Nguồn cơn nổi lên “sưa tặc” - Chiêu thổi giá gỗ sưa

09/04/2010 23:51 GMT+7

Những sự đồn thổi về công dụng của gỗ sưa đã đẩy giá của loại gỗ này lên cao ngất trời.

Làm giá

Về một số làng nghề mộc nổi tiếng khu vực phía Bắc như Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội), Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội), Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh), chính các đại gia nơi đây cũng chẳng thể nào giải thích nổi tại sao giá gỗ sưa lại tăng chóng mặt như hiện nay, dù họ cũng kể những câu chuyện “kỳ bí” liên quan đến chính những sản phẩm do họ làm từ gỗ sưa.

T.D, chủ cơ sở sản xuất gỗ lớn nhất nhì xã Hữu Bằng, cho biết gần chục năm trước, khi vẫn thường đưa mối hàng lên Lạng Sơn, qua cửa khẩu Tân Thanh, đã nghe cánh buôn gỗ sưa kháo với nhau rằng sở dĩ bên Trung Quốc chấp nhận trả giá cho mỗi ký lên tới 3 triệu đồng, bởi giới xã hội đen, các băng ma túy mua gỗ sưa về nghiền nhỏ thành bột mịn, độn với ma túy để tăng thêm nhiều lợi nhuận, mà nghe nói chỉ có bột gỗ sưa pha trộn với ma túy thì sẽ không làm mất mùi, mất chất. Rồi các bậc quyền quý, những người lắm tiền nhiều của thì mua gỗ sưa về để đóng áo quan, làm chất ướp xác... Theo T.D, hầu hết thông tin trên là đồn thổi, chỉ một điều T.D dám chắc đó là gỗ sưa khi dùng làm áo quan sau nhiều năm nằm sâu dưới lòng đất, được khai quật lên gỗ vẫn như mới. Mới đây, T.D có chuyến xuôi miền Trung để mua một chiếc áo quan bằng gỗ sưa. Chiếc áo quan nặng đúng 2,1 tạ, sau ba năm bị chôn vùi mà vân gỗ vẫn đẹp, mùi hương hết sức đặc trưng, không hề bị mối mọt... được mua với giá 900 triệu.

Trong khi đó, nhiều đại gia ở làng nghề mỹ nghệ Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội) lại cho rằng người Trung Quốc mua gỗ sưa bởi khi đi ngủ nếu gối đầu bằng những chiếc gối được chế từ gỗ sưa sẽ tránh bị bóng đè, không gặp phải ác mộng... Không biết có phải vậy không, nhưng hơn một nghìn hộ làm nghề gỗ ở làng Nhị Khê đều sản xuất rất nhiều loại gối bằng gỗ sưa, rồi xuất hàng qua cửa khẩu Tân Thanh với giá lên tới 2,5 triệu đồng/chiếc. Cũng không ít đại gia khác cùng làng thường xuyên làm ăn giao dịch với chủ buôn gỗ phía bên kia cửa khẩu Tân Thanh, một mực khẳng định, người Trung Quốc họ mua sưa (cả rễ) để làm thuốc chữa các bệnh liên quan tới xương rất hiệu nghiệm. Vì họ cho sưa là loại cây sống rất mãnh liệt trên núi đá, nơi mà rất ít loại cây có thể tồn tại. Chỉ cần một vết nứt nhỏ, sưa sẽ nhú mầm mà vươn lên.

Chỉ là trò lừa đảo?

Trong khi đó, tại làng Đồng Kỵ, nơi có rất đông các đại gia phất lên từ nghề gỗ, lại cho rằng gỗ sưa cũng như nhiều loại lim, sến, táu... chẳng có công dụng như chữa bệnh hay pha chế ma túy gì hết. Ông T., gia đình ba đời làm gỗ, sở hữu xưởng gỗ thuộc hàng “top” ở Đồng Kỵ, tiết lộ “cơn sốt” giá gỗ sưa chẳng qua chỉ là trò lừa đảo trong làm ăn mà người Việt mình không thể ngờ tới, đó là chiêu bài “thổi” giá có một không hai. Bằng chứng là hơn một năm trước, khi nạn “sưa tặc” tạm lắng xuống, sưa khi đó khan vì ít người “đi” sưa, thì giá cũng chỉ quanh quẩn ở mức trên dưới 2 triệu đồng/kg. Nhưng thời gian sau đó, trên địa bàn Hà Nội liên tục diễn ra các vụ trộm sưa thì lập tức giá sưa tăng vù vù lên 2,5 triệu đồng, rồi 3,5 triệu, 4 triệu và giờ thì 6 triệu đồng/kg. Theo ông T., thực chất người Trung Quốc đã móc nối với một số đầu nậu để tạo “cơn sốt” theo kiểu, nếu đã mua được của người Việt với giá 3 triệu đồng/kg sưa, thì lập tức một thời gian ngắn sau họ sẽ tung tin có thể mua sưa với giá 5 - 6 triệu đồng, nhưng đồng thời cánh buôn sưa bên kia biên giới lại ngầm bán lại cho các đầu nậu Việt với giá 4 triệu đồng/kg để ăn chênh lệnh. Các đầu nậu Việt lại “bung” gỗ sưa với giá trên 4 triệu... và cứ thế giá sưa chỉ có tăng mà không có giảm, đến một lúc nào đó khi các đầu nậu Việt ôm hầu hết số gỗ sưa với giá “trên trời” thì đối tác bên kia biên giới tuyên bố... không mua sưa nữa.

Một phó giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, có dấu hiệu một số đại gia lớn ở các tỉnh ven biên giới VN đang tung ra “chiêu độc”, nhằm “thổi” giá gỗ sưa đỏ ở VN lên cao ngất để trục lợi. Ví dụ: Sau khi thu mua tích trữ được một khối lượng lớn gỗ sưa đỏ trôi nổi ở VN với giá 2 triệu đồng/kg, các đại gia này tung tin do có nhu cầu lớn phục dựng nhiều đền chùa cổ, họ sẽ mua sưa đỏ với giá từ 5-6 triệu đồng/kg. Tin này có thể làm cho các đầu nậu thu gom gỗ bên VN nháo nhác đi “săn” hàng. Và khi ấy, các đại gia sưa đỏ nước bạn mới tung hàng trở lại nội địa VN với giá cao hơn nhiều giá họ nhập trước đó, để kiếm lời trên sự cả tin, thiếu kinh nghiệm của các đầu nậu gỗ người Việt.

Theo Công an Lạng Sơn, trong khi giá gỗ sưa đỏ trong nước hiện nay đang vào đỉnh điểm “cơn sốt”, thì thị trường gỗ sưa bên Trung Quốc vẫn bình thường, không có gì sôi động lắm, thậm chí việc vận chuyển lậu gỗ sưa qua biên giới thời gian này lại có dấu hiệu giảm đi. Thời gian qua, Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ một số vụ buôn lậu gỗ quý, gỗ sưa qua biên giới nhưng số lượng không lớn lắm và đã bàn giao cho bên kiểm lâm tỉnh xử lý...

“Đang có sự mưu toan trục lợi từ phía các đại gia lớn trong việc “thổi” giá gỗ sưa đỏ lên cao chưa từng thấy. Hậu quả nhãn tiền dễ thấy là một số đại gia sưa đỏ của VN sẽ phải “đắp chiếu” một khối lượng lớn gỗ sưa trị giá nhiều tỉ đồng mà không khéo có khi lâm vào cảnh vỡ nợ. Còn cây sưa VN thì bị tàn phá nghiêm trọng”, một cán bộ Công an Lạng Sơn khuyến cáo.

Việc khai thác trái phép gỗ sưa đỏ ở VN đã rộ lên ở nhiều địa phương từ hơn chục năm trước đây. Theo nguồn tin từ cơ quan chức năng, từ năm 1994, người dân một số tỉnh miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam, Quảng Bình đã xôn xao về những phi vụ buôn bán bạc tỉ liên quan đến gỗ sưa. Tình trạng trên kéo dài đến năm 2001 thì tạm lắng xuống. Đến năm 2004, giá gỗ sưa lên "cơn sốt" kéo theo sự bùng phát dữ dội nạn khai thác gỗ sưa trên địa bàn nhiều địa phương. Đến khoảng năm 2006, việc khai thác trái phép gỗ sưa từ miền Trung đã lan tràn tới một số tỉnh miền Bắc như: Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nam... Năm 2007, "cơn sốt" gỗ sưa đỏ bắt đầu kịch phát và gỗ được thu mua theo cân chứ không phải là mét khối. Giá mỗi cân gỗ sưa leo thang chóng mặt, từ vài trăm ngàn đồng lên tới hàng triệu đồng. Thấy vậy, nhiều gia đình mang cả giường, ghế, bàn, tủ cũ đóng bằng gỗ sưa đỏ ra bán cân cho các đầu nậu...

Việt Chiến - Minh Sang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.