Chơi thể thao khi bị hen suyễn

03/05/2010 11:26 GMT+7

(TNTT>) Nếu chọn cường độ phù hợp và chơi đúng phương pháp, bệnh nhân hen suyễn hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động thể dục thể thao.

Mặc dù gắng sức khi vận động thể lực nặng có thể là yếu tố khởi phát cơn nhưng không phải vì thế mà bệnh nhân hen suyễn phải “xếp xó” hết giày thể thao, kính bơi hay áo tắm… Theo BS Nguyễn Văn Thọ (BV Đại học Y dược TP.HCM), lên cơn hen suyễn do gắng sức xảy ra ở hầu hết những người bị bệnh này, đặc biệt khi bệnh nhân được điều trị không đúng bệnh hoặc ngưng điều trị.

Khi ra sức vận động, chúng ta sẽ thở nhanh hơn và sâu hơn, từ đó làm bề mặt đường dẫn khí bị khô, lạnh hơn. Nếu bệnh hen suyễn không được điều trị thích hợp, bề mặt đường dẫn khí sẽ bị viêm. Khô và lạnh là những yếu tố kích thích làm cho các tế bào của đường dẫn khí bị viêm tiết ra các chất làm cơ của đường dẫn khí co thắt, lòng đường dẫn khí hẹp lại gây khởi phát cơn hen suyễn. Ngoài ra, suyễn do gắng sức cũng có thể xảy ra khi làm ấm và làm ẩm đột ngột đường dẫn khí khi bất ngờ ngưng vận động.

Tuy nhiên, hen suyễn do gắng sức hoàn toàn có thể kiểm soát được bằng thuốc hoặc bằng các biện pháp khác. Do đó, bệnh nhân hen suyễn vẫn có một cuộc sống bình thường và hoàn toàn có thể tham gia tập luyện thể thao, trừ những trường hợp bệnh quá nặng.

Cần khuyến khích chơi thể thao

Đối với bệnh nhân hen suyễn, thể thao không chỉ làm tăng cường thể lực mà còn giúp nâng cao sức bền khi phải gắng sức. Điều này cũng có nghĩa là nguy cơ khởi phát cơn do gắng sức cũng giảm bớt. Khi đã kiểm soát tốt bệnh hen suyễn bằng điều trị y học, một số môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe đạp (một cách thong thả), bơi lội (những ngày trời nóng, nước ấm) thật sự là những biện pháp hữu hiệu giúp bệnh nhân hen suyễn cải thiện bệnh trạng của mình: kiểm soát sự hô hấp tốt hơn, thở dễ dàng và hiệu quả hơn.

Đặc biệt với những bệnh nhi hen suyễn, phụ huynh nên khuyến khích con em mình tập luyện thể dục thể thao. Các em cần được hỗ trợ để có thể tham gia vận động cùng các bạn tại giờ học thể dục, với một chương trình có thể được giảm nhẹ hơn để thích nghi với điều kiện bệnh lý. Điều này tốt cho các bệnh nhi cả về mặt tâm lý lẫn thể chất: hô hấp tốt hơn, ít bị lên cơn suyễn do gắng sức, thể lực tăng cường và tinh thần vui vẻ, phấn chấn hơn do có thể cùng vui đùa với bạn bè mà không bị tách biệt vì lý do bệnh tật.

Những điều cần lưu ý

Để tập luyện thể thao được an toàn và hiệu quả, điều quan trọng nhất là bệnh nhân hen suyễn phải kiểm soát được bệnh của mình: sử dụng thuốc đầy đủ theo yêu cầu điều trị của bác sĩ, luôn đem theo thuốc cắt cơn bên mình phòng khi “hữu sự”. BS Nguyễn Văn Thọ đặc biệt nhấn mạnh những điểm sau đối với bệnh nhân hen suyễn:

+ Tránh vận động ngoài trời vào những ngày lạnh vì không khí lạnh chứa ít hơi nước sẽ làm khô và lạnh đường dẫn khí khi vận động.

+ Hãy thở bằng mũi vì mũi làm ẩm và ấm không khí trước khi vào phổi.

+ Trước khi vận động nặng hãy khởi động nhẹ nhàng nhưng thật kỹ để làm nóng cơ thể. Tập luyện với cường độ tăng dần để cơ thể có thể thích nghi. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ lên cơn suyễn khi vận động mạnh hơn và kéo dài sau đó.

+ Không được chấm dứt vận động nặng đột ngột. Hãy vận động chậm dần trong tối thiểu 10 phút.

+ Lựa chọn những môn thể thao thích hợp như đi bộ, bơi lội, đạp xe…; tập luyện trong nhà vào những ngày trời lạnh (tập thể dục dụng cụ, chơi bóng bàn…). Tránh những môn thể thao đòi hỏi gắng sức liên tục hoặc có cường độ nặng như chạy marathon, chạy nước rút, đua xe đạp…

+ Những người bị hen suyễn nặng có thể lên cơn khi vận động dù được điều trị tối đa vì vậy, chỉ nên lựa chọn những hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ mà thôi.

+ Dị ứng cũng là nguyên nhân chính làm khởi phát cơn hen suyễn. Vì vậy, tránh vận động trong môi trường có yếu tố gây dị ứng như phấn hoa, ô nhiễm khói bụi, có chó mèo hoặc thú vật ở xung quanh…

+ Tránh vận động khi đang bị nhiễm trùng đường hô hấp, có dấu hiệu khò khè, khó thở trước khi vận động.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.