hát cải lương Trần Hưng Đạo. Và, Sơn Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trong bộ quốc phục khăn đóng áo dài, tin tưởng theo tôi như theo anh xe ôm chuyên nghiệp. Sơn Nam là vậy, cần quốc phục cho công việc, có ngay các thứ phụ tùng về nguồn, nhưng chỉ là cho công việc thôi! Thật bất ngờ, khi từ nhà hát bước ra, ngồi lên xe Honda khứ hồi, các thứ phụ tùng đạo cụ đã được… cắp nách! Sơn Nam, lại áo thun, quần tây bạc màu, dép lê, mộc như ngọn núi đất, núi đá. Và bất ngờ hơn nữa, khi tôi đãi ông tô phở trong một tiệm nhỏ đường Lê Quang Định, thì ngay hàm răng giả của mình, ông cũng coi là phụ tùng, cũng phóng sinh tạm thời, đặt cái cốp ngay trên mặt bàn và hồn nhiên xì xụp cùng tôi món khoái khẩu, bằng số ít răng thật còn lại.
Nhưng chuyện bất ngờ chưa hết, bữa ăn đêm vừa xong, răng đã lên hàm, ông nói – thôi cậu về, tôi có hẹn người đón. Một xe ôm nữ xuất hiện. Còn trẻ măng! Tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn theo, tự hỏi, hay cụ có phở sống như người ta vẫn xầm xì?
Sơn Nam của chúng ta, chẳng có gì xa cách với những người nhỏ bé hơn mình. Tôi lại tự hỏi, hay đó là nhân vật trong câu chuyên ông kể trên báo Văn Nghệ Đồng Tháp mà tôi chép được: “Có con nhỏ bán bia ôm bị “dạt” ra, con nhỏ bị “gạt tình”, ôm một đứa con mà nuôi. Tôi biểu phải cho đứa nhỏ đi học. Nó than nghèo. Thì tôi cho tiền đóng đầu năm, mua cặp vở viết mực. Chịu đi học rồi”.
Ghê chưa! Ông già gân còn lo cả chuyện của bộ Giáo dục-Đào tạo! Thì Sơn Nam là bạn văn của một quan thứ trưởng bộ Học mà! Chuyện dọc đường ấy, xin được kể vào một dịp khác!
Nhà văn Trần Quốc Toàn
Bình luận (0)