Dow Jones xuống dưới 10.000 điểm

27/05/2010 07:55 GMT+7

(TNO) Thị trường chứng khoán Mỹ phiên ngày 26.5 (kết thúc rạng sáng nay 27.5, giờ VN) tiếp tục đi xuống; trong khi đó, chứng khoán châu u và châu Á - Thái Bình Dương đã bất ngờ khởi sắc trở lại. Chỉ số công nghiệp Dow Jones lần đầu tiên chốt phiên ở dưới mức 10.000 điểm kể từ tháng 2.2009.

Đầu phiên giao dịch, thông tin về doanh số bán nhà xây mới tại Mỹ tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm qua được công bố; đồng thời, số đơn đặt hàng bền trong tháng 4.2010 cũng gia tăng đã lấy lại niềm tin của giới đầu tư về quá trình phục hồi kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu, Phố Wall (New York) tăng điểm khá tốt. Chỉ số Dow Jones Industrial đã có lúc tăng tới hơn 135 điểm.

Tuy nhiên, về cuối phiên, đồng euro mở rộng biên độ giảm giá so với dollar Mỹ, chạm tới mức tỷ giá thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, đã lại gây những tác động tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư.

Cùng với đó, tập đoàn China Investment đang xem xét giảm bớt đầu tư vào châu u, đồng thời sẽ có sự theo dõi chặt chẽ các thông tin liên quan tới đồng tiền chung của 16 quốc gia thuộc liên minh châu u (EU) và các chính sách của khu vực này. Hai thông tin này đã khiến chứng khoán Mỹ liên tục giảm mạnh về cuối phiên.

Tổng kết phiên ngày 26.5, chỉ số S&P 500 để mất 0,6% tổng số điểm, xuống còn 1.067,95 điểm, sau khi đã tăng tới 1,6% trong buổi sáng (theo giờ địa phương); Dow Jones Industrial rời bỏ mốc 10.000 điểm khi để mất 69,3 điểm, tương đương giảm 0,7%, chốt phiên ở mức 9.974,45 điểm. Nasdaq Composite giảm 0,7%, xuống còn 2.195,88 điểm.

Cổ phiếu công nghiệp là nhóm tăng điểm duy nhất trong 10 nhóm ngành đóng góp vào S&P 500 phiên này, với mức tăng tổng cộng 0,3%. Cụ thể, cổ phiếu của General Electric tăng 0,4%, cổ phiếu của Boeing tăng 0,8%.

Tính tới nay, S&P 500 không những đã để mất hết thành tích mà còn quay đầu giảm tới 4,3% so với đầu năm 2010.

Theo chuyên gia phân tích của ngân hàng UBS (Đức), chỉ số thị trường này sẽ chạm đáy trong khoảng 5 đến 10 phiên tới đây.

Tháng 5.2010, chứng khoán Mỹ đã ghi nhận những cú sốc lớn trong giao dịch khi chỉ số công nghiệp Dow Jones lần lượt rời bỏ các mốc 11.000 điểm, rồi 10.000 điểm. Đặc biệt, trong phiên ngày 6.5, thị trường đã phải chứng kiến phiên giảm trầm trọng khi chỉ số này mất tới gần 1.000 điểm, tương đương 9,2% tổng số điểm.

Trong khi đó, tại châu u, nhờ đóng cửa sớm hơn nên các sàn giao dịch chứng khoán chỉ đón nhận tác động tích cực từ thông tin đơn đặt hàng sản phẩm bền tăng.

Cổ phiếu của các công ty doanh nghiệp ngành mỏ tăng giá cũng góp phần đưa thị trường toàn khu vực đi lên. Chỉ số STXE 600 chung cho toàn châu u tăng 2,4%, mức tăng mạnh nhất trong 2 tuần qua. Tuy nhiên, so với đầu tháng 5, chỉ số này đã giảm tới 8,5%.

Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 1,97%, lên mức 5.038,08 điểm; CAC 40 của Pháp tăng 2,32%, chốt phiên ở mức 3.408,59 điểm; DAX của Đức tăng 1,55% lên thành 5.758,02 điểm.

Chỉ số IBEX 35 (Tây Ban Nha) tăng 0,42%; PSI General (Bồ Đào Nha) tăng 2,82%; Athex Composite (Hy Lạp) tăng 2,98%.

Tại châu Á, trong phiên giao dịch cùng ngày (kết thúc chiều qua, 26.5, giờ VN), chứng khoán cũng tăng nhẹ nhờ tác động từ phiên trước đó của Phố Wall. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng nhẹ 0,66%, lên mức 9.522,66 điểm; HSI của Hồng Kông tăng 210,95 điểm, tương đương 1,11%, chốt phiên ở mức 19.196,45 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 0,12%; KOSPI (Hàn Quốc) tăng 1,36%; Straits Times (Singapore) tăng 1,71%.

Duy Trần
(Theo Bloomberg, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.