Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có rất nhiều vụ án xuất phát từ những tranh chấp đất đai, tương tự vụ án tôi làm kiểm sát viên giữ quyền công tố dưới đây.
Hai người đàn ông vốn là bạn tri kỷ với nhau từ nhiều năm nay đã đoạn tình chỉ vì 90m2 đất sản xuất nông nghiệp.
Thật ra mâu thuẫn giữa ông C. và ông T. đã được UBND xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang hòa giải, chính quyền đã cho cắm cột mốc ở hai đầu thửa đất.
Ngày 6-6-2009, khi ông C. một mình cắm tiêu để đắp bờ thì ông T. ra ngăn cản, nhổ hết tiêu ông C. vừa cắm, thế là dẫn đến xô xát. Do yếu thế hơn, ông C. chạy đến bờ ruộng chụp cây len và thẳng tay giáng vào đầu đối thủ của mình hai nhát. Rất may thương tích gây ra cho ông T. chỉ 8%.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 2-3-2010 cả hai vẫn còn hằn học với nhau, bị cáo cho rằng mình phòng vệ chính đáng nên không phải chịu trách nhiệm hình sự và không phải bồi thường. Người bị hại khăng khăng yêu cầu xét xử bị cáo về tội giết người và tăng mức án, tăng mức bồi thường thiệt hại.
Khi tôi hỏi bị cáo tại sao không chạy luôn mà còn cầm len quay lại đánh người bị hại, và tại sao khi cắm tiêu đắp bờ không thông báo cho người có đất giáp ranh biết để cùng nhau xác định ranh giới thì bị cáo chỉ vân vê vạt áo im lặng.
Quay sang người bị hại, tôi đặt câu hỏi: “Việc bị cáo cắm tiêu, đắp bờ có gây thiệt hại cho ông không?”, ông T. khẳng định: “Thưa có, vì bị cáo cố tình cắm tiêu không thẳng”. Nhưng đến khi được hỏi: “Thiệt hại đó có thể khắc phục bằng cách khác được không vì cột mốc ở hai đầu thửa đất vẫn còn đó”, ông T. tỏ vẻ bối rối, đưa mắt nhìn sang người bạn cố tri của mình đang khổ sở trong chiếc áo tù.
Trước khi xét xử, qua nghiên cứu hồ sơ, tôi nhận định bị cáo đã dùng cây là hung khí nguy hiểm đánh vào vị trí có thể gây nguy hiểm cho người bị hại nên quan điểm của tôi - và đã được lãnh đạo viện thống nhất - là không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên mức hình phạt 6 tháng tù của bản án sơ thẩm.
Khi phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, tôi nhấn mạnh nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội là do cách ứng xử không đúng của cả hai người.
Theo thông lệ ở địa phương, lẽ ra ông C. phải thông báo cho ông T. biết để cùng nhau cắm tiêu và khi phát hiện ông C. cắm tiêu lẽ ra ông T. phải dùng lời lẽ thiệt hơn, cùng nhau điều chỉnh ranh giới chứ không nên nhổ bỏ làm mâu thuẫn càng gay gắt hơn, để rồi một người phải mang thương tật, một người phải lãnh án 6 tháng tù và quan trọng nữa là tình nghĩa xóm giềng tối lửa tắt đèn có nhau bị rạn nứt.
Điều bất ngờ đã xảy ra khi người bị hại - ông T. lại đứng ra nhận lỗi trước: “Tôi biết tôi đã cư xử quá nóng nảy nên mới xảy ra cơ sự này. Tôi xin cho anh C. được hưởng án treo và không yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Bị cáo C. nước mắt ràn rụa cũng nói lời xin lỗi người bị hại: “Chỉ vì tính cố chấp nên đã có hành động như một đứa con nít, giờ nghĩ lại tôi thật xấu hổ với xóm giềng, mong anh T. thứ lỗi”.
Tôi nhìn sang hội đồng xét xử và dừng lại để cho họ khóc. Nhìn hai người đàn ông tóc đã điểm bạc ôm nhau khóc nức nở như hai đứa trẻ, tuy có đắn đo nhưng cuối cùng tôi đã đề nghị cho bị cáo hưởng án treo, công nhận sự tự nguyện của người bị hại không yêu cầu bị cáo bồi thường trách nhiệm dân sự.
Khi nghe vị chủ tọa tuyên án chấp nhận lời đề nghị của đại diện viện kiểm sát, giữ nguyên mức án 6 tháng tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo thì cả hai người đàn ông tham gia tố tụng với hai vị trí đối lập nhau - bị hại, bị cáo - đã có chung một niềm vui.
Riêng tôi là người đại diện viện kiểm sát cảm thấy lòng nhẹ nhõm.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)