Đừng thư giãn bằng cách chơi game!

28/05/2010 10:16 GMT+7

Giải quyết những áp lực học tập quá căng thẳng hiện nay không thể chỉ trong ngày một ngày hai. Tiến sĩ tâm lý lâm sàng Ngô Xuân Điệp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, hướng dẫn học sinh cách học vừa phải và thái độ đối với việc học để tránh căng thẳng, chán ghét việc học.

* Thưa ông, nhiều học sinh đang phải chịu áp lực học tập quá lớn và đã có những trường hợp phải vào bệnh viện do quá sức chịu đựng. Vậy cần điều chỉnh liều lượng, thời gian và thái độ học tập như thế nào?

- Học nhiều không gây nguy hiểm cho học sinh, nhưng học không đúng phương pháp sẽ gây ra những ức chế, khó chịu và nhiều hệ lụy khác. Hiện nay học sinh phải học với một lượng kiến thức rất nhiều và nặng nề. Khi việc học là ép buộc hoặc vượt quá khả năng của học sinh sẽ sinh ra cảm xúc tiêu cực đối với chuyện học. Cảm xúc đó chính là mầm mống căng thẳng, gây những trở ngại cho các em sau này. Vì vậy, đừng chỉ quan tâm đến tri thức vào đầu học sinh nhiều hay ít, mà cần biết cảm xúc của trẻ khi tiếp nhận tri thức đó.

Những cảm xúc tiêu cực sẽ khiến học sinh không còn hứng thú học tập và giảm sút về mặt động cơ học tập.

Vì vậy, một phương pháp dạy và học tốt là quan trọng nhất. Có những em học rất nhiều nhưng không bị căng thẳng do có phương pháp tốt. Thời lượng cũng không phải là vấn đề quan trọng mà chính là cách học. Học mà chơi, học mà cảm thấy thú vị, lôi cuốn sẽ nhớ lâu, hiểu sâu. Ngược lại, học kiểu đọc chép, ghi nhớ máy móc chỉ để qua kỳ thi sẽ dẫn tới căng thẳng, học xong quên ngay.

* Mùa thi, học sinh thường chịu áp lực bài vở lớn trong thời gian ngắn dễ dẫn tới căng thẳng quá mức. Vậy khi ôn thi cần chú ý những điều gì để giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi?

- Một kinh nghiệm tốt là học phải kết hợp với thể thao để cơ thể vận động đều, kiến thức dễ vào. Có thể tập thể dục nhẹ, đi bơi, chạy bộ, đạp xe trước hoặc sau giờ học để thư giãn. Khi học cần chú ý nghỉ giải lao theo chu kỳ 45 phút hoặc 1 giờ/lần để đi lại, nghe nhạc, uống nước, thay đổi không khí, tránh ngồi học quá lâu. Đừng tiết kiệm thời gian ngủ vì tám giờ khi ngủ cực kỳ quan trọng và lưu ý đừng thư giãn bằng cách chơi game.

Theo Tuồi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.