Tuyến xe điện đầu tiên của TP.HCM

08/05/2010 22:48 GMT+7

Trong 3 tuyến tramway theo quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 8 năm nay và hoàn thành sau 2 năm xây dựng. Mời nghe đọc bài

Tuyến tramway số 1 (Sài Gòn - Chợ Lớn - Bến xe Miền Tây) là tuyến xe điện chạy trên mặt đất, dài 12,175 km, từ bến Bạch Đằng (Q.1), theo trục đại lộ Đông Tây đến Chợ Lớn và kết thúc ở Bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân). Điểm đầu là công trường Mê Linh (Q.1), sát bờ sông Sài Gòn. Nơi đây sẽ có nhà ga ngầm dưới lòng đất. Từ đây, tuyến xe điện sẽ men theo bờ sông Sài Gòn, vượt qua nóc đường hầm Thủ Thiêm, chạy dọc theo đại lộ Đông Tây phía bờ kênh Bến Nghé - Tàu Hũ, đến cầu Lò Gốm sẽ đi phía dưới cầu để đến bờ kênh Lò Gốm, sau đó vượt qua con kênh này để đi vào đường Lý Chiêu Hoàng (Q.6), rồi đường D2 trước khi về đến điểm cuối cùng là Bến xe Miền Tây.

 
Đoàn tàu bánh hơi Translohr của Pháp - Ảnh do PMC cung cấp

Theo quy hoạch, Bến xe Miền Tây sẽ được di dời đi nơi khác và khu vực này sẽ là nơi trung chuyển hành khách của tuyến metro số 3A (Bến Thành - Tân Kiên) và 16 tuyến xe buýt tỏa đi các nơi trên địa bàn TP. Trên tuyến xe điện mặt đất có tổng cộng 23 trạm dừng và nhà ga, trong đó có 6 ga chính là Mê Linh, Nguyễn Văn Cừ, Đại Thế Giới (Q.5), Bình Tây (Q.6), Lò Gốm (Q.6) và Bến xe Miền Tây, trong đó ga Bến xe Miền Tây là ga lớn nhất, đồng thời là depot (nơi bảo dưỡng xe điện). Các ga này kết hợp với trung tâm thương mại để phục vụ hành khách và người dân trong khu vực.

Tuyến xe điện số 1 sử dụng 15 đoàn tàu bánh hơi STE4. Ưu điểm của loại xe điện này là có thể chạy vào khu dân cư đông đúc, không gây ồn, không gây ô nhiễm môi trường. Mỗi đoàn tàu có chiều dài 39m, rộng 2,2m, có thể chở được từ 178 - 358 người.

Hai năm trước, ngày 9.4.2008, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Phượng đã ký bản ghi nhớ với đại diện Công ty TNHH xây dựng - thương mại Thanh Danh (VN) và Công ty Titanium Management (Malaysia) về việc đầu tư xây dựng tuyến xe điện mặt đất số 1. Đến nay, liên danh này có thêm 2 đơn vị thành viên nữa là Công ty CP BOT cầu Phú Mỹ (PMC) và Tổng công ty xây dựng Hà Nội.

Ông Nguyễn Thành Thái, Tổng giám đốc PMC cho biết, theo ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM, tuyến xe điện số 1 sẽ được khởi công trong tháng 8 năm nay. Trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5.2010, các bên có liên quan tiến hành việc đàm phán hợp đồng BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao), để đến tháng 6.2010 ký kết hợp đồng. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Tổ công tác liên ngành thực hiện tuyến xe điện mặt đất số 1 vừa kiến nghị UBND TP giao cho UBND Q.6 và Q.Bình Tân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư tại các đoạn tuyến đi qua, hoàn thành trước tháng 8.2010.

Điều mà nhiều người băn khoăn là tuyến xe điện đi men theo đại lộ Đông Tây phía bờ kênh Bến Nghé - Tàu Hũ, sẽ khó khăn cho việc tiếp cận của hành khách đối với loại phương tiện giao thông công cộng này. Kỹ sư Vũ Lương, Tạp chí Giao thông vận tải, cho rằng: Nếu không có cầu bộ hành, thì hành khách sẽ rất khó có thể băng qua mặt cắt ngang khá rộng của đại lộ Đông Tây - sau này sẽ có lưu lượng xe rất lớn lưu thông và đặc biệt là không đảm bảo an toàn - để đến các trạm dừng, nhà ga. Còn nếu xây dựng cầu bộ hành, thì những người lớn tuổi và trẻ em cũng sẽ rất vất vả khi bước lên, bước xuống cầu thang; người khuyết tật chân coi như không thể đi được lên cầu. Hơn nữa, ý thức của người dân về chấp hành pháp luật giao thông hiện nay chưa cao. Nhiều nơi đã có cầu bộ hành, nhưng nhiều người vẫn không sử dụng, cứ "vô tư" băng ngang qua đường.

Đại diện chủ đầu tư giải thích, tuyến xe điện đi men theo bờ kênh là lựa chọn tốt nhất về mặt bằng (đã có sẵn, không phải giải tỏa). Theo chủ đầu tư, để đảm bảo an toàn giao thông cho hoạt động của các đoàn tàu, theo chủ đầu tư, dọc tuyến xe điện sẽ có hàng rào bảo vệ. Tại các nhà ga, trạm dừng dọc theo tuyến sẽ có hệ thống cầu bộ hành cho hành khách đi tàu. Riêng các vị trí có sẵn cầu như: Ông Lãnh, Nguyễn Văn Cừ, Chữ Y, Nguyễn Tri Phương, Chà Và, đơn vị tư vấn đề xuất phương án cắt lan can cầu để làm cầu thang đi bộ xuống các trạm dừng, nhà ga của tuyến xe điện. Khu vực các trạm dừng, nhà ga sẽ được kết nối với các tuyến xe buýt để hành khách có thể đi tiếp đến các nơi khác.

Dự án tuyến xe điện mặt đất số 1 có tổng mức đầu tư là 3.870 tỉ đồng. Tuyến xe này có 23 trạm dừng đón trả khách, quãng cách bình quân 520m/trạm dừng, xe chạy trên tuyến là xe điện bánh hơi STE4, công nghệ của hãng LOHR Industries (Pháp).  

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.