Thần tượng vì thời thượng

15/04/2010 09:52 GMT+7

(TNTT>) Tất nhiên đã là thần tượng thì người đó phải sở hữu một số phẩm chất nổi bật và được người hâm mộ yêu mến bởi những phẩm chất ấy, nhưng cũng không hiếm những người hâm mộ cuồng nhiệt một ai đấy mà không hiểu vì sao.

Hâm mộ cho hợp thời

Tại sao không thực sự ngưỡng mộ một phẩm chất của ngôi sao nào đó mà vẫn thần tượng họ? Đơn giản đó là thần tượng theo trào lưu, thần tượng cho hợp thời. Người hâm mộ theo cách ấy được gọi những fan ảo. Có thể khẳng định ngay rằng thần tượng để hợp thời là hiện tượng không hề hiếm. Một chính khách, nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhân vật trong truyện… khó mà trở thành đối tượng được hâm mộ của kiểu thần tượng này. Những người hoạt động trong lĩnh vực ca nhạc, điện ảnh, đặc biệt là tham gia showbiz (kinh doanh giải trí) dễ trở thành đối tượng tung hô của những fan ảo. Chẳng ai nghe nói về những fanclub của Thanh Lam, thế nhưng có những người cứ Thanh Lam hát ở địa phương mình ở là phải đi nghe cho bằng được, Thanh Lam ra đĩa nào là phải có ngay. Họ yêu Thanh Lam vì giọng hát giàu cảm xúc, vì những đam mê sáng tạo không ngừng nghỉ của cô. Trong khi đó, có những fanclub của một ngôi sao, tổ chức hoành tráng ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, hoạt động sôi nổi, gắn bó, nhưng không phải ai trong fanclub cũng yêu quý thần tượng vì mến mộ tài năng, tính cách của họ.

Từ năm 1999 cho tới 2008, khi mà Đan Trường thống lĩnh các giải thưởng âm nhạc, liên tiếp ra album, làm live show, chạy show mệt nghỉ thì anh luôn có một lượng fan khổng lồ. Trong số ấy, bên cạnh những người thực sự hâm mộ anh Bo, vẫn có những bạn trẻ nghe một vài bài Đan Trường hát, xem clip thấy anh ấy cũng đẹp trai, đang được nhiều người yêu mến thì ngay lập tức có thiện cảm và cho đó là thần tượng của mình. Họ chẳng cần nghe Đan Trường hát nhiều, không cần biết Đan Trường hát hay ở chỗ nào, có những nỗ lực gì để thành ngôi sao… mà vẫn có thể treo đầy ảnh Đan Trường trong phòng, rồi thỉnh thoảng ngắm nghía “thần tượng của mình đẹp trai quá”. 

 Những fan ảo sẽ nhanh chóng đi tìm thần tượng mới khi thần tượng cũ của họ không còn đứng ở vị trí hàng đầu nữa

Mấy năm gần đây, khi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đạt nhiều thành công thì lượng fan của anh tăng chóng mặt, lượng fan ảo cũng không phải không có. Nghe đâu Mr.Đàm hát Say tình, Nửa vầng trăng, Giới hạn nào cho chúng ta… rất hay, nghe đâu Mr.Đàm vừa có live show thắng lớn, nghe đâu fanclub của Mr.Đàm hoạt động vui lắm… thì không có lý gì không chọn một “người mạnh” như thế làm thần tượng. Có những người vì cái "nghe đâu" ấy mà nghe nhạc rồi dần ngưỡng mộ Mr.Đàm, nhưng có những người sau một thời gian "nghe đâu", tưởng là mình hâm mộ, nhưng rồi thấy chẳng có gì thích hợp với mình thì nhanh chóng thờ ơ với thần tượng.

Cách hâm mộ này cũng giống hệt mặc một bộ quần áo thời trang vậy. Quần cạp trễ áo hở lưng đẹp ở chỗ nào, người mặc không cần quan tâm nhưng vẫn diện vì quá nhiều người mặc như thế, đó là trào lưu, đó là mốt. Hợp mốt thì sẽ đẹp. Khi mốt ấy không còn được chuộng thì lập tức thay mốt khác. Tương tự, những fan chân chính của Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng… sẽ yêu quý thần tượng lâu dài, nhưng những fan ảo sẽ nhanh chóng đi tìm thần tượng mới khi thần tượng cũ của họ không còn đứng ở vị trí hàng đầu.

Sính sao ngoại

Trong vài năm trở lại đây, khi các sao nước ngoài xuất hiện ở VN ngày một nhiều, thì những hình ảnh "ngất xỉu vì thần tượng" cũng vì thế mà nhiều theo. Bình thường chẳng mấy ai biết fanclub của ban nhạc SNSD, Super Junior (Hàn Quốc)… có những hoạt động gì ở trên mạng, ngoài đời, nhưng khi có thông tin các ban nhạc này biểu diễn ở VN thì fan không biết ở đâu mọc ra rất nhiều. Tháng 10.2009, thông tin một số nghệ sĩ Hàn Quốc tham gia trong chương trình giao lưu văn hóa Việt - Hàn đã gây ra một cơn rúng động trong làng fan của người hâm mộ nhạc Hàn (Kpop). Mặc dù chỉ có SNSD biểu diễn nhưng cổng trung tâm hội nghị Quốc gia vẫn đầy đủ sắc màu của Kpop. Các nhóm fan áo đỏ bóng đỏ của DBSK, áo xanh, bóng xanh của Super Junior, áo hồng, bóng hồng của SNSD thi nhau hò hét, hát các bài của ban nhạc thần tượng gây nên một cảnh tượng hỗn độn.

Gần đây, ngay khi biết ban nhạc Super Junior biểu diễn ở Hà Nội ngày 27.3.2010 trong chương trình MTV Exit, các fan của ban nhạc này đã tổ chức họp mặt vào ngày 14.3. Ban tổ chức buổi họp là Saphire Junior- fanclub lớn của Super Junior tại VN đã chọn công viên Bách Thảo làm điểm họp. Bình thường diễn đàn này không thống kê số thành viên, ban quản trị dự tính chỉ có khoảng 400 thành viên của diễn đàn tham gia nhưng không ngờ lượng người tới họp quá đông (ước tính hơn 2.000 người) khiến một đoạn đường gần công viên Bách Thảo bị tắc, công viên này cũng phải đóng cửa để đảm bảo trật tự. Đêm diễn MTV Exit còn có nhiều ngôi sao khác của VN như Hà Anh Tuấn, Hoàng Hải, Phạm Anh Khoa, nhưng phần lớn khán giả trong số 50.000 người chen chúc tại sân Mỹ Đình hôm đó, thậm chí hàng chục người bị ngất, chỉ để cố nhìn được tận mắt 8 chàng trai của Super Junior. Chạnh lòng khi nghĩ sao Việt có nổi tiếng đến mấy, thân thiện với fan đến mấy, thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, từ thiện cùng fan cũng không thể tập hợp được lượng fan khổng lồ như vậy.

Fan của các sao Việt cũng đón rước thần tượng của mình, nhưng chưa bao giờ có được cảnh tượng đông đúc và… hết mình như fan của sao ngoại. Cảnh tượng hoành tráng nhất của fan sao Việt có lẽ là những hoạt động mà fan của Đàm Vĩnh Hưng chuẩn bị cho live show Người tình. Những ngày đầu tháng 8 năm ngoái, trên đường phố Hà Nội xuất hiện đội quân mặc quần áo trắng, đội mũ trắng, mang băng-rôn khẩu hiệu quảng bá cho live show này. Ở VN, những hoạt động của fan mang tính quy mô, tổ chức chặt chẽ như vậy là rất hiếm.

Đỗ Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.