Sau khi kết thúc cuộc họp thượng đỉnh quốc tế về hạt nhân và gặp gỡ các nhân vật cao cấp của chính phủ Mỹ ở thủ đô Washington hôm 14.4, ông Lý đi tiếp qua thành phố Chicago. Ở đó, ngoài việc xuất hiện liên tục trên truyền hình Mỹ, gặp gỡ nhiều nhân vật cấp cao của thành phố, ông cũng có buổi ăn trưa với chừng 150 kiều dân và sinh viên Singapore.
Chiêu dụ nhân tài bằng hình ảnh
Cuộc gặp gỡ tại khách sạn Millennium Knickerbocker trưa 16.4 được bắt đầu bằng việc ông Lý chiếu một slideshow gồm 20 hình ảnh cập nhật nhất về đảo quốc sư tử. Đó là hình ảnh đường đua xe hơi thể thức 1 Formula One vào ban đêm với phông nền phía sau là những tòa cao ốc sừng sững, lung linh. Đó là hai tổ hợp sòng bạc giải trí Resort World Sentosa và Marina Bay Sands đã và sắp khai trương, trị giá mỗi khu trên dưới 5 tỉ USD; Là trung tâm mua sắm lộng lẫy Ion nằm ngay tâm điểm của khu shopping Orchard nổi tiếng; Là khu chung cư sang trọng Pinnacle@Duxton dành cho đối tượng có thu nhập trung bình và thấp…
Sau mỗi hình ảnh, cử tọa lại vỡ ra những tiếng “wow” thán phục. Còn ông Lý thì chân tình: “Có rất nhiều cái mới đang diễn ra trong mấy năm gần đây ở Singapore. tôi muốn gửi đến các bạn hình ảnh một vài cái đang diễn ra đó, để các bạn cảm nhận được Singapore ngày nay ra sao. Để rồi có thể trong các bạn sẽ trỗi dậy chút hồi ức, chút luyến nhớ, và các bạn sẽ trở về thăm nơi đó”. Ông cũng không quên ngợi ca kiều bào: “Tôi nghĩ câu chuyện của Singapore có một phần đóng góp đáng kể của những người Singapore đang học tập và làm việc ở nước ngoài. Các bạn là một phần của cộng đồng, của gia đình chúng ta”. Để rồi ông chốt lại: “Hãy liên lạc với trong nước, hãy liên lạc với nhau”.
Mặc dù ông Lý chẳng công khai kêu gọi, nhưng ai cũng hiểu ý đồ của ông. Aktar Thaker, một nhà đầu tư bất động sản, nói với kênh truyền hình CNA: “Rõ ràng Thủ tướng Lý đang cố mời gọi người Singapore quay về đóng góp cho đất nước. Đó là việc ông ấy cần làm”.
Sau đó, ông Lý đi một vòng trò chuyện với các sinh viên và hỏi họ kế hoạch sau khi học xong sẽ làm gì, về nước hay tiếp tục ở lại Chicago hoặc một nơi nào khác trên đất Mỹ để tìm việc. Theo các báo Singapore, phần đông trả lời sẽ về nước.
Ricky Tay, quản lý bộ phận kiểm toán và đánh giá rủi ro kinh doanh của hãng Deloitte & Touche, người đã sống ở Chicago 6 năm, nói: “Thủ tướng đã vẽ ra một bức tranh rất lạc quan ở quê nhà. Tôi nghĩ rất nhiều sinh viên và người có tay nghề cao đang sống ở nước ngoài sẽ nghĩ đến chuyện về nước tìm kiếm cơ hội”.
Sinh viên Hatim Thaker nói: “Ở đây, tôi được học khác với các bạn ở Singapore. Điều đó cho tôi một góc nhìn khác biệt mà tôi có thể đóng góp cho Singapore như Thủ tướng đã nói”.
Trăm nghe không bằng một thấy!
Với quan niệm “một bức ảnh hơn ngàn lời nói”, ông Lý thường tối đa hóa hiệu ứng nghe nhìn để tăng tính thuyết phục trong những bài phát biểu của mình. Tôi đã theo dõi các cuộc nói chuyện của ông Lý trước quốc dân nhân dịp lễ Quốc khánh Singapore (ngày 9.8). Lần nào bài nói chuyện bằng tiếng Anh của ông cũng kéo dài liên tục trong nhiều tiếng đồng hồ. Tuy vậy, không có một phút nào ông làm cử tọa lơ đễnh.
Làm được điều đó bởi lúc nào ông cũng chuẩn bị bài nói chuyện của mình rất kỹ lưỡng, gồm hai phần. Phần slideshow chỉ gồm hình ảnh, biểu đồ và một vài con số. Còn phần chữ, ông in ra cho mình một bản để bên cạnh khi trình bày. Phần này chỉ có những “gạch đầu dòng” các ý chính được đánh số thứ tự và theo sau là số thứ tự của bức hình minh họa trên slideshow. Khi nói, ông Lý chỉ liếc qua ý chính và phát triển thành câu, thành đoạn, đồng thời tự tay bấm thiết bị điều khiển máy tính từ xa để chiếu lên màn hình hình ảnh tương ứng. Vì vậy, hầu hết thời gian trong lúc nói, mắt ông Lý để vào cử tọa, hai tay cử động linh hoạt như đang hùng biện vậy.
|
|
Ông Lý cũng rất hài hước. Dịp Quốc khánh 2009, để minh họa cho những thay đổi của Singapore trong vài thập niên qua, ông đưa lên màn ảnh những hình ảnh đối lập, xưa và nay, rất thú vị. Từ cái nhà xí tự hoại mất vệ sinh nay được thay bằng những bồn cầu bóng loáng, hoàn toàn tự động. Từ một bến cảng nhớp nhúa, hôi tanh nay thành bờ sông sừng sững những trụ sở ngân hàng và dập dìu quán bar, khách sạn… Để rồi ông đùa: “Bây giờ các bạn xem hình, coi chừng bị lừa. Người ta có thể “mông má” lại hình ảnh bằng photoshop đấy!”. Khi đưa lên bức ảnh chung cư Pinnacle@Duxton sắp hoàn thiện để so sánh với những ngôi nhà lá thời lập quốc thập niên 1960, ông Lý bảo: “Cái này thật 100%, không có photoshop chút nào hết!”. Cử tọa được nhiều phen cười nghiêng ngả.
Còn năm 2008, đang nói bất ngờ ông Lý rút điện thoại di động gọi cho đoàn thể thao Singapore đang tham dự Olympic Bắc Kinh. Hôm ấy đoàn Singapore vừa đoạt được huy chương bạc đầu tiên trong lịch sử. Cuộc điện đàm video được nối luôn vào màn hình, dân chúng cả nước được nhìn thấy đội nhà vui mừng ở Bắc Kinh, trong khi phía Bắc Kinh cũng nhìn thấy cả khán phòng khi ông Lý chĩa camera điện thoại về phía cử tọa…
Trông ông Lý diễn thuyết, nhiều khi có cảm giác đó là phong thái của một chính khách, một nhà hùng biện sôi nổi, nhưng lại gần gũi như một nhà giáo, một chuyên gia. Thực ra, ông đã sử dụng hiệu quả “độc chiêu” của mình...
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
Bình luận (0)