Đó là quần thể 100 tượng điêu khắc đầu tiên trong tác phẩm nghệ thuật sắp đặt kỳ vĩ mang tên “Cuộc tiến hóa thầm lặng” của nghệ sĩ Anh, Jason de Caires Taylor đã được hạ thủy an toàn tại rặng san hô cổ vùng biển Cancun, Mexico trong thời gian vừa qua.
Đam mê thế giới thủy thần
Theo lịch trình, loạt 100 tượng kế tiếp sẽ "bám" thềm đại dương vào cuối tháng sáu tới. Trọn bộ 400 tượng còn lại sẽ được hoàn thành đầu năm sau. Những khối hình điêu khắc kích cỡ như người thật sẽ tạo nên một quần thể tượng đài nằm sâu dưới nước, vừa để thu hút du khách lặn xuống thưởng ngoạn vừa chiêu dụ sinh vật biển đến sinh sống.
Jason đang rao tuyển qua mạng, tìm kiếm thêm các nhân vật làm mẫu tạo hình cho chuỗi tượng còn lại. Như thế, theo thời gian, họ sẽ trở thành bất tử cùng thiên nhiên.
The Silent Evolution (Cuộc tiến hóa thầm lặng) là công trình nghệ thuật thứ tư của Jason. Trước đó, lần đầu tiên vào tháng 5.2006, người hâm mộ đã được chiêm ngưỡng 65 tác phẩm nhân tượng được đặt dưới 5 thước nước của vịnh Moiliniere, Grenada.
Một năm sau, danh tiếng Jason lại vang xa với tác phẩm Vicissitudes, gồm một quần thể 26 tượng trẻ em bằng xi-măng nặng tổng cộng 16 tấn, được đặt vĩnh viễn trong lòng biển để hình thành rặng san hô nhân tạo.
Năm 2008, tác phẩm điêu khắc sắp đặt hoành tráng thứ ba của Jason được “trưng bày” dưới làn nước của đảo Paliani thuộc Crete, Hy Lạp, mang tên Un-Still Life II, với 42 tượng toàn bằng đá hoa cương.
Năm ngoái, du khách đến thành phố lịch sử của Anh, Canterbury đã phải kháo nhau chuyện những bức tượng thiếu nữ đắp bằng xi-măng và nhựa thủy tinh tái chế nằm ở đáy sông Stour mang tên Inverted Solitude. Đêm đêm, những người lặn biển ở đây còn thấy cả ánh sáng từ đèn gắn bên trong chúng hắt ra lung linh kỳ ảo.
Nếu đại công trình điêu khắc “Cuộc tiến hóa thầm lặng” của Jason hoàn tất, số tác phẩm rời của anh đã gấp ba mươi lần số tuổi anh đang có. Jason de Caires Taylor còn rất trẻ, chỉ mới 26, nhưng đã 14 năm đặt dấu chân qua nhiều vùng đất u, Á và Caribé.
Tốt nghiệp đại học mỹ thuật Luân đôn năm 1998 với bằng đỏ ngành điêu khắc gốm sứ, lại thêm có nghề huấn luyện viên lặn chính quy, cộng với danh hiệu nhà tự nhiên học hải dương và nhiếp ảnh gia đoạt nhiều giải thưởng chụp sinh vật biển… các công trình điêu khắc dưới nước ra đời từ tay anh dường như đã là tiền định.
Trong con mắt Jason, thiên nhiên đôi khi vừa là tai họa vừa là nguyên cớ để nghệ thuật phát triển. Chứng kiến những trận cuồng phong hủy hoại vùng đảo Grenada, phá nát các rặng san hô xứ này, máu nghệ thuật liền nối dòng chảy với mạch tự nhiên học trong Jason để nảy sinh ý tưởng sáng tạo các quần thể tượng dưới nước.
Chúng vừa để con người thưởng ngoạn vừa là mái nhà cho các sinh vật biển sinh sống, điển hình là giúp san hô bám rễ sinh sản và phát triển tự nhiên. Chàng tuổi trẻ Jason đang giúp một tay để thiên nhiên tồn tại.
Những sinh vật mới dưới làn nước
Đắp tượng bằng xi măng, bột nhân tạo hay tạc đá để trưng bày trên mặt đất không quá khó đối với nhà điêu khắc. Nhưng khi chúng ở trong lòng nước lại là chuyện khác.
|
Với tiêu chí “nghệ thuật phục sinh môi trường”, Jason phải vất vả nhiều trong công đoạn chọn vật liệu sáng tác. Đó là những loại đá, đất sét, xi măng “lành” không gây độc hại. Đó cũng là các chất nhựa thủy tinh, bột nhân tạo có độ sinh rêu cao mà thành phần hóa học trung tính với độ mặn nước biển. Các loại dây kẽm, kim loại sườn khung cũng phải nằm trong các chuẩn thân thiện môi trường.
Đa số tác phẩm được Jason làm thô trên cạn, và hạ thủy, rồi sau đó lặn xuống dùng “đồ nghề” trau chuốt cho tinh. Vừa là nghệ sĩ, vừa là thợ lặn, và đôi khi cũng vừa là thợ cơ khí, đó là hình ảnh của chàng trai mê tạc tượng dưới nước.
Bốn năm đã trôi qua từ ngày Công viên điêu khắc hải dương Grenada ra đời. Các pho tượng đầu tiên nay đã “biến hình” trông như những sinh vật mới trong lòng biển. Cái thì được san hô bám quanh phát triển thành hình thù thật lạ lẫm. Cái thì trầm lún sâu trong làn cát phủ biến ra một tác phẩm khác. Có cái bị các luồng lạch ngầm đảo chiều định vị nhìn thật kỳ bí.
|
Jason đã lường trước cảnh quan này trong ý đồ thực hiện. Anh muốn tác phẩm sẽ tự mô tả cho người xem rõ sự thay đổi của vật chất theo thời gian, phản ảnh bước tiến hóa của cuộc sống chúng ta với thiên nhiên. Lặn giữa quần thể tượng ấy người ta mang trong mình cảm xúc như đi giữa các phế tích xa xưa của từng nền văn mình đã mất. Jason tin rằng chúng sẽ chuyển tải được niềm hy vọng, gợi hứng phản tỉnh về mối tương tác loài người với thiên nhiên.
Cái lợi nhân đôi
Dưới con mắt các nhà môi trường, các tác phẩm của Jason de Caires Taylor được đánh giá cao là thế. Với những nhà quản lý kinh doanh du lịch biển đảo, những đứa con tinh thần của Jason đang được xem như một thứ mỏ vàng để họ khai thác.
Không phải tự nhiên mà anh được giới chức các vịnh đảo có địa thế đẹp nhất tại nhiều quốc gia tài trợ sáng tạo. Dịch vụ lặn biển lâu nay với cảnh quan sinh vật và san hô giờ đã khá nhàm. Tình trạng san hô đang chết dần càng khó hút khách.
Qua bàn tay tài tình và ý tưởng độc đáo của Jason, mỗi tượng hình nhân trụ dưới lòng biển là một tò mò kích thích mới đối với bất cứ du khách nào yêu đại dương bí hiểm. Họ sẽ lặng lẽ bơi qua một mỹ nhân nằm chống cằm tư lự, đạp chân vịt vờn quanh một người đàn ông cô độc ngồi gõ máy chữ model những năm 1950, hay lọt thỏm giữa vòng vây của nhóm tượng người đang quây quần nối vòng tay lớn.
Tất cả hình ảnh và cảm giác ấy hoàn toàn mới, tân kỳ, đủ sức kéo du khách trở lại lần khác để khám phá tiếp những tác phẩm còn lại hay bị cuốn hút thêm trước sự biến đổi theo thời gian của chính những nhân tượng cũ.
Một thế giới mới đã được Jason de Caires Taylor lồng vào thế giới cũ, và mang lợi đến cho tất cả.
An Nhiên
Bình luận (0)