Được trang bị hệ thống động cơ điện, tên lửa thế hệ mới - gọi là Variable Specific Impulse Magnetoplasma Rocket (VASIMR) - được Công ty Ad Astra Rocket tại Houston thiết kế, để trong tương lai đưa tàu (có thể chở theo các phi hành gia) đến sao Hỏa từ 39 - 45 ngày thay vì 6 - 9 tháng như hiện nay. Rút ngắn thời gian di chuyển trong không gian sẽ giảm đáng kể những rủi ro mà phi hành đoàn phải đối mặt, như bức xạ vũ trụ và mặt trời, hiện là trở ngại chính cho sứ mệnh gửi con người lên sao Hỏa.
VASIMR được chế tạo để làm phương án dự phòng cho một tên lửa đẩy lên Trạm không gian quốc tế (ISS). Tuy nhiên, NASA đang dự trù phương án mới cho VASIMR, theo đó tên lửa này có thể thực hiện sứ mệnh viếng thăm thiên thạch. Việc đáp tàu không gian lên thiên thạch hứa hẹn sẽ là màn trình diễn ngoạn mục của công nghệ VASMIR, vốn dùng sóng vô tuyến để ion hóa chất nổ đẩy, và đốt nóng plasma lên nhiệt độ cao gấp 20 lần bề mặt của mặt trời. Để thay thế các vòi kim loại dùng điều khiển hướng khí thải, VASIMR sử dụng các từ trường.
"Đột nhiên tương lai là đây", trang tin Sciencedaily dẫn lời cha đẻ VASIMR, nhà vật lý học Franklin Chang-Diaz, người từng 7 lần lên tàu du hành vũ trụ, đã rời NASA vào năm 2005 để mở công ty riêng. Ad Astra lên kế hoạch phóng phiên bản VASIMR dành cho phi thuyền lên ISS vào năm 2014. Để dự phòng, Chang-Diaz dự định sản xuất 2 động cơ trong trường hợp xảy ra sự cố. Khi động cơ đã được lắp an toàn trên ISS, động cơ còn lại sẽ tiếp tục hành trình đến một thiên thạch đã định. Bên cạnh việc vẽ bản đồ và thực hiện các cuộc khảo sát, sứ mệnh này cũng sẽ thu thập một mẫu trên thiên thạch và chuyển về trái đất phục vụ cho các cuộc nghiên cứu chuyên sâu về nguồn gốc, sự hình thành cũng như liệu thiên thạch có mang theo các thành phần của sự sống hay không.
Nếu được NASA chọn, sứ mệnh đáp lên thiên thạch của VASIMR có thể bắt đầu vào năm 2017.
Hạo Nhiên
Bình luận (0)