* Khi tổ chức tư vấn khởi nghiệp cho bạn trẻ, điểm nhấn của anh lại là những khó khăn, là "mặt sau" của những ngành nghề đang được xã hội quan tâm. Vì sao như vậy?
- Tôi quan sát thấy trong rất nhiều diễn đàn tư vấn khởi nghiệp, bạn trẻ rất ít dịp được nghe những chia sẻ về sự thất bại. Chính vì vậy, chúng tôi muốn tư vấn khởi nghiệp theo một cách khác. Trong đó, cũng sẽ có mặt những người thành đạt trên nhiều lĩnh vực. Nhưng điều họ xoáy sâu vào chính là những thử thách trong mỗi nghề, là những "cửa ải" và khó khăn mà chính họ đã và đang nếm trải, vượt qua để vươn đến thành công.
* Liệu phương pháp này có làm nhụt chí người nghe?
- Đúng là có những khi đụng chạm sự thật "trần trụi" quá, có thể bạn trẻ dễ bị sốc! Thà vậy, các bạn ấy sẽ thực tế hơn, có cái nhìn đa chiều hơn để cân nhắc chọn nghề phù hợp với mình. Khi đã chủ động đương đầu, họ sẽ duy trì được lửa đam mê với công việc. Còn nếu không lường trước khó khăn, họ càng bị sốc và phải trả giá cho những ảo ảnh của mình.
* Cụ thể, làm trong ngành nhân sự, bản thân anh đã gặp những thử thách nào?
- Khi tôi tham gia huấn luyện, đào tạo nhân sự hay giao lưu ở một số trường đại học, những bạn trẻ thấy một hình ảnh khác của tôi. Đó là một người có khả năng thuyết phục, nói năng lưu loát, làm chủ tình thế… Tuy nhiên, các bạn ấy không thấy khó khăn đằng sau công việc của tôi. Chẳng hạn, khi chúng tôi không tuyển kịp nhân sự cho công ty thì bị trách: "Sao tuyển kém thế!"; còn nếu tuyển vào nhưng không sử dụng được cũng bị phàn nàn: "Sao không biết chọn người?"… Như vậy, chọn ngành nghề nào đó, chúng ta phải hiểu sâu những thứ đằng sau vẻ hào nhoáng. Thậm chí, có khi phải "sống chung" với những điều không dễ chịu chút nào.
* Theo anh, làm thế nào để chọn được ngành nghề phù hợp với mình?
- Nghề nào cũng đòi hỏi
mỗi người phải có những kỹ năng, tố chất cơ bản như: giao tiếp, làm việc nhóm, thấu hiểu người khác… Nhưng mỗi nghề lại cần các tố chất, kỹ năng này theo cách khác nhau. Chọn nghề nào và tố chất nào thích hợp với nghề đó cũng gần giống như cách bạn pha cà phê với sữa. Nếu bạn dùng với tỷ lệ ít sữa - nhiều cà phê thì thành cà phê sữa. Ngược lại, nhiều sữa - ít cà phê sẽ trở thành bạc sỉu. Nếu pha quá nhiều sữa, ít cà phê thì gọi là sữa tươi thêm cà phê… Tôi cho rằng, mỗi người có một năng khiếu đặc biệt phù hợp với một cái nghề. Quan trọng nhất là tìm ra tố chất đặc trưng đó của bạn. Phải động não để tìm, một số người có khi phải "trả giá" mới tìm ra.
* Bản thân anh có từng "trả giá" như vậy?
- Có chứ! Một thời gian dài sau khi ra trường, tôi loay hoay làm nhiều nghề nhưng vẫn không xác định được nghề mình thực sự yêu thích. Chỉ khi đến với nghề nhân sự (từ tháng 8.2008), tôi thấy mình như lột xác. Chỉ mới 1 năm rưỡi với nghề này nhưng tôi thấy mình phát triển vượt bậc cả về chuyên môn, tài chính lẫn vị thế trong cộng đồng nhân sự… Nếu xác định được nghề nào mình đam mê thì khả năng thăng tiến phát triển rất nhanh. Bây giờ, tôi mới thấy thiếu thời gian cho tương lai, vì tôi đã "tiêu xài" nó khá phung phí trong quá khứ!
Như Lịch
(thực hiện)
Bình luận (0)