Trình làng hệ thống giao thông thông minh

25/04/2010 23:02 GMT+7

Nếu được sự chấp thuận của Sở GTVT, đề án cảnh báo kẹt xe từ xa bằng hệ thống cảm biến và quang báo sẽ được thí điểm tại một số giao lộ trên địa bàn TP.HCM.

Nhóm nghiên cứu trường Đại học Quốc tế TP.HCM vừa hoàn thành đề án cảnh báo kẹt xe từ xa bằng hệ thống cảm biến và quang báo. Đề án này được các chuyên gia đánh giá là hình thức sơ khai của hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport System - ITS) mà các nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng từ lâu.

Chống kẹt xe từ xa

Tiếp xúc với Thanh Niên, PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế, cho biết hệ thống cảnh báo bao gồm các cảm biến (sensor), biển báo, thiết bị truyền nhận thông tin đặt tại địa điểm hoặc giao lộ cần quan sát. Trong trường hợp kẹt xe, cảm biến (nhân công hoặc tự động) tại điểm kẹt xe sẽ thông báo về trung tâm điều khiển giao thông. Thông tin này được hiển thị trên bản đồ GIS tại trung tâm để hỗ trợ CSGT nhanh chóng đưa ra phương án giải quyết các nút ùn tắc. Đồng thời, trung tâm có thể gửi thông tin chỉ dẫn tránh kẹt xe lên các bảng quang báo đặt tại các giao lộ có hướng đi về điểm kẹt xe. Hệ thống quang báo này sẽ giúp người lái xe biết sớm tình trạng kẹt xe và hướng dẫn những lộ trình lưu thông tránh khỏi điểm ùn tắc.

Điện tử hóa bản đồ xe buýt

Sở GTVT TP.HCM vừa chỉ đạo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng phối hợp Công ty quảng cáo Đất Việt thí điểm đề án đầu tư trạm thông tin và bản đồ điện tử tại các nhà chờ xe buýt. Cụ thể, sẽ bố trí hệ thống máy tính màn hình cảm ứng cung cấp bản đồ và toàn bộ thông tin về các tuyến xe buýt của TP. Hành khách chỉ cần chọn điểm đi (là điểm họ đang chờ) và điểm đến thì máy tính sẽ thể hiện ngay sơ đồ tuyến, số tuyến hành khách cần bắt, lộ trình xe buýt đi qua, các điểm dừng trong suốt lộ trình, cách thức nối tuyến (trong trường hợp khách phải bắt nhiều tuyến), tổng chiều dài đoạn đường, tổng tiền vé...

Công ty Đất Việt dự kiến đầu tư khoảng 1,15 triệu USD để lắp đặt 115 trạm thông tin, thu hồi vốn bằng cách thực hiện quảng cáo thương mại tại mỗi trạm thông tin và trên màn hình cảm ứng trong thời gian 15 năm. Trước mắt, từ nay đến tháng 7.2010, đề xuất thí điểm lắp đặt bản đồ điện tử tại 37 nhà chờ xe buýt trên các trục đường trung tâm như: Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Hưng Đạo...

Theo ông Phong, điều kiện giao thông của VN và nhất là TP.HCM có nhiều khác biệt so với các nước, như: phần lớn xe tham gia giao thông là xe gắn máy, mật độ xe dày đặc, khó có phân luồng cụ thể để phân biệt các loại xe... Do đó, để phù hợp với tính phức tạp của giao thông TP.HCM, đề án phát triển các phương pháp xử lý ảnh trên video thu được từ camera đặt tại các nút giao thông (hoặc thông qua hệ thống camera và đường cáp quang dẫn về trung tâm điều khiển đèn tín hiệu có sẵn của TP) kết hợp với các cảm biến thông thường như cảm biến từ, bộ đếm Air-pump và đèn tín hiệu giao thông để cho ra một dự đoán chính xác nhất về tình trạng giao thông tại các nút quan sát.

Các phương pháp xử lý ảnh sẽ bước đầu phân tích video, xác định dải phân cách và các hướng xe, sau đó tính toán mật độ xe và vận tốc trung bình của dòng xe trên mỗi chiều. Các thông số này được hệ thống huấn luyện để đưa ra các nhận định về tình trạng giao thông, chẳng hạn với 4 trạng thái như: thông thoáng (khi vận tốc trên 25 km/giờ), chậm (từ 10 - 25 km/giờ), kẹt (3 -10 km/giờ), tắc (dưới 3 km/giờ) và tình trạng kéo dài trong thời gian bao lâu cũng sẽ được thể hiện.

Bảng quang báo là các bảng LED ngoài trời được dùng để hiển thị các thông tin từ trung tâm điều hành, nhằm thông báo cho người đi đường về tình trạng của các nút giao thông phía trước, đồng thời hướng dẫn cho họ rẽ trái hay rẽ phải khi cần thiết để tránh các điểm kẹt xe.

Thực tế từ 4 “điểm đen”

Sẽ lắp đặt các cảm biến và bộ đếm tại các giao lộ để ghi nhận tình trạng kẹt xe, từ đó gửi thông tin về trung tâm để xử lý

Thạc sĩ Trần Văn Sư, Trưởng khoa Điện tử viễn thông (Đại học Quốc tế), cho biết thêm nhóm nghiên cứu đã tiến hành quản lý, giám sát 4 điểm giao thông trong TP là ngã tư Phú Nhuận, công trường Dân chủ, ngã tư Hàng Xanh và ngã tư Thủ Đức bằng cách bố trí camera lấy tín hiệu video và các sensor cơ ghi nhận tình trạng giao thông, xử lý và gửi về trung tâm điều hành. Có 4 mức tình trạng được đặt ra là: giao thông bình thường, kẹt xe 10 phút, kẹt xe 20 phút và kẹt xe 30 phút. Sau đó, tình trạng giao thông tại các nút sẽ được hiển thị lên bản đồ GIS ở trung tâm và đồng thời được cập nhật về các bảng quang báo LED đặt tại các con đường trước khi đến nút giao thông đó.

Chẳng hạn, để chống kẹt xe tại ngã tư Phú Nhuận, sẽ lắp 2 bảng LED trên đường Hoàng Văn Thụ (1 tại Công viên Hoàng Văn Thụ và 1 tại giao lộ với đường Trương Quốc Dung), 1 bảng LED trên đường Phan Đình Phùng (ngã tư Trần Quang Khải - Lý Chính Thắng - Hai Bà Trưng), 1 bảng trên đường Phan Đăng Lưu (ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Phan Đăng Lưu). Xe cộ lưu thông trên đường Hoàng Văn Thụ, nếu giao thông bình thường, bảng LED có màu xanh và hiển thị chữ "giao thông bình thường". Nếu kẹt xe 10 phút, bảng LED có màu vàng và hiển thị "kẹt xe 10 phút". Nếu kẹt xe 20 phút, bảng LED có màu cam và hiển thị chữ "kẹt xe 20 phút". Nếu kẹt xe trên 30 phút, bảng LED có màu đỏ, hiển thị "kẹt xe 30 phút", đồng thời đưa ra các cảnh báo xe cộ rẽ trái hoặc rẽ phải chứ không nên tiếp tục đi thẳng vào ngã tư Phú Nhuận...

ITS là gì?

Hệ thống giao thông thông minh (ITS) là một “siêu hệ thống” kết hợp nhiều lĩnh vực công nghệ cao như hệ thống định vị toàn cầu (GPS), hệ thống thông tin địa lý (GIS), cơ sở dữ liệu (DB) và các giải pháp truyền thông nhằm mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông, tránh ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả vận chuyển, tạo thuận lợi tối đa cho lưu thông...

Khi ứng dụng ITS, nhân viên tại trung tâm có thể giám sát được các hoạt động giao thông theo thời gian thực (real time) và có thể điều phối bằng cách gửi thông báo đến các bảng hiệu trên các trục lộ nhằm giúp cho người lưu thông nắm bắt được tình hình giao thông tại các nút giao và chủ động chọn hướng đi, tránh kẹt xe.

Ngoài ra, người dân có thể tiếp cận với thông tin cảnh báo kẹt xe bằng cách gọi điện, nhắn tin, nghe đài hoặc truy cập internet...

Đặt viên gạch đầu tiên

PGS-TS Hồ Thanh Phong cho biết, dự kiến hệ thống cảnh báo giao thông thông minh sẽ được thí điểm tại một số giao lộ thường xuyên kẹt xe trên địa bàn TP, ngay sau khi được sự chấp thuận của Sở GTVT. Giá thành lắp đặt hệ thống khoảng hơn 700 triệu đồng/giao lộ, rẻ hơn nhiều so với sử dụng thiết bị ngoại nhập.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đánh giá đề án này là hình thức sơ khai của hệ thống ITS, hoàn toàn khả thi trong điều kiện của TP.HCM. Theo ông Dũng, kênh VOV, VOH giao thông hiện nay cũng là một hình thức cảnh báo phương tiện từ xa, tuy nhiên, thông tin cho các kênh phát thanh còn hạn chế, khả năng cập nhật chưa cao. Do đó sẽ rất tốt nếu kết hợp thêm thông tin kẹt xe từ trung tâm GIS của hệ thống cảnh báo này. Về lâu dài, cần tiến tới lắp thiết bị định vị GPS trên từng xe để quản lý giao thông động và tĩnh của  phương tiện, từ đó tính toán lưu lượng giao thông để đưa ra những cảnh báo chính xác từ xa.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.