Nhờ sự tìm tòi sáng tạo không ngừng của các đầu bếp khắp 3 miền, món ngon chế biến từ trái sa kê xuất hiện ngày càng nhiều trong thực đơn của các quán cơm chay.
Sa kê kho chay: Sa kê dùng trái già vỏ có màu xanh, không nên dùng trái non chưa có tinh bột và trái chín, vì như thế sẽ làm món ăn bị nhão. Lấy sa kê gọt vỏ, xẻ dọc, bỏ cùi, xẻ làm 4 rồi ngâm nước muối cho sạch mũ, cắt từng miếng dày 2cm, ướp nước mắm chay. Sau đó, cho vào chảo nhiều dầu, thêm tiêu tỏi, hành vào thắng vừa sánh rồi cho sa kê cùng nước mắm chay vào. Tiếp đó thêm ít nước sôi, nêm nếm gia vị vừa ăn, đậy kín cho lửa liu riu, nước sánh ngấm gia vị đem lại hương vị thật đậm đà khó quên.
Sa kê món kiểm: Món kiểm là món ăn được dùng nhiều củ, quả như khoai cau, chuối chín, đường, nước dừa, bí rợ, khoai lang, hủ ky, mít… Và có một món có thể gọi là linh hồn món kiểm là sa kê. Bí quyết nấu món kiểm là có sự cân bằng âm dương, ngũ hành cho nên những người có huyết áp thấp, tiểu đường đều dùng được. Kiểm múc ra tô, lúc này chế nước cốt dừa và rắc đậu phộng lên. Nổi bật trên nền ngọt và béo của chuối xiêm, mít, khoai lang, khoai cau xen lẫn vị béo của nước cốt dừa đó là hương vị rất riêng của sa kê. Nó không béo, không ngọt, không giòn, nhưng nhai lâu một chút mới thấy vị vừa ngọt thanh tao, vị béo bùi nhè nhẹ hấp dẫn.
Sa kê chiên: Đây là món ăn được cải biên từ bánh chuối chiên hay bánh khoai chiên. Sa kê chiên vỏ bột ngoài vừa ngòn ngọt, thịt miếng sa kê nhai sần sật, thơm bùi như khoai lang.
Để có miếng sa kê chiên hấp dẫn, trước hết gọt vỏ, bổ dọc, cắt bỏ cùi giữa, sau đó đem ngâm muối cho hết mủ. Đánh đều hỗn hợp bột mì, lòng đỏ trứng gà kèm đường, muối và ít nước. Khuấy đều đến khi sền sệt là được. Lấy từng miếng sa kê "tắm" vào lớp bột rồi cho lên chảo chiên. Khi bánh chín vàng, gắp ra để lên giấy cho thấm hết dầu. Sau đó thưởng thức khi còn nóng, rất thơm ngon.
Sườn heo hầm sa kê
Sườn non loại nạc chặt từng miếng nhỏ, sa kê gọt vỏ, bổ dọc làm 6 cắt từng miếng dày 1 phân, rửa sạch để ráo. Cho thịt sườn cùng gia vị vào nấu chín sôi, sau đó cho sa kê vào nấu lại. Sa kê chín mềm mà không nát, ngấm hương vị thịt trở nên thấm đượm mà không có loại bột nào có được, vừa béo vừa bùi, ăn không biết chán.
Salad sa kê thịt gà: Sa kê luộc chín cắt từng lát mỏng cho ngâm vào cùng đường, nước chanh, muối, xì dầu, tiêu ướp chừng 20 phút. Gà luộc chín để nguội xé nhỏ, xà lách, hành tây, bắp chuối xắt mỏng.
Pha đường, chanh tạo vị chua ngọt nhẹ, tiêu muối trộn cùng dầu, hành phi. Dùng đĩa bàn trộn đều sa kê, thịt gà, rau, hành tây. Thế là có món ăn bổ dưỡng.
Vị thuốc từ sa kê: Cây sa kê có rất nhiều công dụng trị bệnh, rễ, vỏ, lá của cây đều trị được nhiều bệnh. Theo đông y, rễ sa kê có tính làm dịu, trị ho. Vỏ sa kê có tác dụng sát trùng, lá có công dụng tiêu viêm, tiêu độc, lợi tiểu. Riêng quả sa kê chế biến ra nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng và lạ miệng. Trong 100gr phần ăn được của trái sa kê có lượng calo là 105 – 109, chất đạm: 1,3 – 2,24gr; chất béo 0,1-0,86gr; chất carbohydrat 21,5 – 29,49gr; chất xơ: 1,08 – 2,1gr; calcium 18– 32mg; phosphore 52 – 88 mg; sắt: 0,61–2,4 mg; kẽm: 0,12 mg; ma-giê 0,06mg. Ngoài ra còn có vitamin A, viatamin C...
Rõ ràng, trái sa kê có giá trị dinh dưỡng cao, ít béo, rất tốt cho sức khỏe mà lại vừa mang đậm phong cách dân dã của làng quê Việt Nam.
Thất Lang
Bình luận (0)