Thực phẩm giải nhiệt

04/05/2010 11:42 GMT+7

(TNTT>) Trong điều kiện thời tiết nóng bức như hiện nay, các lương y Đông dược thường áp dụng liệu pháp: “Giải cơ thoát nhiệt, điều khí chỉ thống” của thầy thuốc Tuệ Tĩnh.

Có nghĩa là dùng các phương thuốc ngoại giải nhiệt sốt cao trong cơ thể và tạo thông kinh mạch huyết, giảm đau nhức khớp. Thông qua đó, người bệnh chỉ cần áp dụng chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp cơ thể giải nhiệt, tăng sức đề kháng để đối phó với bệnh tật.

Nước mát

Sau đây là cách nấu một số loại nước mát với những nguyên liệu đơn giản, dễ làm:

Lỗ căn 100-150gr rễ tươi (còn gọi là rễ gốc sậy, họ lúa, vị ngọt, đắng, tính mát) nấu với 0,5l nước; còn 300ml uống cả ngày. Hoặc nấu với 50gr rễ tranh, 50gr mía lau trong 1 lít nước; còn 0,5l chia 5 phần uống cả ngày. Khi gan yếu, viêm mật thì thêm 8gr mạch môn, 5gr thạch cao, 15gr lá mã đề nấu trong 1,5l nước còn 0,5l; uống trọn ngày. Lưu ý, đối với người tỳ, vị yếu, thiếu vi sinh không nên uống vì dễ bị rối loạn tiêu hóa.

PGS.TS Trương Xuân Nguyên (bệnh viện Nhiệt Đới) khuyến cáo

Khi trời quá nóng, trẻ dưới 5 tuổi, người cao tuổi trên 65 nên thường xuyên ở trong nhà, nơi có nhiều bóng mát, mở máy điều hòa nhiệt độ không quá thấp. Nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát. Nếu đi ra ngoài nên mặc áo khoác che kín tay, đội nón che nắng. Đi vào sáng sớm, về lúc chiều tối.

Lá chè xanh 30gr, rễ tranh 20gr, lá mã đề 20gr, mía lau 50gr, 5gr gừng tươi (hoặc củ nghệ) nấu trong 1 lít nước còn 750ml, uống khi khát.

Ép 5 trái măng cụt (bỏ vỏ) lấy nước hòa tan với 50gr lá ngân hạnh đã giã nát, vắt lấy nước cốt, pha chút đường (1 muỗng cà phê), chia làm 3 phần uống trong ngày. Đơn thuốc này ngoài tác dụng giải nhiệt còn giúp trị mất trí nhớ, đau khớp vai, gối.

50gr mía lau, 50gr râu bắp non, 50gr đọt chùm bao (lạc liên), 50gr lá vòi voi, nấu trong 1 lít nước, còn 0,5 lít. Uống cả ngày, ngoài tác dụng hạ thân nhiệt, còn giúp mát gan, trợ tim và lợi tiểu.

50gr đậu đen, 40gr hạt sen còn tim, 3 trái táo đỏ hoặc lê, 20gr ngải cứu, nấu với 0,5 lít nước. Khi uống cho vào 20gr đường phèn. Uống mỗi ngày.

Nên dùng nước mát nấu từ thảo dược uống thay nước hằng ngày hoặc kết hợp với nước đun sôi để nguội, cà phê đặc nên uống ít (không quá 3 tách/50ml/ngày); tuyệt đối tránh các loại nước đá, nước giải khát đóng hộp vì chúng chỉ có tác dụng giải khát nhất thời nhưng là cơ hội cho các vi khuẩn thâm nhập dẫn tới viêm họng, cảm sốt, tiêu chảy. Không nên uống nhiều nước một lúc cho đã khát, chỉ uống từng ngụm nhỏ trong nhiều lần, giúp thận dễ dàng bài tiết.

Canh tập tàng

 Ưu tiên các loại rau trong thực đơn ẩm thực hằng ngày để chống nóng trong người bằng các món canh tập tàng có giá trị giải nhiệt cao như trái khổ qua già còn vỏ xanh, tần ô, mồng tơi, rau dền cơm, dền đỏ, dền gai (thân non), rau má, rau đắng đất, rau đắng dây, bông bí rợ, bí đao, bầu, bí, dưa leo, rau muống, hoa thiên lý; giá đậu xanh, đậu đỏ, đậu cô-ve, ván trắng, mướp hương; lá chùm bao, đọt mướp đắng. 2 bè đậu hũ non nấu canh hoặc rán mỗi lượt ăn. Chỉ nêm gia vị vừa khẩu vị, không quá mặn, ít đường, nước mắm.

 Ngoài ra, mỗi ngày nên ăn một quả táo do táo có lượng kali muối khoáng cao và chứa các vitamin C1, B1+2+3 giúp giảm căng thẳng thần kinh, mệt mỏi, đau nhức. Vỏ táo rửa sạch nên ăn để giúp an thần vừa dễ ngủ, hạ nhiệt nhờ chất a-xít amylvalérianique.

 Các món trên giúp kích thích gan tiết mật, thải cholesterol xấu là nguyên nhân gây tắc nghẽn động mạch.

Lương y Dương Tấn Hưng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.