Tầng Ozone trước nguy cơ cao từ CFC
Tầng ozone nằm giữa độ cao từ 15 đến 30km trên bề mặt Trái đất. “Tấm chăn” ozone, hoặc O3, ngăn chặn hầu hết các tia tử ngoại có hại phát ra từ mặt trời. Những tia này có thể gây ung thư da và mắt cườm ở người, cũng như đe dọa quá trình sinh sản của cá, cua, ếch, nhái và thậm chí gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho các thực vật đơn bào phytoplankton nằm ở phần đáy của chuỗi thức ăn ở biển.
Ozone được tạo ra trong tự nhiên khi các phân tử O2 có nhiều trong không khí bị ánh sáng mặt trời phá vỡ thành 2 nguyên tử oxygen tự do. Một nguyên tử tự do có thể kết hợp với một phân tử O2 chưa bị phá hủy khác để sản sinh ra O3. Tuy nhiên, ozone lại không bền và dễ dàng bị phân hủy bởi các tác nhân khác. Ðược phát minh vào thập niên 1920, khí chlorofluorocarbon (viết tắt là CFC) là “sát thủ” của tầng ozone, bởi vì hóa chất nhân tạo này có thể tồn tại qua nhiều thập niên, cho phép chúng len lỏi lên tầng trên của khí quyển. Tại tầng không khí loãng đó, tia tử ngoại phá vỡ cấu trúc phân tử của CFC và giải phóng nguyên tử clo. Kế đến, clo phá hủy phân tử ozone bằng cách “ăn cắp” nguyên tử oxygen của O3.
Thế giới sốc vì lỗ hổng quá lớn
Từ thập niên 70, giới khoa học đã đưa ra lý thuyết rằng CFC có thể dẫn đến tự hủy diệt tầng ozone. Tuy nhiên, cho đến tháng 5.1985, các nhà khoa học với kết quả nghiên cứu Nam cực Anh gây sốc toàn thế giới khi tuyên bố đã phát hiện một lỗ thủng khổng lồ ở tầng ozone trên bầu trời Nam cực. Căn cứ vào những tính toán, họ cho rằng lỗ thủng trên ngày càng mở rộng hơn vào mỗi mùa xuân kể từ thập niên 1970.
Dữ liệu trên đã đổ lỗi cho CFC là thủ phạm. Ðó là bởi vì điều kiện khí quyển trong suốt những mùa đông dài tối đen và lạnh lẽo đã xây dựng cả kho dự trữ CFC tại Nam cực. Khi mùa xuân tới, ánh nắng sản sinh vô vàn clo tự do, đục khoét tầng ozone và tạo ra lỗ hổng rộng đến 65% diện tích tầng ozone khu vực này. Theo báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố nhân Ngày quốc tế bảo vệ tầng ozone, 16.9.2008, lỗ hổng này bao trùm trên diện tích 27 triệu km2, trong khi diện tích lớn nhất của nó vào năm 2007 là 25 triệu km2.
Nỗ lực “vá” tầng ozone
Phát hiện trên đã tạo nền tảng cho thắng lợi của môi trường: Nghị định thư Montreal vào năm 1987. Hiệp ước này quy định việc sử dụng CFC và phục hồi tầng ozone đã dần dần được mọi thành viên LHQ ký kết, là văn bản pháp lý đầu tiên trên thế giới nhận được sự đồng thuận 100% của cộng đồng quốc tế. Việt Nam ký nghị định thư này vào năm 1994. Nỗ lực hợp tác toàn diện trong trường hợp này đã tạo ra ảnh hưởng đáng kể. Một số khoa học gia dự đoán đến năm 2080, tầng ozone của Trái đất sẽ lành lặn lại như xưa, như vào thời điểm những năm 50. Và khi thế giới cùng chúc tụng nhau trước thành công chung này, một vấn đề mới lại phát sinh.
Một số nhà khoa học cho rằng việc hồi phục lại tầng ozone có thể dẫn đến phản ứng phụ đầy lo ngại: đó là tăng cường tình trạng ấm lên toàn cầu, ít ra là tại khu vực Nam cực. Bản thân ozone là một loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Một lớp ozone mỏng hơn không những có tác dụng giảm khí nóng bị giữ lại trong khu vực mà còn giúp khuấy động các luồng gió quanh cực Nam, và về phần mình những luồng gió này tạo ra bụi nước biển giúp hình thành các đám mây làm mát. Ken Carslaw của Ðại học Leeds (Anh) là đồng tác giả cuộc nghiên cứu cho rằng việc vá lại tầng ozone có thể đẩy mạnh tình trạng ấm lên tại Nam cực, nhưng ông cũng khẳng định hậu quả vô cùng tai hại nếu để CFC tăng dần trong tầng khí quyển.
Dù kết quả thế nào đi chăng nữa, thắng lợi của cộng đồng thế giới trong việc vá lại tầng ozone cũng chứng tỏ rằng nếu cùng hợp tác, chúng ta có thể đẩy lùi những hiểm họa thiên nhiên đã được cảnh báo trước. Hy vọng bài học trên sẽ được con người ứng dụng một lần nữa trong một cuộc chiến đầy cam go hơn: chống lại tình trạng ấm lên toàn cầu.
Thụy Miên
Bình luận (0)