“Chợ” than lậu trên sông
Trong đêm tối, chiếc xe ben thùng phủ bạt kín mít ì ạch bò qua con đường đất trồi sụt, lầy lội vào bãi than bên bờ sông Cửa Lục, đổ ụp số hàng trên xe vào bãi rồi vội vã quay đầu. Một chiếc máy xúc “con cò” (máy xúc loại nhỏ) liền thả gầu múc từng gầu than trên bến rót vào khoang chiếc sà lan đậu sát mép sông. Trong ánh sáng lờ mờ phát ra từ đèn pha máy xúc, từng chiếc xe tải thay nhau đổ than xuống bãi để chuyển sang sà lan.
Khi đầy hàng, sà lan nổ máy rời bờ, cặp vào mạn chiếc tàu sắt lớn hơn đang buông neo giữa dòng. Ở đây có một chiếc máy xúc “con cò” khác được đặt trên “pông tông” nổi (một loại phao to nổi trên mặt nước có thể đặt 2 máy xúc nhỏ trên mặt) chờ sẵn. Chiếc máy xúc thoăn thoắt hạ gầu chuyển than từ sà lan qua tàu lớn. Cứ như vậy cho đến khi chiếc sà lan hết hàng lại có chiếc khác chạy tới cặp mạn tàu chuyển tải.
“Chợ than” ồn ào này nằm trên dòng sông Cửa Lục, kẹp giữa khu vực cảng Cái Lân và Công ty cơ khí đóng tàu TKV, chỉ cách cầu Bãi Cháy chừng 1,5 km. Ban ngày nơi đây khá yên ắng, chỉ thấy những con tàu và sà lan im lìm phủ bạt buông neo co cụm trên dòng Cửa Lục. Nhưng khi đêm xuống, hoạt động chuyển tải than trên chợ nổi này trở nên nhộn nhịp, sà lan từ mọi hướng cặp mạn tàu, máy xúc “con cò” nổ rình rình rót than từ sà lan qua tàu. Sau 2 - 3 đêm, tàu lớn ăn đủ hàng thì nó nhổ neo, lại có con tàu khác vào thế chân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, “chợ” than trên nằm dưới tay một trùm than lậu có tên Ng. “đen”. Trùm than này dùng “lá bùa” là giấy phép mua than phát mại để buôn lậu than ra nước ngoài. Than “rò rỉ” từ các nơi được vận chuyển bằng sà lan và ô tô tập kết về đây chuyển tải qua tàu lớn rồi xuất đi. Trung bình mỗi tuần, trùm Ng. “đen” chuyển được khoảng 3 - 4 chuyến tàu với lượng than lên tới cả vạn tấn. Có mặt ở khu vực này những ngày cuối tháng 4, chúng tôi chứng kiến khi các tàu NĐ - 195..., HP - 142... đủ hàng rời bến thì đã có ngay tàu HTA069... neo tại khu vực chờ hàng.
Những “chợ” tập kết, chuyển tải than lậu như vậy không phải là hiếm trên địa bàn Quảng Ninh. Tuy nhiên số vụ bị phát hiện rất hãn hữu. Cuối năm 2009, Công an thị xã Cẩm Phả kiểm tra kho cảng Mông Dương của Công ty TNHH thương mại Đức Trung phát hiện hơn 2.000 tấn than không nguồn gốc của 5 đối tượng đang tập kết. Cũng tại khu vực này, lực lượng cảnh sát môi trường Công an Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ 4 xe tải chở trên 70 tấn than không nguồn gốc, các lái xe khai nhận đang trên đường vận chuyển xuống bãi than của Công ty Đức Trung. Mới đây, Hải đội 1, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan bắt giữ hai tàu chở khoảng 3.000 tấn than lậu.
Theo một trùm than lậu đã giải nghệ, bất kể một trùm nào muốn tồn tại trong nghề than lậu đều phải lận lưng tờ giấy phép mua than phát mại làm bình phong hoạt động. Có trong tay “lá bùa” này, than lậu cứ đường hoàng hoạt động núp bóng than hợp pháp. Các xe than không nguồn gốc công khai chạy trên đường, nếu bị “sờ gáy”, lái xe chỉ cần điện thoại, ít phút sau “ông trùm” cho người mang hóa đơn hợp pháp đến “giải cứu” một cách chóng vánh. Các tàu than cũng vậy. Khi đã nhận đủ hàng ra biển, tàu sẽ được đeo những tấm biển số “ma”. Nếu tàu chưa rời khỏi vùng biển nội địa, dù có bị kiểm tra họ sẽ trưng ra đủ giấy tờ hợp pháp chở than đi các tỉnh.
“Than tặc” lộng hành
Trong hoạt động khai thác, “than tặc” cũng lộng hành không kém. Đỉnh điểm là vụ cướp than quy mô lớn tại khu vực mỏ Mạo Khê trong dịp Tết Canh Dần vừa qua. Còn rải rác ở khắp nơi trên đất mỏ, những lò than thổ phỉ hằng ngày vẫn ngang nhiên hoạt động. Có mặt tại khu vực cột 8, chúng tôi chứng kiến một lò than “thổ phỉ” được khoét vào lòng núi ngay sát mé đường Nguyễn Văn Cừ. Hằng ngày từ miệng hầm một lượng than không nhỏ vẫn được chuyển ra.
Ông Đào Xuân Đan, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long, Quảng Ninh thừa nhận hoạt động than lậu trên địa bàn vẫn hết sức phức tạp. Chỉ riêng phường Đại Yên trong 3 tháng đầu năm 2010, cơ quan chức năng đã đánh sập 40 lò than thổ phỉ. Tuy nhiên, thống kê chưa đầy đủ thì hiện trên địa bàn Hạ Long vẫn còn 41 điểm lò than “thổ phỉ” đang hoạt động, nóng nhất là khu Cao Xanh, Cao Thắng, Hà Khánh. Theo ông Đan, nguyên nhân các lò than “thổ phỉ” mọc lên như nấm và hoạt động dai dẳng là do chế tài xử lý mới dừng ở mức xử phạt hành chính. Để ngăn chặn các lò than trái phép, biện pháp hiệu quả nhất đang được cơ quan chức năng áp dụng là dùng thuốc nổ đánh sập hầm lò. Nhưng trên thực tế có nhiều điểm hầm lò nằm ngay sát khu dân cư nên không thể nổ mìn. Vì thế sau khi xử phạt đoàn kiểm tra rút đi thì lò than trái phép lại tiếp tục đào bới.
Phạm Hải Sâm
Bình luận (0)