Việt Nam sản xuất chip vô tuyến

01/05/2010 00:41 GMT+7

Công nghiệp công nghệ cao được coi là chìa khóa vàng để mở cánh cửa nhiệm mầu cho nền kinh tế bước vào tầm cao mới. Tín hiệu vui là nền công nghiệp này ở VN vừa cho ra lò những sản phẩm đầu tiên!

Nổi tiếng ở thung lũng Silicon

Nguyễn Trọng Vũ là chuyên gia công nghệ nổi tiếng ở thung lũng Silicon, từng trải qua nhiều vị trí chủ chốt như Giám đốc kỹ thuật ở Cisco, Phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật ở Tập đoàn Infinera, AMCC (Applied Micro Circruits Corporation).

“Trong hoàn cảnh tài chính giới hạn của Nhà nước thì chúng ta nên kêu gọi những quỹ đầu tư mạo hiểm bằng cách ưu đãi thuế cho họ” - Ông Võ Hữu Hải, doanh nhân Việt kiều

Vũ cũng chính là người sáng lập Công ty Polaris Networks, chỉ sau hai năm Vũ đã bán được 67% cổ phần của công ty này với giá trị trên 77 triệu USD. Năm 2007, anh về VN và sau đó thành lập Công ty AMCC VN với mục đích nghiên cứu, thiết kế các loại vi mạch, bo mạch dẫn... Dự kiến sau khi AMCC VN chỉn chu, Vũ sẽ trở lại Mỹ. Nhưng trong những lần tiếp xúc với lãnh đạo Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM, anh đã bị thuyết phục và muốn ở lại để làm một “cái gì đó” trong lĩnh vực công nghệ cao.

“Cái gì đó” của Vũ, chính là công nghệ RFID (Radio Frequency Identification - chip vô tuyến), một phương pháp nhận dạng tự động có khả năng lưu trữ và nhận dữ liệu từ xa bằng loại thẻ siêu nhỏ gắn lên sản phẩm, động vật...

Năm 2009, Vũ đã thành lập Công ty Huy Hoàng để sản xuất sản phẩm công nghệ cao này. “RFID đơn giản là một con chip nhỏ xíu, không thể giả mạo, trong con chip có bộ nhớ chứa đựng mọi dữ liệu. Công nghệ mới này có khả năng ứng dụng rộng lớn trong nhiều lĩnh vực như bán lẻ, y tế, giao thông, hậu cần, kho hàng... Công nghệ này hầu như chưa được ứng dụng ở VN, vì mọi thứ đang được quản lý bằng cách rất thủ công là mã vạch”, Vũ giải thích.

Sản phẩm của Huy Hoàng hiện nay đã được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thử nghiệm thành công và đang được sử dụng chính thức. “Công nghệ RFID rất cần thiết ở một nước đang phát triển mạnh mẽ như VN. Hồi năm 2009, nếu được đề nghị phát triển công nghệ nào khác mà không phải là RFID thì tôi đã không chấp nhận”, anh nói thêm.

Tâm huyết của doanh nhân Việt kiều

Những phát minh khoa học, kỹ thuật của các doanh nhân Việt kiều đã được thừa nhận ở bình diện thế giới. Đối với ông Nguyễn Thanh Mỹ, tấm bằng tiến sĩ do Trung tâm Nghiên cứu khoa học - năng lượng - vật liệu Canada cấp vào năm 1990, sở hữu 50 bằng phát minh cùng với bảng lý lịch từng làm việc ở IBM, Kodak... khiến nhiều người khâm phục. Một trong những phát minh đã mang lại danh tiếng cũng như tiền bạc cho ông chính là công nghệ CTP (Computer - to - Plate), công nghệ dùng laser để tạo hình bản in offset trực tiếp từ máy vi tính lên bản kẽm mà không thông qua công đoạn chụp phim truyền thống. Hiện nay, hầu hết các tạp chí và báo ở VN đều được các nhà in sử dụng công nghệ CTP để tạo hình bản kẽm và in ấn. Còn ở châu u và Mỹ, công nghệ này rất phổ biến.

Thực tế chứng minh rằng, không có quốc gia nào là cường quốc kinh tế mà không có nền kinh tế công nghệ cao. Hàn Quốc, Phần Lan là ví dụ. Một công ty như Nokia có doanh thu gần bằng tổng sản lượng quốc gia của một nước đang phát triển như VN. Để đạt được lợi tức đầu người như Hàn Quốc, khoảng 22.000 USD/người thì chỉ với nông nghiệp, dầu hỏa, khoáng sản, chắc chắn VN sẽ không vượt qua được 10.000 USD/người cho dù đã tận dụng hết sức người, sức đất. Bài học từ Argentina, Brazil… với Hàn Quốc đã rõ. Vào những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, lợi tức đầu người của Hàn Quốc dưới 2.000 USD/người, không bằng Brazil gần 8.000 USD/người. Nhưng công nghệ cao đã đưa Hàn Quốc đến vị thế ngày nay với lợi tức đầu người cao gấp đôi Brazil.

Không hài lòng với việc bán bản quyền công nghệ CTP mỗi năm hàng triệu USD, ông về VN để đầu tư và năm 2006, Nhà máy hóa chất Mỹ Lan ra đời, sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực quang điện tử và in ấn kỹ thuật số. Dự kiến trong tháng 5 này, một nhà máy mới có vốn đầu tư 20 triệu USD của Tập đoàn Mỹ Lan sẽ đi vào hoạt động, có nhiệm vụ nghiên cứu và sản xuất sản phẩm màng mỏng ứng dụng trong công nghệ quang điện tử, in kỹ thuật số...

Năm 2005, Công ty bán dẫn VN (VSMC) cũng được thành lập, đặt ở Khu công nghệ cao TP.HCM, do doanh nhân Việt kiều Mỹ Võ Hữu Hải đầu tư, tiên phong với hai dự án “lạ”. Đó là thiết bị chuyển đổi năng lượng mặt trời thông minh dùng trong hệ thống lưới điện sử dụng năng lượng mặt trời thế hệ mới và chip quản lý năng lượng cao cấp cho thiết bị di động. Chip này sẽ giúp cho việc sử dụng năng lượng điện của pin trong thiết bị di động được sử dụng hiệu quả hơn.

Một trường hợp khác là ông Lê Tinh Kiểm, sáng lập viên các công ty Quality Systems Integrated Corporation (QSIC) và CenterComm Corporation. Ông từng là chủ nhiệm của nhiều dự án kiêm Giám đốc kỹ thuật cho Công ty Linkabit, San Diego (sáng lập viên của Linkabit Corporation cũng chính là sáng lập viên của Công ty Qualcomm hiện nay). Ông tốt nghiệp thạc sĩ  kỹ thuật điện tử trường Đại học San Diego, California và hiện đang sở hữu các bằng sáng chế về công nghệ GPS.  Ông đã sáng lập nên Quality Systems Integrated Corporation vào năm 1994, và sau này trở thành nhà cung cấp dịch vụ sản xuất điện tử (EMS) hàng đầu tại Mỹ. Năm 2005, QSIC đã  triển khai đầu tư tại Khu công nghệ cao TP.HCM nhà máy sản xuất các sản phẩm được dùng trong các lĩnh vực điện tử (điện tử tiêu dùng, điện tử chuyên dụng), vi tính (mạng và mạng không dây), tin học, an ninh, viễn thông, thiết bị y tế, y sinh, không gian, hàng không, và các ngành điện tử khác.

Động lực chính để kéo nền kinh tế

Ông Võ Hữu Hải cho rằng, trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, sự phân công quốc tế ngày càng rõ rệt. Các công ty đa quốc gia sẽ sắp xếp việc phân công quốc tế này. Họ theo chuẩn của quốc gia mà họ có chi nhánh. Vai trò của các công ty công nghệ cao này cần được thừa nhận ở các quốc gia đang phát triển, nhưng chưa chắc đem lại lợi nhuận nhiều cho quốc gia đó vì phần lợi tức của các công ty đa quốc gia sẽ thuộc về công ty mẹ. “Nếu chúng ta không chuẩn bị một đội ngũ công nghệ cao hoàn chỉnh thì sẽ gặp nhiều khó khăn trong vai trò xây dựng nền kinh tế sáng tạo của người VN, như Samsung của Hàn Quốc, Sony của Nhật Bản...”, ông Hải nói.

Về khía cạnh vốn đầu tư, ông Võ Hữu Hải phân tích: “Ngành công nghệ cao  ở VN phải được phát triển vì đó sẽ là động lực chính để kéo nền kinh tế VN trở thành cường quốc về kinh tế. Trong hoàn cảnh tài chính giới hạn của Nhà nước thì chúng ta nên kêu gọi những quỹ đầu tư mạo hiểm bằng cách ưu đãi thuế cho họ”.

N.Trần Tâm - Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.