Trước hết chỉ với tên bài thơ, đã có sự hội tụ của ba con người thuộc hàng cây đa cây đề của làng văn học nghệ thuật Việt Nam đương đại: Trang Thế Hy, Bình Nguyên Lộc và Phạm Duy.
Xin nói rõ như sau: tháng 9.1959 Trang Thế Hy nộp bài thơ Đắng và ngọt cho tuần báo Vui Sống (Sài Gòn). Nhà văn Bình Nguyên Lộc khi duyệt bài vở đã góp ý rằng cái vị của cuộc đời đa dạng và phức hợp lắm chứ không nhu hiền, đồng thuận tạo hài hòa hay ngạo mạn đương đầu gây đối nghịch giữa hai cái vị đắng và ngọt, cho nên xét về năng lượng diễn cảm, đắng và ngọt chỉ có vai trò chủ yếu chứ chưa phải là tiêu biểu cho sự phức hợp đa tố chất của cuộc đời. Vậy là tờ báo Vui Sống số 9 năm 1959 đăng bài thơ Cuộc đời (nhan đề do Bình Nguyên Lộc chọn) ký tên Minh Phẩm, một trong những bút danh của Trang Thế Hy.
Từ Đắng và ngọt của Trang Thế Hy đến Cuộc đời do Bình Nguyên Lộc sửa lại và khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc một lần nữa bài thơ lại được đổi tên thành Quán bên đường. Xin nói thêm, Phạm Duy không phải không có lý của mình, vì nội dung bài thơ là từ một câu chuyện tình cờ trong quán nhỏ bên đường có thể cảm nhận rõ mồn một giai đoạn lịch sử một đất nước, số phận cay đắng của một dân tộc. Câu chuyện đó chẳng lẽ không là câu chuyện nhớ đời và cái quán ấy không trở thành dấu ấn sâu đậm trong suy nghĩ con người hay sao?
Trong ba nhân vật vừa đề cập, đến nay chỉ còn hai, Bình Nguyên Lộc đã về cõi vĩnh hằng. Nghe đâu vài ba năm trước, khi xin và được cho phép về định cư luôn lại Việt Nam, Phạm Duy đã lặn lội xuống Bến Tre tìm thăm Trang Thế Hy, họ thăm nhau như hai người bạn lâu ngày gặp lại, dù rằng họ... chưa gặp nhau bao giờ.
Khoảng 5 tháng trước đây tôi nghe tin nhà thơ trẻ Ngô Thị Hạnh công tác ở Công ty Phương Nam vận động được tài trợ đứng ra chủ trương in một tuyển tập của nhà thơ Trang Thế Hy lấy tên là tuyển tập Đắng và ngọt.
Tôi nghĩ, giữa thời buổi kinh tế thị trường, một nhà thơ trẻ đi xin tài trợ in tuyển tập cho một bậc tiền bối của làng văn là điều không dễ có, là một việc làm lay động lòng người. Chính vì thế khi Đắng và ngọt ra đời, tôi kịp có mặt tháp tùng trong chuyến về Bến Tre thăm và tặng tuyển tập của nhà thơ cho chính nhà thơ.
Chuyện ấy qua đi, bất ngờ hơn tháng trước tôi lại nghe tin liên quan đến vấn đề này. Chuyện như sau, do một chút lỗi morasse, một chút lỗi do in ấn, một chút sơ sót trong dàn trang, một chút do dịch thuật, những người chủ trương in tuyển tập cảm thấy không vừa lòng. Cuối cùng họ, những người trẻ đã quyết định bỏ kinh phí in lại, lần này để chắc cú hơn, “chủ xị” đứng ra gánh vác trọng trách là một họa sỉ “hàng hiệu” hẳn hoi, họa sĩ Vũ Hà Nam.
Tập thơ in lại cũng vừa xong, nhóm chủ trương dự kiến một Chủ nhật khác sẽ tổ chức chuyến xuôi về Châu Thành, Bến Tre, cái nơi hơn mười năm trước sau khi tuyên bố ở Sài Gòn là Đi chỗ khác chơi nhà thơ Trang Thế Hy đã về.
Nguyễn Khương Bình
Bình luận (0)