Kỷ vật vô giá của người lính Điện Biên

06/05/2010 10:19 GMT+7

Một ngôi nhà cấp bốn nhỏ nhắn, cũ kỹ nằm sát mé đê ở làng Phương Khê (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Nam Định), bên kia là dòng sông Ninh Cơ. Đó là ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Ngưu, một chiến sĩ Điện Biên và vợ Nguyễn Thị Vân. Ông đã bước sang tuổi 90, bà cũng đã 83 nhưng vẫn khỏe mạnh, đi lại như người ở tuổi 60-70.

Đứng dậy đi lại phía cái tủ gỗ cũ, ông lôi ra tập báo trong đó có ba tờ giấy được ép nhựa cẩn thận. Đó là ba tấm bằng Huân chương Chiến công, Huân chương Chiến thắng và Huân chương Kháng chiến khá cũ, đã ố vàng đôi chỗ, nhưng quốc huy, dấu đỏ vẫn còn thắm, các hàng chữ “tưởng lệ công trạng với Tổ quốc”, “đã có công lao trong thời kỳ kháng chiến”, tên tuổi, đơn vị, ngày tháng, tên bộ trưởng Bộ Quốc phòng - đại tướng Võ Nguyên Giáp ký phía dưới vẫn đen đậm, rõ nét.

Ông trải ba tấm bằng xuống giường, vuốt ve phẳng phiu rồi nhẹ nhàng nâng lên trước mặt: “Những tấm huân chương này là kỷ vật vô giá, là những gì tôi còn giữ lại sau hơn 12 năm quân ngũ. Một phần máu thịt tôi bỏ lại chiến trường, lâu rồi nhiều thứ chẳng còn gì, nhưng đây là những thứ tôi còn giữ lại được, nhất là trong ba cái này lại có hai cái do đích thân đại tướng Võ Nguyên Giáp ký”.

Nhấp chén nước, ông chậm rãi kể: “Tôi tham gia tự vệ thành ở Hà Giang lúc mới 25 tuổi. Khi đó cuộc sống khó khăn lắm, phải phiêu bạt để kiếm sống, đúng năm Ất Dậu 1945 thì vào tự vệ thành. Thời đó chưa có đơn vị hay phiên hiệu gì, cũng chẳng có huấn luyện, chẳng có súng đạn, chỉ có dao găm, gậy gộc. Vậy mà đầu năm 1946, chúng tôi tham gia đánh bọn Quốc dân đảng phản động và bọn thổ phỉ ở Bắc Hà, Lào Cai, đuổi bọn chúng về bên kia biên giới.

Đến năm 1947, trung đoàn Sông Lô thành lập (tiền thân của sư đoàn 312 sau này), chúng tôi được phân về trung đoàn và trận đầu tiên của đơn vị là trận đánh địch trên sông Lô. Khi đó, tôi cùng một nhóm nữa được phân công đi trinh sát địa hình dọc sông Lô đoạn từ Tuyên Quang đến Phú Thọ xem chỗ nào thuận lợi để chặn đánh tàu giặc. Sau nhiều lần trinh sát, chúng tôi chọn khúc sông Lô ở Đoan Hùng, Phú Thọ...”.

Trung đội 31 trinh sát (thuộc sư đoàn 312) của ông gồm ba tiểu đội hơn 30 người. Các trận đánh Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo... đều được trung đội ông trinh sát tỉ mỉ, cung cấp cho đơn vị khá chính xác thông tin về quân số, phân bố lực lượng, hỏa lực địch có những gì, đặt ở đâu, chỗ nào mạnh, chỗ nào yếu, nên đánh vào chỗ nào làm “cửa mở”, chỗ nào là đường rút...

Chiều 6-5-1954, tham mưu trưởng sư đoàn gọi ông và đại tá Tạ Quốc Luật (đại đội trưởng đại đội 360, trung đoàn 209, sư đoàn 312 - NV) giao nhiệm vụ. Đại đội của ông Tạ Quốc Luật đánh chiếm hầm De Castries. Còn trung đội trinh sát có nhiệm vụ trinh sát trước trận đánh để báo cáo cho đại tá Luật và sau khi chiếm hầm sẽ vào hầm, thu giữ tài liệu.

Trận đánh diễn ra khá cam go, đến sáng 7-5 vẫn chưa tiếp cận được hầm, trung đội trinh sát được lệnh về nghỉ. Đến chiều 7-5, ông trở lại vị trí cũng là lúc từng tốp địch “đông như mối” xin hàng. Ông càng ngỡ ngàng khi từ cửa hầm, tướng De Castries quần soóc, mũ đỏ, chống batông dẫn đầu đoàn hàng binh.

Khi đoàn hàng binh đi qua hết, ông sực nhớ đến nhiệm vụ, liền lao thẳng về phía hầm De Castries, cùng với ông có thêm ba người lính trinh sát nữa. Khi đó vui sướng vô cùng, cả đội lao đi trên chiến trường mà quên rằng quanh khu vực đó có rất nhiều mìn chưa được gỡ.

“Vào hầm, mọi thứ ngổn ngang, có thứ cháy nham nhở, nhưng chúng tôi vẫn gom được một đống giấy tờ, bản đồ toàn tiếng Pháp. Tất cả gói lại mang về nộp cho chỉ huy sư đoàn” - ông kể.

Hết chiến dịch, bộ đội kéo về Mường Phăng, trung đội trưởng Nguyễn Văn Ngưu vẫn phải ở lại chiến trường, đưa một đoàn cố vấn nước ngoài vào lại hầm De Castries. “Ít nhất tôi cũng hơn nhiều anh em chiến sĩ khác là trong hai ngày được vào hầm tướng địch hai lần.Đó là may mắn, là cái duyên hiếm hoi không phải anh lính nào cũng có được đâu” - ông Ngưu nói.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.