Mới đây, Bullet 580 đã được hãng E-Green technologies thử nghiệm quá trình bơm hơi để chuẩn bị hoạt động trong đại hí trường Garret ở Alabama (Mỹ), nơi có không gian đủ lớn để chứa khinh khí cầu này (ảnh). Chi phí sản xuất một chiếc Bullet 580 là 5,5 triệu bảng Anh, nó được điều khiển từ xa hoặc trực tiếp từ phi hành đoàn. Khi đi vào kinh doanh thì E-Green technologies dự định sẽ cho thuê Bullet 580 với giá 200.000 - 550.000 bảng/tháng.
Báo Daily Mail dẫn lời Mike Lawson, người quản lý E-Green technologies rằng chiếc khinh khí cầu này có tốc độ đủ chậm để giúp hành khách thoải mái quan sát bầu trời cũng như mặt đất, và có thể chuyên chở tổng trọng lượng 9 tấn. Khinh khí cầu bay lên không trung nhờ 7 túi bơm đầy khí helium, độc lập với nhau để phòng ngừa sự cố một túi xì hơi thì Bullett 580 vẫn hoạt động được. Vào thời kỳ đầu của khinh khí cầu (những năm 1920-1930), khí hydro được chọn vì lúc đó giá thành của helium rất cao.
Khoang hành khách cũng như vỏ bọc của khí cầu được sản xuất bằng chất liệu như Kevlar (sử dụng để dệt áo và tạo mũ chống đạn), dày chỉ 1/16 inch nhưng bền hơn thép 10 lần. Động cơ của Bullet 580 được vận hành bằng nhiên liệu sinh học sản xuất từ tảo, nên không phát thải carbon dioxide vào bầu khí quyển.
Tốc độ tối đa của Bullet là 129 km/giờ. Tuy nhiên, nó sẽ di chuyển với tốc độ trung bình chỉ 56 km/giờ để tiện cho việc quan sát. Nó cũng có thể treo lơ lửng hằng tuần trong không gian. Bullet 580 sẽ rất hữu dụng trong nhiều công tác, ví dụ như giám sát việc tràn dầu ngoài khơi vịnh Mexico, giám sát hành vi của cướp biển ngoài khơi Somali. Nó còn có thể phục vụ như một vệ tinh viễn thông, quan sát thời tiết, đo đạc địa hình…
Theo kế hoạch thì nhiệm vụ đầu tiên của Bullet 580 sẽ được thực hiện vào cuối năm nay, đó là dự án hợp tác giữa NASA và Đại học Old Dominion trong việc đo độ ẩm của đất. Có thể xem quá trình chuẩn bị cho Bullet 580 tại địa chỉ https://www.youtube.com/watch?v=LByr7ymgjiM.
Tạ Xuân Quan
Bình luận (0)