Quan tham Trung Quốc tháo chạy ra nước ngoài

14/05/2010 23:25 GMT+7

Từ khi cải cách mở cửa tới nay, hơn 4.000 quan tham Trung Quốc đã trốn sang nước khác, cuỗm theo 50 tỉ USD (gần 950 ngàn tỉ đồng).

Theo tờ China Daily, ngày 23.4.2010, Bộ Chính trị T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phải mở một cuộc họp thảo luận về những quy định mới, trong đó có nội dung là phải tăng cường quản lý cán bộ lãnh đạo có con cái hoặc vợ/chồng đã di dân ra nước ngoài. Ông Hồ Tinh Đấu - chuyên gia chống tham nhũng Trung Quốc - cho biết đây là nội dung chính trong chính sách chống tham nhũng của trung ương trong mấy năm qua và ngày càng được chỉnh lý chi tiết hơn.

Nguyên do là hơn 4.000 quan tham nước này đã bỏ chạy ra nước ngoài và không quên mang theo trung bình 100 triệu nhân dân tệ (hơn 270 tỉ đồng)/người, tính từ lúc cải cách mở cửa tới nay. “Từ năm ngoái, tỉnh Quảng Đông đi tiên phong trong việc áp dụng chính sách báo cáo tình trạng thu nhập các cấp lãnh đạo, bao gồm cả tình hình cá nhân, tình trạng thu nhập gia đình, con cái xuất ngoại. Nhưng giờ đây chính sách này đã được bắt buộc áp dụng phổ biến cả nước”, ông Hồ Tinh Đấu cho biết.

Có thể liệt kê một số vụ quan tham bỏ chạy ra nước ngoài điển hình như: Dư Chấn Đông - nguyên Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc tại Quảng Đông, đã cùng đồng bọn tham ô tới hơn 3 tỉ nhân dân tệ năm 2001, bị bắt giải về nước năm 2004 và lãnh án 12 năm tù giam; Dương Tú Châu - nguyên Phó chủ tịch thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang liên quan tới vụ tham ô tới 253,2 tỉ nhân dân tệ, cùng cả gia đình gồm con gái, con rể, cháu ngoại tháo chạy sang Mỹ năm 2003; Chu Kim - nguyên lãnh đạo ngành công thương tỉnh Phúc Kiến - sang Mỹ đoàn tụ cùng vợ con, vốn đã có sẵn thẻ xanh cư trú và ôm theo 100 triệu nhân dân tệ năm 2006.

Ra nước ngoài quá dễ

Một nhà nghiên cứu tài chính tỉnh Vân Nam nhận định: “Trong thể chế hiện hành của Trung Quốc, có hai loại quan dễ dàng có được thu nhập bất hợp pháp là: kẻ nắm quyền lực về nhân sự với những nguồn lợi kiếm được trong quá trình mua quan bán chức và kẻ nắm quyền lực về kinh tế với nguồn thu từ các hạng mục đầu tư quốc gia”. Sau đó làm thế nào để có thể thực sự chiếm trọn và ung dung tiêu xài số tiền bất chính trên đã trở thành vấn đề mà các quan tham ngày đêm suy nghĩ. Chạy ra nước ngoài dần trở thành lựa chọn tốt nhất.

Người ta chia các vụ quan tham sang nước khác thành hai loại.

Loại chủ động, có tính toán kỹ từ trước nhằm né tránh thể chế pháp luật trong nước, nhằm đạt được mục đích hưởng thụ lâu dài và an toàn. m mưu này thường thực hiện từng bước theo kế hoạch: trước tiên chuyển tiền ra nước ngoài, sắp xếp cho người thân xuất ngoại, sau khi gia đình định cư xong thì bản thân quan tham tìm cách xuất ngoại, bỏ trốn luôn. Loại thứ hai thuộc dạng bị động, không dễ quyết định tháo chạy. Chỉ khi cảm thấy bị đe dọa, lo lắng phải ngồi tù thì mới chọn cách này.

Dù chủ động hay bị động, về cơ bản, các quan tham nói trên vẫn có được hộ chiếu Trung Quốc thật, vẫn đường hoàng rời đất nước bằng các phương tiện giao thông. Báo giới nước này cũng từng tốn nhiều giấy mực phân tích nguyên nhân vì sao các vụ tháo chạy của quan tham đều thành công. Trước hết, là do việc làm hộ chiếu, giấy tờ xuất ngoại rất dễ dàng. Một người có thể chỉ cần mất 30.000 -50.000 nhân dân tệ là đã có thể làm được một chứng minh thư, hộ khẩu đàng hoàng. Vì vậy, việc “một người nhiều thân phận” đã trở thành hiện tượng ở Trung Quốc, giúp không ít kẻ gian núp bóng dễ bề che giấu tung tích và khiến các cơ quan điều tra khó phát hiện trong quá trình truy đuổi.

Lấy vụ Hồ Tinh - nguyên Phó chủ tịch thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, đã tham nhũng 32 triệu nhân dân tệ làm ví dụ. Trước khi bỏ chạy, ông này đã có hộ chiếu và chứng minh thư do công an tỉnh Vân Nam cấp, ngoài ra còn có hộ khẩu và hộ chiếu do tỉnh Quảng Đông cấp, chứng minh thư ở Macao... Hoặc trường hợp Cao Nghiêm - nguyên Thư ký Tỉnh ủy Vân Nam, nguyên Tổng giám đốc Công ty điện lực quốc gia, từng bị truy nã vì tội tham nhũng với số tiền thưởng 200.000 tệ. Ông này có tới 3 chứng minh thư mang 3 tên khác nhau, 4 hộ chiếu Trung Quốc và 1 giấy phép thông hành Hồng Kông.

Một nguyên do khác là các quan chức Trung Quốc có rất nhiều cơ hội đi khảo sát nước ngoài bằng công quỹ. Vì vậy, một số quan tham đã tận dụng cơ hội danh chính ngôn thuận này để ung dung bỏ chạy. Việc bắt lại quan tham đã bỏ trốn rất khó khăn do tới nay Trung Quốc mới chỉ ký hiệp ước dẫn độ với 31 quốc gia. Phần lớn quan tham cỡ bự đều lựa chọn Bắc Mỹ và các nước châu u làm nơi dưỡng già do những nơi này đều có thể chế tư pháp độc lập và không ký hiệp ước dẫn độ với Bắc Kinh. Các quan tham nhỏ hơn thì lựa chọn các nước Đông Nam Á hoặc Nam Mỹ. Tất cả đều thay tên đổi họ, làm lại giấy tờ khiến việc tìm kiếm càng khó khăn. Hiện tại, ngăn chặn hiện tượng này là một vấn đề cấp bách, không dễ giải quyết của Chính phủ Trung Quốc.

Nguyễn Lệ Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.