Trước khi bị bắt, Shahzad mướn một căn nhà ba phòng ở số 202 đường Sheridan, thành phố Bridgeport, bang Connecticut-Mỹ. Căn nhà ba tầng trông xinh xắn, mái lợp gỗ màu xám sáng, kiểu nhà quen thuộc ở vùng biển Đông Bắc Mỹ.
Gã trai bí ẩn
Khu phố nói chung khá yên tĩnh. Người mướn trả mỗi tháng 1.150 USD. “Theo tôi, đây là một gã bí ẩn”. Chủ nhà Stanislaw Chomiak nhận xét như thế về Faisal Shahzad.
Người mướn nhà có đôi mắt bồ câu, vẻ đàng hoàng, ăn nói nhỏ nhẹ, hay cười. Stanislaw kể lại: “Anh ta kể cho tôi nghe vừa bán nhà để tránh bị trục xuất. Anh ta chuẩn bị về quê Pakistan với hy vọng tìm được việc làm thì được biết tình hình ở nhà còn tệ hơn ở Mỹ. Anh ta còn nói với tôi rằng dân tình ở đây (Mỹ) lương thiện hơn ở Pakistan”.
Ông chủ nhà thỉnh thoảng có ghé chơi nhà của Shahzad: “Nhà không có gì đáng giá. Một cái bàn, hai chiếc ghế, một tủ kệ ở phòng khách. Một chiếc nệm hơi dùng để ngủ nằm chình ình giữa căn phòng chính. Trong một phòng khác có máy tập thể dục, vài chiếc DVD, trong đó có phim Up in the Air với diễn viên George Clooney...”.
Không có gì lạ thường cho thấy đây là nhà của một tên khủng bố. Khi mướn nhà, Shahzad tự giới thiệu là trai độc thân, nhân viên cửa hàng kim hoàn ở New Haven, gần Bridgeport. Một công việc không thể làm cho người ta phất giàu nhanh chóng.
Ngày thứ bảy, 1-5, lúc 19 giờ, ngay sau khi có tin báo động bom ở trung tâm New York, Stanislaw nhận được một cú điện thoại gấp gáp của Shahzad cho biết anh ta mất chìa khóa nhà.
Stanislaw không thể hình dung có mối liên hệ chặt chẽ giữa hai sự kiện nói trên. “Khi tôi mở cửa nhà, trông anh ta rất lạ, hoảng sợ chuyện gì đó” - Stanislaw kể lại.
Một người lạ có tiềm năng lớn
Faisal Shahzad chào đời cách nay 30 năm ở Đông Bắc Pakistan trong một gia đình giàu có và danh giá. Cha anh ta là một sĩ quan cao cấp không lực Pakistan.
Shahzad đến Mỹ năm 19 tuổi với visa sinh viên nhờ đạt điểm cao khi học tại một chi nhánh của Trường Đại học Southeastern Washington ở Karachi, Pakistan. Anh ta được nhận vào Trường Đại học Bridgeport và tốt nghiệp bằng MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) tại đây. Thế là Shahzad nhận được visa H-1B cấp cho những “người nước ngoài có tiềm năng lớn”.
Ngày 17-4-2009, tại tòa án Bridgeport, cùng với 50 người nước ngoài khác, Shahzad đọc to lời tuyên thệ “ủng hộ và bảo vệ hiến pháp Hoa Kỳ chống lại mọi kẻ thù” trong buổi lễ nhập tịch.
Trước tháng 9-2009, Shahzad ở số nhà 119 đại lộ Long Hill, Shelton, cách Bridgeport vài km. Đó là một căn nhà mới đầy đủ tiện nghi mà Shahzad mua lại với giá 273.000 USD cách đây 6 năm. Shahzad có vợ là Huma, 28 tuổi, sinh ở bang Colorado, cũng là người Mỹ gốc Pakistan. Cha cô là cán bộ quản lý cấp cao ngành dầu khí ở Denver.
Hai vợ chồng có một cô con gái tên Saba, 4 tuổi và một cậu con trai tên Rayyan, 2 tuổi. Cả gia đình hay ăn trưa ở nhà hàng Burger King gần nhà hoặc ở Quảng trường Thời Đại, New York, vào những ngày cuối tuần.
Một người hàng xóm của gia đình Shahzad ở Shelton kể lại rằng chủ nhà là một người làm việc rất cần cù, mỗi ngày ngồi miệt mài bên máy tính của công ty mỹ phẩm Elizabeth Arden (năm 2002-2006) và sau này ở Tập đoàn Tài chính Affinion.
Mọi sự diễn ra êm ả cho đến giữa năm 2009, người ta thấy treo trước cửa gara xe hơi nhà Shahzad “nhà bán” nhưng không ai mua. Shahzad kêu bán rẻ tất cả đồ đạc trong nhà, kể cả đồ chơi của con. Nguyên nhân: Shahzad thất nghiệp, không có tiền trả nợ tín dụng mua nhà. Từ đó, người ta thấy Shahzad đi đi về về Pakistan.
Tháng 9-2009, ngân hàng tịch thu nhà và Shahzad đưa vợ con về Pakistan rồi trở qua Mỹ. Ngày 3-5, Shahzad bị bắt lúc đang ngồi trên máy bay sắp cất cánh đi Dubai chỉ 53 giờ sau khi âm mưu đánh bom khủng bố thành phố New York bằng xe bom bất thành.
Được Taliban huấn luyện
Không giống như những tay khủng bố chuyên nghiệp khác, Shahzad nói rất nhiều sau khi bị bắt. Ví dụ, từ tháng 9-2009 đến tháng 2-2010, anh ta tập luyện trong các trại huấn luyện của Taliban ở Pakistan. Điều này là hoàn toàn bất ngờ đối với gia đình Shahzad.
Shahzad chuẩn bị gây án từ tháng 3 vừa qua. Anh ta bị hệ thống camera an ninh ghi hình khi mua phân bón và pháo bông trong một cửa hàng ở Matamoros, bang Pennsylvania. Lúc đó, Shahzad mặc quần jeans, áo vét màu xanh lá cây.
Nhờ những lời khai của nghi can số một Shahzad, các nhà điều tra Mỹ dễ dàng nắm được những chi tiết vụ án. Ngày 24-4, Shahzad mua xe Nissan Pathfinder đời 1993 với giá 1.300 USD. Ngày 1-5, Shahzad lái xe đến Quảng trường Thời Đại, đậu xe, máy vẫn nổ, trên xe có đầy đủ các thiết bị gây cháy nổ mà bên công tố cho là “vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Sau khi kích hoạt, thiết bị chỉ xì khói trắng, không nổ do Shahzad mua nhầm nguyên liệu (loại phân bón không thể gây nổ). Hai người bán dạo phát hiện khói báo cảnh sát. Thế là vụ nổ bất thành.
Mọi việc trở nên tệ hại hơn khi Shahzad trở lại chỗ chiếc xe thứ hai – một chiếc Isuzu – để trở về nhà thì phát hiện chìa khóa nhà gài chung với chìa khóa xe Nissan vẫn còn cắm trong ổ khóa!
Đó là lý do Shahzad hốt hoảng gọi điện thoại kêu cứu ông Stanislaw giúp mở cửa nhà. Lúc đó, Stanislaw đang ngồi xe lửa từ New York về Bridgeport.
Thứ bảy và chủ nhật, Shahzad sống trong nỗi sợ hãi tột cùng. Trưa thứ hai, Shahzad đi cửa sau, mang theo khẩu súng lục Kel-tec Sub Rifle-2000, lái xe Isuzu ra sân bay quốc tế John F. Kennedy.
19 giờ 35 phút, Shahzad mua vé một chiều đi Dubai chuyến bay 202 của hãng hàng không Emirates. 22 giờ 30 phút, Shahzad làm thủ tục lên máy bay, ngồi vào ghế và mừng thầm. 23 giờ cửa máy bay đóng lại nhưng hai phút sau, nó lại mở toang. Cảnh sát xuất hiện yêu cầu được xem bản danh sách bay.
Shahzad chợt hỏi: “Các anh là NYPD (cảnh sát New York) hay FBI (cảnh sát liên bang)?” sau khi bị còng tay.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)