Suy nghĩ trước khi bấm còi

20/04/2010 09:19 GMT+7

(TNTT>) Ở nước ngoài, còi xe chỉ được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp và nói chung họ hạn chế tối đa việc bấm còi. Một tiếng còi không cần thiết cất lên không khác gì một hành động bất lịch sự, làm ảnh hưởng đến tất cả mọi người xung quanh. >> Bao giờ cái tai hết khổ?

Tất nhiên, không thể đem văn minh bấm còi trên thế giới dập khuôn hoàn toàn với điều kiện giao thông Việt Nam. Trên đường phố nước ta, giao thông nhìn chung là hỗn độn. Người đi xe máy lấn vào phần đường dành cho ô-tô rồi ô-tô lại lấn sang đường cho xe máy, người đi bộ thì đi xuống lòng đường vì vỉa hè bị chặn bởi trăm nghìn chướng ngại vật… Hầu hết người Việt Nam đều hiểu sự khó chịu đến từ tiếng còi và không thích bấm còi tùy tiện.

Nhưng trong hoàn cảnh giao thông của Việt Nam thì người ta đành phải bấm còi. Còn nếu mọi con đường đều có 12 làn xe như đại lộ Nguyễn Văn Linh (Q.7, TP. HCM), xe nào đi đường xe nấy thì chẳng ai hơi đâu bấm còi cho mệt.

Tiếng còi - văn hóa của người đi xe

Có thể coi tiếng còi xe tại Việt Nam thay cho câu: “tôi đang tới” hay “tránh đường cho tôi đi”, một dạng ám hiệu được mọi người chấp nhận. Người bấm còi như người xin đường, người nghe tiếng còi xe để đoán ý đồ của người đi cạnh mà có cách xử lý thích hợp. Nếu coi tiếng còi chính là phản ảnh văn hóa của người đi xe có lẽ cũng không ai phản đối. Một tiếng còi nhẹ nhàng đủ để người ta biết lời xin đường của bạn. Còn nếu dùng tiếng còi thúc giục với cường độ lớn như dọa nạt người khác thì có khi bạn chẳng được nhường đường vì người ta ghét thái độ của bạn.

Sự thật là trong số hàng triệu người đi xe máy và cả ô-tô, không hiếm người dùng còi thiếu văn hóa. Ngoài chuyện còi linh tinh không hợp lúc, hợp nơi họ còn lừa người tham gia giao thông khác. Người viết bài này đã từng nhiều lần đi trên đường và giật mình khi nghe tiếng còi ô-tô phía sau. Giật mình là bởi vài giây trước, mình không nhìn thấy chiếc ô-tô nào trên gương chiếu hậu. Vội vàng nép sang bên phải đường để nhường chỗ cho “ô-tô qua” nhưng nào thấy ô-tô mà chỉ thấy mấy chàng choai choai phóng xe máy vượt lên. Hóa ra đó là những chiếc xe máy gắn còi xe ô-tô. Cảm giác chung của mọi người sau nhường đường cho những “ô-tô” trên là bực mình, bực mình vì bị mắc lừa và bực hơn là vì thái độ không tôn trọng người khác của đám choai choai. Mà những thanh niên dùng còi xe chế này lại coi đó là niềm tự hào. Cái cảm giác được mọi người nhường đường, làm người khác giật mình và làm người khác bị mắc lừa mang lại khoái cảm cho họ.

Nhưng giả dạng tiếng còi ô-tô chưa phải “đỉnh” của sự đáng ghét, có những kẻ còn chơi còi độc theo tiếng dành cho xe ưu tiên (cứu thương, cứu hỏa…) để giải quyết khâu “oai”. Mà để chế những tiếng còi quái như thế chỉ mất vài trăm ngàn đồng.

Hậu quả của tiếng còi chế như thế nào thì báo chí cũng nhiều lần nhắc đến rồi. Có người vì giật mình nhường đường cho xe còi chế mà ngã xuống đường, bị máy xúc nghiền qua mất mạng. Dư luận bức xúc nhưng khó dẹp triệt để dù đã có luật cấm chế còi xe. Cảnh sát giao thông còn quá nhiều việc phải làm chứ không thể bắt tiếng còi chế được. Những kẻ dùng còi này lại rất khôn ngoan, xe của họ luôn có công tắc phụ để sẵn sàng chuyển chế độ còi bình thường sang còi chế và ngược lại. Trong dòng xe xuôi ngược ai biết được ai dùng còi chế.

Chỉ bấm còi khi cần thiết

Hầu hết những xe dùng còi chế là của các thanh niên mới lớn. Họ muốn thể hiện cái tôi, tính chất khác người mà không cần biết người khác nghĩ gì. Để có tiếng còi xe độc đáo khiến thiên hạ phải lác mắt, họ không chỉ chế còi ô-tô mà còn dùng tiếng còi giả theo tiếng hổ, báo, sư tử, bò, ngựa.

Có một tình huống rất khôi hài mà người viết được chứng kiến trên đường 16 tháng 4, thành phố Phan Rang (Ninh Thuận). Đang đi xe máy trên đường, bỗng nhiên có tiếng còi xe giả tiếng thú kêu của một anh chàng mới lớn đang chở bạn gái trên xe. Nhưng người mà anh ta muốn vượt nhất quyết không nhường đường mà còn ném lại một câu: “Đường này có gắn biển cấm gia súc rồi”. Thanh niên đó đỏ bừng mặt. Không hiểu sau này, anh ta còn dùng tiếng còi không giống ai như thế không. Có lẽ các bậc phụ huynh có suy nghĩ cũng chẳng thể hài lòng nếu biết xe của con em họ có những tiếng kêu y như trong thảo cầm viên.

Bạn hãy xem tiếng còi xe như lời nói của mình trong giao thông: nói ít thôi, nói lúc cần nói và nói để người khác hiểu, đừng “lắm mồm làm phiền” mọi người, đừng ca hát giữa đường (có những người còn vui tính dễ sợ khi bóp còi theo điệu nhạc trên đường đi), cũng đừng giả giọng người khác bằng việc dùng còi chế. Ông cha ta có câu "uốn lưỡi 7 lần trước khi nói", vậy trước khi bóp còi bạn cũng nên suy nghĩ để "tiếng nói của xe" thật sự có ý nghĩa.

Còi ô-tô: Ác mộng

Còi xe máy dù ồn ào nhưng nó không khiến bạn có cảm giác như “sét đánh ngang tai”. Những chiếc xe container, xe tải, xe bồn là nguồn cơn gây ra những tiếng còi xuyên thủng màng nhĩ người đi đường bởi độ ồn mà nó gây ra. Mức độ âm thanh cho phép của còi trong thành phố khoảng 100 db (decibel) nhưng thực tế nhiều loại xe tải trọng lớn có còi xe phát ra âm thanh có độ ồn cao hơn nhiều. Khi đi trên đường với tốc độ lớn, để dẹp đường hiệu quả, nhiều tài xế chọn giải pháp dùng còi để người trên đường dẹp sang một bên. Mà còi càng to thì mức độ dẹp càng hiệu quả vì độ lớn của tiếng còi tỷ lệ thuận với nỗi sợ hãi của những người phải hứng chịu âm thanh này.

Thông cảm với các tài xế khi họ phải chịu áp lực về thời gian, tiến độ công việc. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ được quyền “hét” vào tai người đi đường. Giữa lúc nóng bức mà nghe tiếng còi chói vào tai thì chẳng khác nào tra tấn. Không chỉ người đi đường mà còi ô-tô còn làm khổ cư dân hai bên đường, một tiếng còi hơi cũng có thể làm nhiều người mất giấc ngủ trưa. Hồ Khuê

Nhật Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.