Nhiều bà mẹ lo lắng khi con mình cùng lúc tiếp nhận 5 loại vắc-xin phòng bệnh liệu có đảm bảo an toàn? Dưới đây là trao đổi của PV với PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng về vấn đề này.
PV: Thưa PGS, nhiều bà mẹ lo lắng khi con tiêm một mũi vắc-xin đã có phản ứng phụ, vậy cùng lúc đưa 5 loại vắc-xin vào cơ thể trẻ có làm tăng nguy cơ tai biến?
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển: Trước hết, tôi phải khẳng định rằng, không có một loại vắc-xin nào là an toàn tuyệt đối. Tỷ lệ tai biến theo quy định cho phép là 1 phần nghìn. Tuy nhiên, loại vắc-xin này đã được đưa vào sử dụng tại 34 nước với 73,5 triệu liều. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, khi tiêm vắc-xin phối hợp DPT – VGP – Hib (loại vắc-xin tổng hợp 5 trong 1 ngừa 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib) thì các phản ứng sau tiêm chủng ít hơn so với tiêm từng loại vắc-xin. Đặc biệt, hiện tại chưa có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng được ghi nhận. Phản ứng thường gặp là phản ứng tại chỗ tiêm, một số ít (khoảng 10%) có sốt ≥ 38 độ.
VN đã thực hiện chương trình tiêm chủng 20 năm, vậy tại sao giờ mới đưa loại vắc-xin ngừa viêm phổi, viêm màng não mủ do Hib vào tiêm chủng, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển
- Vi khuẩn Hib là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh viêm phổi và viêm màng não mủ nguy hiểm cho trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất). Trên thế giới, hằng năm, ước tính khoảng 8 triệu trường hợp viêm phổi, viêm màng não mủ, và khoảng 400.000 trẻ tử vong do Hib. Còn tại Việt Nam, theo thống kê năm 2000 do WHO hợp tác với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư tiến hành, ước tính Hib gây ra 625 trường hợp viêm màng não, 107.565 trường hợp viêm phổi nặng hằng năm. Còn một nghiên cứu tại nội thành Hà Nội từ tháng 3.2000 – 2.2002: hằng năm số mắc viêm màng não do Hib khoảng 12/100.000 trẻ dưới 5 tuổi, với tỷ lệ tử vong 4% và tỷ lệ di chứng 10%. Nguy hiểm là trẻ có thể mang vi khuẩn Hib mà không có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh, nên là nguồn lây chính trong cộng đồng. Trẻ bị bệnh không được điều trị kịp thời có thể để lại những di chứng nặng nề về thần kinh, khiến trẻ bị điếc, trí tuệ sa sút, mất khả năng học tập, khó khăn khi vận động… Kể cả khi được xử trí đúng bằng kháng sinh thì vẫn có từ 5- 10% số trẻ mắc bệnh có thể tử vong. Vì thế, từ năm 2006, WHO đã khuyến cáo đưa vắc-xin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại các nước.
Vắc-xin hiện nay có loại đơn lẻ, 3 trong 1, vậy tại sao mình lại chọn loại 5 trong 1?
- Ý nghĩa đầu tiên phải kể đến là giảm số lần tiêm cho trẻ, theo đó giảm nguy cơ phản ứng sau tiêm chủng. Hơn nữa, vắc-xin này có giá trị phòng ngừa các loại bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B như các mũi riêng lẻ trước đó. Đặc biệt, nếu trẻ được tiêm đủ 3 mũi vắc-xin Hib sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh do Hib ở trẻ nhỏ tới trên 90%.
Giảm tỷ lệ viêm màng não do hib Ở những nước đã đưa vắc-xin Hib vào tiêm chủng mở rộng (TCMR) một vài năm thì tình hình mắc bệnh do Hib giảm đi đáng kể. Như tại Kenya sau 4 năm đưa vắc-xin Hib vào TCMR tỉ lệ mắc viêm màng não do Hib ở trẻ dưới 5 tuổi ước tính giảm từ 71 /100.000 trẻ xuống còn 7/100.000 trẻ. Tại Malawi sau 5 năm (2002 - 2006) triển khai vắc-xin Hib trong TCMR tỉ lệ mắc viêm màng não do Hib giảm từ 20 - 40/100.000 trẻ dưới 5 tuổi xuống gần bằng 0. |
Hà Tường
Bình luận (0)