Chính quyền chậm, sao bắt dân chịu ?

21/04/2010 23:05 GMT+7

Bồi thường không thỏa đáng đã khiến phần lớn người dân bị giải tỏa ở dự án Đầu tư công trình tiêu thoát nước và cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (thuộc Q.Gò Vấp, TP.HCM) không chịu nhận tiền đền bù.

Dự án này ảnh hưởng trực tiếp đến 410 hộ dân và từ tháng 6.2006, UBND TP.HCM đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tuy nhiên, mãi đến năm 2008 và qua năm 2009, các hộ dân mới nhận được thông báo của Ban Bồi thường - giải phóng mặt bằng kèm với bảng chiết tính giá trị bồi thường, hỗ trợ thiệt hại. Thậm chí, đến thời điểm này (tháng 4.2010) vẫn còn nhiều hộ chưa nhận được bảng chiết tính bồi thường.

Điều bức xúc của người dân là đơn giá bồi thường quá bất hợp lý. Giá đất bồi thường (kể cả hỗ trợ) đối với đất ở, tính ra không bằng 1/3 giá thị trường. Cụ thể: giá bồi thường + hỗ trợ đất ở tại mặt tiền đường Nguyễn Văn Dung là 6.400.000 đồng/m2 trong khi giá trên thị trường hiện nay là 20.000.000 đồng/m2. Giá đất bồi thường này căn cứ vào giá đất do UBND TP.HCM ban hành từ năm 2005, bất kể việc chi trả bồi thường trên thực tế chỉ mới được triển khai gần đây.

Mức áp giá như vậy đã gặp sự khiếu nại quyết liệt của hầu hết hộ dân bị ảnh hưởng. Theo báo cáo của UBND Q.Gò Vấp thì tính đến tháng 4.2008, có tới 2/3 số hộ dân không chịu nhận tiền bồi thường, do đó UBND Q.Gò Vấp đề nghị TP điều chỉnh đơn giá đất để tính bồi thường theo giá thị trường cho dân. Tuy nhiên đề nghị này đã không được đáp ứng.

Đã không áp giá bồi thường “sát với giá chuyển nhượng thực tế trong điều kiện bình thường” như quy định ở chương 2, điều 6, khoản 2 Nghị định 197/2004 của Chính phủ và Thông tư 116/2004/TT - BTC; việc áp giá đền bù theo khung giá đất mà TP ban hành từ năm 2005 thay vì căn cứ vào khung giá đất trong thời điểm chi trả bồi thường thực tế cho dân, cũng trái với tinh thần Nghị định 197/2004/NĐ-CP năm 2004: “Bồi thường chậm do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra mà giá đất tại thời điểm bồi thường do UBND cấp tỉnh công bố cao hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo đơn giá đất tại thời điểm trả tiền bồi thường”.

Cách giải quyết của TP hiện nay là bù thêm lãi suất ngân hàng tính từ ngày công bố phương án đền bù đến thời điểm chi trả bồi thường chẳng có ý nghĩa gì nếu so với giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường.

Chưa hết, phần đất nông nghiệp liền kề đất ở bị giải tỏa ở dự án này chỉ được đền bù bằng 20% đất ở. “Áp giá như vậy là quá ép dân”, luật sư Nguyễn Phương Danh, người có hơn 600m2 đất nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Văn Dung, Q.Gò Vấp bị giải tỏa trắng, bức xúc. Ông phân tích: “Nói là đất nông nghiệp nhưng thực tế đây là đất xen kẽ trong khu dân cư đô thị và chẳng ai làm nông nghiệp cả, gần như là đất thổ cư chỉ vì người dân trước đây chưa làm thủ tục chuyển đổi thành đất thổ cư thôi. Với loại đất này thì dù áp dụng mức hỗ trợ 40% cũng đã thiệt hại quá nhiều cho dân rồi chứ đừng nói gì mức 20%”.

Đầu năm 2008, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 82 điều chỉnh mức đền bù đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư lên 40% giá trị đất ở liền kề. Nhưng sự điều chỉnh này chỉ áp dụng cho các dự án triển khai từ năm 2007 về sau và cũng loại trừ luôn dự án trên. Về chi tiết này, luật sư Nguyễn Phương Danh bức xúc: “Dự án đang trong thời gian triển khai và phần lớn người dân chưa chịu nhận tiền đền bù thì việc áp dụng mức hỗ trợ 40% theo QĐ 82 là hoàn toàn hợp tình hợp lý, nếu chính quyền thật sự quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân”.

Nguyễn Đình Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.