Hàng loạt sai phạm trong đấu thầu mua thuốc
Ngày 20.4, tại BV Nhân dân 115, Sở Y tế TP.HCM đã công bố kết luận thanh tra về công tác đấu thầu thuốc trong năm 2009 ở BV này. Theo đó, công tác thanh tra kéo dài từ 15.12.2009 đến 15.3.2010. Mục đích thanh tra nhằm: quản lý việc chi tiêu sử dụng các nguồn vốn của Nhà nước; phòng, chống tham nhũng; tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, chống các hoạt động khép kín trong đấu thầu dẫn tới hạn chế cạnh tranh...
Sau mấy tháng làm việc, đoàn thanh tra đã đi đến một số kết luận cho thấy, có nhiều sai phạm nghiêm trọng tại BV này. Cụ thể, qua kiểm tra ngẫu nhiên một số hồ sơ trúng thầu cung cấp thuốc cho BV, đoàn phát hiện, có công ty lẽ ra phải bị loại nhưng vẫn được trúng thầu; có hồ sơ mời thầu không đúng quy định; việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu không có tính khách quan. Đặc biệt là trong việc chấm điểm kỹ thuật, có công ty không đạt tiêu chuẩn, nhưng vẫn được chấm điểm cao cho tất cả các mặt hàng mà công ty tham gia dự thầu; BV không thực hiện đúng quy trình đấu thầu... Tất cả những điều này đã dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu không trung thực và sai lệch kết quả.
Từ những sai phạm trên, Sở Y tế kiến nghị UBND TP chỉ đạo tổ chức kiểm điểm các cá nhân vi phạm trong việc tổ chức đấu thầu thuốc trong BV và các vi phạm về cung ứng thuốc, buộc bệnh nhân phải tự mua thuốc trong danh mục thiết yếu và phải mua tại nhà thuốc BV gây thiệt hại cho bệnh nhân... Ngoài ra, do trong quá trình thanh tra, đoàn xét thấy còn những vấn đề chưa rõ ràng liên quan đến thu chi và các hóa đơn chứng từ tại nhà thuốc BV, việc nhận tiền hỗ trợ của công ty dược..., nên Sở Y tế đề xuất UBND TP chỉ đạo Thanh tra TP tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động của BV Nhân dân 115 để làm rõ các sai phạm tại đây. |
Ngoài ra, việc mua thuốc đông dược, BV Nhân dân 115 cũng làm sai quy định. Thay vì mua sắm theo hình thức chào hàng cạnh tranh như kế hoạch đấu thầu và danh mục thuốc mời thầu đã được UBND TP.HCM phê duyệt, thì lại mua với hình thức trực tiếp...
Đoàn thanh tra còn ghi nhận, dù chưa dùng hết số tiền được duyệt để mua thuốc, nhưng BV vẫn có công văn đề nghị tăng số lượng thuốc trong hợp đồng 2009 và được Sở Y tế phê duyệt (!?). Cụ thể, đến thời điểm thanh tra, gói thầu của năm 2009 thực hiện được 8 tháng (từ tháng 5.2009 đến tháng 12.2009) với tổng số tiền mua sắm thực tế là 94,174 tỉ đồng, trong khi kế hoạch đấu thầu và danh mục thuốc đấu thầu đã được UBND TP phê duyệt lên tới 178,071 tỉ đồng.
Kiểm tra ngẫu nhiên 63 mặt hàng của 10 công ty cung cấp, đoàn thanh tra phát hiện có 11 mặt hàng không sử dụng, nhưng trong đó vẫn có 3 mặt hàng xin tăng thêm số lượng (?!)...
O ép bệnh nhân, buộc mua thuốc tại BV
Qua kiểm tra ngẫu nhiên một số hồ sơ bệnh án có bảo hiểm y tế (BHYT) và không có BHYT, thanh tra phát hiện: với hồ sơ BHYT có một số loại thuốc được sử dụng ký hiệu T2 không thể hiện trong bảng thanh toán viện phí. Với hồ sơ không BHYT, thì trước các thuốc có ký hiệu T2, bảng thanh toán viện phí không thể hiện tên thuốc và tiền thuốc đã sử dụng, hóa đơn viện phí không tính tiền thuốc, chỉ tính tiền vật tư và các dịch vụ khác. Đoàn thanh tra phải khai thác trực tiếp từ y, bác sĩ của nhiều khoa phòng, thì mới biết được: “Ký hiệu T2 trước các tên thuốc trong bệnh án nghĩa là tự túc” (bệnh nhân tự mua thuốc!).
Đáng lưu ý, từ cuối năm 2008, các khoa điều trị đã yêu cầu bệnh nhân mua thuốc tại nhà thuốc của BV theo chủ trương của Ban giám đốc BV, nếu mua thuốc ở nơi khác thì không được sử dụng. Khi bệnh nhân đem thuốc về khoa, thì các khoa phòng phân biệt thuốc mua tại Nhà thuốc BV 115 với các nơi khác bằng chữ ký của nhân viên, hay hóa đơn bán thuốc của nhà thuốc! Đây có thể là một kiểu ép bệnh nhân để lấy hoa hồng từ các công ty dược hoặc tạo lợi nhuận khổng lồ cho một nhóm người. Trong khi doanh thu năm 2009 của nhà thuốc BV là 113 tỉ đồng, nhưng qua kiểm tra, nhà thuốc BV chưa đáp ứng các điều kiện về bảo quản thuốc!
Qua đối chiếu, kiểm tra, thanh tra phát hiện có 310 loại thuốc được sử dụng trong hồ sơ bệnh án nhưng bệnh nhân nội trú phải tự mua thuốc điều trị. Trong khi theo nguyên tắc, bệnh nhân BHYT đồng chi trả phải được cung cấp theo giá của thuốc nội trú, hoặc cơ quan BHYT phải chi trả toàn bộ theo giá thuốc nội trú đối với bệnh nhân BHYT 100%. Như vậy, nếu bị ép phải mua thuốc mua tại nhà thuốc BV (mà không sử dụng thuốc có trong danh mục) thì bệnh nhân phải trả chênh lệch!
Việc buộc người bệnh nội trú phải tự mua thuốc điều trị là sai quy định, trái với Luật Dược gây thiệt hại cho bệnh nhân. Bộ Y tế cũng đã ra chỉ thị yêu cầu giám đốc các BV phải có trách nhiệm đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh theo danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại BV, không để người bệnh nội trú phải tự mua thuốc.
Thanh Tùng
Bình luận (0)