Phiên tòa lưu động thu hút cả trăm người dự khán, đông chật một góc chung cư, trong đó có những người là hàng xóm của cả gia đình bị cáo và bị hại. Xem ra phần lớn người dự khán có vẻ thông cảm cho D. - người đang đứng trước vành móng ngựa.
Trong suốt phiên tòa,ông V. - bị hại, luôn có thái độ gay gắt khiến Hội đồng xét xử phải yêu cầu dừng lại nhiều lần. Tòa nhận định ông V. mượn oai hùm để xưng vương, xưng tướng gây mất trật tự ở địa phương và bị xử lý vi phạm hành chính nhưng ông không chấp hành. V. hùng hổ: “Xử phạt không đúng, tôi không chấp hành”, thái độ của ông làm nhiều người dự khán ngỡ ngàng.
Trước vành móng ngựa, bị cáo D. gương mặt hiền lành, buồn thiu, khai nhận hành vi phạm tội với vẻ ăn năn thật sự. Sự việc xích mích bắt đầu từ những chuyện sinh hoạt va chạm nhỏ nhặt giữa những người hàng xóm ở cạnh nhau. Chút nước dơ, chút rác, chút ồn ào, chiếc xe dựng chiếm chỗ… hằng ngày giữa gia đình D. và V. lại thành chuyện cãi vã to. Hàng xóm thấy chướng tai, gai mắt nhưng không dám can thiệp nên D. chỉ biết cậy nhờ công an, tuy nhiên sự việc cũng chỉ dừng lại ở mức lập biên bản. D. ngậm ngùi khai: “Thấy tui lên nộp đơn thưa kiện hoài, mấy anh công an nhăn nhó nói “nhắm ở được ở, không thì bán nhà dọn đi nơi khác” (!). Bởi vì công an phường mà ổng (ông V.) còn lên chửi bới, xử phạt ổng cũng không chấp hành...”.
Đầu 2009, ông V. đánh D. gãy sống mũi gây tỷ lệ thương tật 10%. Vụ việc một lần nữa được đưa ra xử lý, nhưng sau đó Công an Q.Bình Thạnh ra quyết định không khởi tố vụ án. Hai tháng sau D. lại bị đánh, vợ ông V. lại tạt nước dơ qua nhà D., bức xúc D. đi mua can xăng về cất trong nhà. Rạng sáng hôm sau, D. đổ xăng sang nhà ông V. rồi cột cửa bên ngoài, châm lửa đốt khi hàng xóm đang ngủ. Hậu quả, vợ ông V. bị phỏng nhẹ ở chân, cháu ngoại của ông V. bị phỏng nặng. Khi ngọn lửa bùng lên, D. quay đi trong sự hả hê nhưng giây phút ấy không kéo dài được lâu, ngay sau đó là nỗi day dứt, lo lắng xâm chiếm khiến D. chạy đến công an đầu thú. Vị chủ tọa nói: “May mà công an xuống kịp thời giải cứu những người trong gia đình ông V., nếu không chắc đã là án mạng”. D. cúi đầu im lặng, nước mắt rơi trên gương mặt đen sạm.
Do người bị hại có một phần lỗi, bị cáo cũng đã bồi thường khắc phục hậu quả, ra tự thú… nên HĐXX xử tuyên phạt D. mức án 9 năm tù, thấp hơn mức đề nghị của Viện kiểm sát trước đó vài năm. Tuy nhiên, đây là bài học đắt giá cho bị cáo và cho cả bị hại. Nếu gia đình bị hại cư xử chừng mực, biết điều thì đã không phải thiệt thân, đứa cháu ngoại với gương mặt bầu bĩnh không phải “gánh” những vết thẹo to trên mặt do người lớn gây ra.
Lê Nga
Bình luận (0)