Phương án “đánh nhanh giải quyết nhanh”

04/05/2010 02:33 GMT+7

Thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc” được coi là sự kiện kịch tính nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp, điều mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi”. Lúc đó ông mới 43 tuổi.

Trách nhiệm nặng nề của “tướng quân tại ngoại”

Trong kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy báo cáo Bộ Chính trị, thời gian chiến dịch dự kiến diễn ra trong 45 ngày, đã được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Tư lệnh chiến dịch kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ. Do còn giải quyết một số công việc, ông ra mặt trận sau. Đoàn cán bộ đi trước có thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng chiến dịch. Phía đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc có ông Mai Gia Sinh, Tham mưu trưởng.

Vào giữa tháng 12.1953, tham mưu chiến dịch của ta đã cơ bản xây dựng xong kế hoạch tác chiến chiến dịch cụ thể, với sự giúp đỡ của cố vấn Trung Quốc. Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong hồi ký: “Anh Thái báo cáo phương án đánh Điện Biên Phủ đã được chuẩn bị, chờ tôi lên để thông qua. Đây sẽ là lần đầu bộ đội ta mở một cuộc tiến công quy mô lớn vào một tập đoàn cứ điểm với một vạn quân. Cán bộ, chiến sĩ ta đã được chuẩn bị đánh tập đoàn cứ điểm... Trận đánh sắp tới sẽ là một thử thách lớn chưa từng có đối với ta trong chiến tranh. Ta đã chọn chiến trường rừng núi là nơi có nhiều điều kiện thuận lợi để tiêu diệt địch. Nhưng Điện Biên Phủ không hoàn toàn là rừng núi. Ở đây có cánh đồng lớn nhất Tây Bắc. Rất nhiều cứ điểm nằm trên cánh đồng. Bộ đội ta sẽ phải tiến hành nhiều trận đánh với quân cơ động có máy bay, xe tăng, đại bác yểm trợ trên địa hình bằng phẳng giống như ở đồng bằng. Nếu kẻ địch chấp nhận trận đánh ở Điện Biên Phủ, thì đây cũng là chiến trường do chúng lựa chọn... Trận đánh này ta không được phép thua. Phần lớn tinh hoa của bộ đội chủ lực trong tám năm kháng chiến đều tập trung ở đây. Những vốn liếng vô cùng quý giá, nhưng cũng thực ít ỏi. Từ năm 1950 bắt đầu mở chiến dịch lớn tới mùa xuân này, vẫn là những đơn vị ấy, những con người ấy. Tôi đã thuộc từng trung đoàn, từng tiểu đoàn, từng đại đội chủ công, biết những cán bộ đại đội, trung đội, chiến sĩ đã lập công xuất sắc. Đã thấy rõ mọi người lên đường lần này đều sẵn sàng hy sinh để giành chiến thắng. Nhưng nhiệm vụ của chiến dịch không chỉ là giành chiến thắng, mà còn phải giữ được những vốn quý cho cuộc chiến lâu dài...”. (Võ Nguyên Giáp - Tổng tập Hồi ký, NXB QĐND, H, 2006, tr.913, 914).

Ngày 5.1.1954, trước khi lên đường ra trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến chào Bác Hồ ở Khuổi Tát. Bác hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại không?” Đại tướng trả lời: Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị. Bác động viên: “Tổng tư lệnh mặt trận, “tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”.

Khi chia tay, Người dặn dò Đại tướng: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Vị tư lệnh chiến dịch “cảm thấy trách nhiệm lần này rất nặng”.

Tại sao chọn “đánh nhanh”?

Ngày 12.1.1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh và một số cán bộ cùng đến sở chỉ huy thì được biết phía ta và cố vấn đã thống nhất sẽ nổ súng mở màn chiến dịch vào ngày 20.1, với phương châm là “đánh nhanh giải quyết nhanh” trong vòng 3 đêm 2 ngày. Đây là điều Đại tướng chưa nghĩ tới, như ông viết trong hồi ký: “...Tôi vẫn cho rằng đánh nhanh không thể giành thắng lợi, nhưng chưa có đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án các đồng chí đi trước đã lựa chọn. Cũng không còn thời gian báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, tôi đồng ý triệu tập hội nghị triển khai kế hoạch chiến đấu. Tôi nói với đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Chánh văn phòng của Bộ, sự cân nhắc của mình, dặn theo dõi tình hình, nghiên cứu, suy nghĩ thêm, và chỉ được trao đổi riêng với tôi về vấn đề này. Tôi chỉ thị cho đồng chí Cao Pha, Cục phó Cục 2, điều tra thật cẩn thận những vị trí trên cánh đồng hướng tây, nơi được coi là sơ hở, ta sẽ dùng mũi thọc sâu đánh vào, và yêu cầu phải báo cáo hàng ngày những hiện tượng như tăng quân, củng cố công sự của địch...”. (Tổng tập Hồi ký, Sđd, tr.919)

Công binh phá bom nổ chậm mở đường cho quân ta vào Điện Biên Phủ

Vì sao lại đề ra phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”? Đại tá Hoàng Minh Phương - nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, trong chiến dịch Điện Biên Phủ nguyên là cán bộ phiên dịch tiếng Trung Quốc cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp - giải thích: “Trên đường ra mặt trận, ông Thái (Hoàng Văn Thái) thận trọng bàn với ông Mai Gia Sinh dừng ở Nà Sản nghiên cứu vì sao năm 1952 ta đánh không thành công? Ông Mai nói ta không thành công vì đánh theo lối “bóc vỏ”, tập trung đánh một điểm của địch nhưng không có lực lượng chế áp pháo binh nên bị pháo địch quần xung quanh, cùng không quân tập trung ném bom. Kiểu ấy không chiếm được tập đoàn cứ điểm mà có chiếm cũng không giữ được. Ông Mai nói lần này đánh “moi tim” và phải đánh nhanh, nếu không tranh thủ đánh sớm địch sẽ tăng quân củng cố công sự”. Vẫn theo đại tá Hoàng Minh Phương: “Tôi tham dự cuộc họp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các thành viên Đảng ủy chiến dịch và cố vấn. Ông Đặng Kim Giang, phụ trách hậu cần mặt trận bảo: Tranh thủ đánh sớm, Điện Biên Phủ mỗi ngày quân ăn 50 tấn gạo. Dân công gánh tải gạo từ Thanh Hóa lên đến kho tính ra chỉ còn 1-2 kg mỗi người. Ta chỉ có 628 xe Liên Xô viện trợ, đường độc đạo bị nó đánh ghê nhất là ở đèo Lũng Lô, ngã ba Cò Nòi. Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm thì nói: Bộ đội ngại đi Tây Bắc. Chưa cần nói đến vắt, bọ chó, muỗi, thì tâm lý anh em đã là thích đánh đồng bằng. Lên đến đây họ muốn đánh sớm còn về xuôi. Đánh nhanh hợp tâm lý bộ đội”.

Ngày 14.1.1954, Bộ chỉ huy chiến dịch triệu tập cuộc họp phổ biến kế hoạch tác chiến tại hang Thẩm Púa. Đại tá Hoàng Minh Phương nhớ lại: “Mệnh lệnh chiến đấu được phổ biến trên một sa bàn lớn. Cán bộ cao cấp, trung cấp các đại đoàn tham gia chiến đấu đều có mặt như những đại đoàn trưởng, chính ủy đại đoàn: Vương Thừa Vũ, Chu Huy Mân, Trần Độ, Phạm Ngọc Mậu... và nhiều cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn đã cùng chiến đấu qua rất nhiều chiến dịch. Ông Giáp hỏi: Có ai thắc mắc gì không? Không ai thắc mắc. Trận này ta có 24 lựu pháo, mấy chục sơn pháo, cối 120 ly, trong lịch sử chiến đấu của quân đội nhân dân, chưa bao giờ có hỏa lực mạnh thế. Mọi người khí thế, tin tưởng, muốn đánh lắm rồi. Bác Giáp sang gặp ông Vi Quốc Thanh bàn, tôi đi dịch. Ông nói: “Tôi với anh bàn ở hậu phương dự kiến đánh chắc, tiến chắc. Ta đã báo cáo với Bác Hồ và Trung ương là đánh 45 ngày. Giờ anh em ở đây định giải quyết trong 3 đêm 2 ngày”. Ông Vi là người thận trọng, nhưng cũng bảo: “Tôi thấy anh Mai (Gia Sinh) và anh Thái đi cả tháng trời rồi, đúng là có khi phải đánh nhanh, nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội đánh trận này. Mà Đông – Xuân này phải đánh một trận, chả nhẽ kéo năm vạn quân lên đây rồi kéo về tay không”. (Chuyện những người làm nên lịch sử, tr.76).

Đại tá Hoàng Minh Phương còn cho biết, trong cuộc họp ngày 14.1 “Cố vấn Mai Gia Sinh đề nghị chiều 20.1 cấp tập hỏa lực, giọt 2.000 viên 105 mm làm tê liệt pháo binh địch, sau đó chuyển làn về sau yểm hộ bộ binh xung phong. Đại đoàn 308 theo kế hoạch sau khi pháo bắn xong cứ xông qua cánh đồng Mường Thanh vào sở chỉ huy địch. Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái thận trọng hỏi: “Đường chưa mở sao đưa pháo vào kịp?”. Ông Mai Gia Sinh giải thích chỉ cần mở đường Tuần Giáo đi Mường Thanh để xe GMC kéo pháo, cách Điện Biên 12 km thì hạ càng pháo, dùng sức người kéo pháo vào, nếu làm được tạo nên yếu tố bất ngờ. Nghe cũng có lý. Bên Trung Quốc có kinh nghiệm đánh rồi. Lại hỏi: “Bộ đội tôi chưa quen đánh ban ngày, giờ đánh ngày, địch có máy bay, pháo...”. Ông Mai giải thích ta xông vào đêm trước, sáng hôm sau đánh xen kẽ với địch thì máy bay nó không dám ném bom vì chết ta thì cũng chết nó”.

Trước những lý lẽ như vậy, trong lúc quân địch chưa đông, hầm hố, công sự chưa kịp củng cố vững chắc, mọi người thống nhất đánh theo phương châm “đánh nhanh giải quyết nhanh”. Kết thúc hội nghị, Đại tướng nói: “Giờ ta đánh theo phương án này, nhưng suốt quá trình chuẩn bị phải theo dõi đài địch để có gì mới kịp thời xử trí”.

PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.