Nhà viết kịch Nguyễn Trương Thiên Lý, tức nhà văn, nhà báo Trần Bạch Đằng đã xây dựng nhân vật Nguyễn Thành Luân theo một nguyên mẫu có thật ở ngoài đời là nhà tình báo, Anh hùng liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo. Nhưng đó là chuyện ai cũng biết. Còn chuyện chưa ai biết “giấu kín” 30 năm, bây giờ Nguyễn Chánh Tín mới kể.
Phim hoàng kim của thời bao cấp
Với ai, Nguyễn Chánh Tín có vẻ khó tính, khó gần nhưng với tôi anh lại không. Vì thi thoảng, anh vẫn gọi điện thoại cho tôi đến chơi với anh ở hãng phim Chánh Phương trong cư xá Bắc Hải, chuyện trò phim ảnh. Trong lần gần đây nhất, anh vẫn không phủ nhận điệp viên Nguyễn Thành Luân là vai thành công nhất trong đời minh tinh màn bạc của mình. Và anh cũng nói thêm đó là vai không thể so sánh, vai khép lại quá khứ để chuyển qua thời đoạn khác.
Trong những câu chuyện tưởng như không thể dứt ra, chúng tôi đều nhận ra một điều: Thời hoàng kim của phim Việt bao cấp đã mất. Thời mà chỉ cần một vai diễn, một phim hay là đủ “đóng đinh” vào lòng hâm mộ công chúng. Và vì sứ mệnh đó, người nghệ sĩ phải chăm chút từng ly từng tí cho vai diễn, không mảy may tiền bạc. Tôi hỏi Nguyễn Chánh Tín, khách quan nhìn nhận, phải chăng Ván bài lật ngửa chỉ là một phim lớn, phim thành công của thời gian đó, khi mà mọi thứ đều phải được đầu tư, từ hoành tráng cho đến nhỏ giọt, bằng “bầu sữa mẹ” nhà nước? Anh cười cười xác nhận đúng vậy! Bây giờ nếu được làm lại với máy móc, phim trường, kỹ xảo hiện đại thì biết đâu phim sẽ hoành tráng hơn rất nhiều.
|
Nói “hoành tráng hơn” nhưng không xác nhận “hay hơn”, theo tôi Nguyễn Chánh Tín “có lý” vì như anh vẫn thường trao đổi với tôi, “trong nghệ thuật có những chuyện chưa chắc có tiền đã làm được”. Tại sao? Ví dụ như thời điểm quay “Ván bài lật ngửa” được sự quan tâm rất lớn của các cấp lãnh đạo cũng như sự chờ đợi của công chúng. Đi quay ở đâu bà con cũng tìm đến ủng hộ chật đường. Gần như các diễn viên được tạo điều kiện tối đa...
Thời ấy, tiền không quan trọng nhưng… gạo mới là nỗi ám ảnh. Vai Nguyễn Thành Luân được đổi bằng… gạo và để “chắc bắp”, trước mỗi khi xuống miền Tây hay lên Đà Lạt quay phim gạo phải được chở về nhà cho bà xã và tụi nhỏ an tâm. Đi làm phim chỉ cần biết ở nhà vợ con có gạo đủ ăn “không đói là sướng”, là nhập vai “điên đảo, quên trời đất”. Nhưng cũng có những “khắc nghiệt”.
Hồi tưởng lại, Nguyễn Chánh Tín kể: Nếu ai không hết mình sẽ bị thay ngay. Kể cả vai chính và… đạo diễn. Đúng là “quân lệnh như sơn”. Dẫn chứng là nữ vai chính Thùy Dung lúc đầu do nữ diễn viên Thúy An đóng. Khi quay xong ba tập (Đứa con nuôi của vị linh mục, Quân cờ di động, Phát súng trên cao nguyên) chuẩn bị quay tập thứ tư (Cơn hồng thủy và bản tăng-gô số 3) thì phát hiện cô “có em bé” nên bị “đổi vai”. Thực ra nếu đóng tiếp thì Thúy An vẫn đóng được nhưng vai đã bị cắt. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa phải cân nhắc chọn nữ diễn viên Phạm Thúy Lan vào vai này. Nhưng rồi sau đó, không hiểu vì đâu mà ca sĩ Thanh Lan đã được chọn thay thế.
|
Cứ tin vào nước mắt
Nguyễn Chánh Tín kể khí thế làm phim những ngày ấy phải gọi là hừng hực lửa. Bao cấp cũng có những cái sướng của nó. Vì có “hoành tráng thì hoành tráng hết cỡ chứ không làng nhàng giữa đường đứt gánh”. Như những cảnh quay chiến trường, khói lửa chiến tranh, trực thăng vè vè, lượn lên đổ xuống quần đảo, xe tăng vào thành phố, những cảnh tập trung hàng ngàn người… đều được sự cố vấn giúp đỡ trực tiếp của an ninh, quân đội.
“Ông cứ thử tính một gam thuốc nổ hết bao nhiêu tiền? Tám tập “Ván bài lật ngửa” tập nào không có binh chiến, khói lửa? Ở ta những cảnh quay hoành tráng nếu không được đồng ý của quân đội, an ninh là chịu thua. Còn nếu quy ra tiền cũng không đủ sức làm nổi với tình hình phim Việt hiện nay…”.
Có một chuyện thú vị đối với những ai đã từng say mê đọc sách và sau đó được xem phim. Khởi thủy, tiểu thuyết của nhà văn Trần Bạch Đằng có tên “Giữa biển giáo rừng gươm” nổi tiếng. “Ván bài lật ngửa” chỉ là phim nhưng sau đó thành công đến mức tác giả đã lấy nhan đề này đặt cho cuốn sách. Trục “xương sống” cuốn sách được xây dựng trên cơ sở những chuyện có thật, được cấu trúc để biến những câu chuyện chính trường chiến trường khô khan thành bay bổng, thành tác phẩm nghệ thuật.
Và góp phần tạo nên độ thăng hoa, bay bổng trong phim, như tiết lộ mới nhất của Nguyễn Chánh Tín, chính là những vai diễn không chuyên. Đó là vai Lý Kai của diễn viên quần chúng Cai Văn Mỹ, Ngô Đình Nhu của diễn viên Lâm Bình Chi, giám mục Ngô Đình Thục của Đỗ Văn Nghiêm… “Có người trong số họ là dân bán áo quần cũ trong chợ Soái Kình Lâm, cũng như chuyên đạp xe đi mua đồ lạc xoong. Nhưng đến khi họ nhập vai thì chính tôi cũng khiếp! Nhiều người đã bật khóc khi xem! Và sau phim tất cả thành bạn thân đến bây giờ”.
Nguyễn Hữu Hồng Minh
Bình luận (0)