Ẩm thấp, chật, bẩn, nóng và bí là những tính từ có thể phản ánh chính xác các phòng ở những khu tập thể (KTT) “hộp diêm” cũ giữa lòng thủ đô. Những phòng ở kiểu này thường có diện tích rất hẹp, dành cho cán bộ công nhân thời kỳ trước. Được xây dựng từ lâu, khoảng những năm 60 thế kỷ trước, nhiều khu nhà đang xuống cấp trầm trọng. Cư dân sống ở đây gọi đó là cuộc sống “ổ chuột”.
Ngủ chia “lô”, ăn cơm chia ca...
Cơi nới không gian để làm rộng những căn phòng 16m2 tại khu tập thể Công ty dệt kim Đông Xuân - ảnh: Trần Đan |
Khu nhà dành cho những cán bộ, công nhân của Công ty dệt kim Đông Xuân ở P.Đồng Nhân (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị nhiều người gọi là nơi để “hành xác”. Nguyên do, cuộc sống của người dân ở đây ngột ngạt, tù túng và cực khổ. Ngay giữa ban ngày, hành lang dẫn vào khu nhà tối om om. Mới 3 giờ chiều, nhà nhà đã bật điện sáng trưng như 9-10 giờ tối. Ánh sáng và khí trời là những thứ xa xỉ ở đây. Ban ngày, chỗ duy nhất có ánh sáng tự nhiên là những khung cửa bê tông hình mắt cáo ở cầu thang. Hai lối hành lang tầng 2, san sát bếp than tổ ong, là căn bếp của các hộ gia đình.
Lò dò mãi mới tìm được đường đến được căn phòng của bà Phạm Thị Kim Yến (phòng 207, gác 2, nhà B), nghe những câu chuyện về cuộc sống ở đây chúng tôi mới thấy hết cái khổ ở nhà “hộp diêm”. Mỗi căn phòng có diện tích 16m2. Tuy vậy, có rất nhiều hộ gia đình, 3 - 4 thế hệ cùng chung sống. Sát nhà bà Yến là nhà ông bà Hương Hạ. Bà Hương có 4 người con trai thì có đến 3 người hiện tại vẫn ở chung nhà cùng bố mẹ. Căn phòng 16m2 cùng 12m2 cơi nới thêm này chứa tất thảy 4 cặp vợ chồng: 1 cặp già, 3 cặp trẻ và 5 đứa trẻ con, tổng cộng 13 người. Mỗi gia đình nhỏ nhận 1 “ô” trên nền nhà làm nơi ngủ. “Rido vải thay cho tường ngăn và cửa. Buổi tối ngủ nằm chéo đầu đuôi. Lắm hôm không biết ngủ thế nào, sáng ra, thấy con mình lăn sang ô nhà ông anh thứ hai. Còn vợ mình lăn sang nằm cạnh bà nội”, anh Nguyễn Hùng Dũng (con trai thứ 2 của ông bà Hương Hạ) chua chát nói. Nhà chung, nhưng mỗi gia đình nhỏ lại ăn riêng. Có mỗi khoảng không gian giữa nhà làm chỗ ăn cơm nên mọi người nghĩ ra cách ăn cơm theo… ca. “Bố mẹ ăn trước nhất. Sau đó thì 3 cặp vợ chồng trẻ và con cái, nhà nào xong trước thì ăn trước, và tuần tự, hết 4 mâm cơm thì thôi”, chị vợ anh Dũng vừa ép nước mía dưới chân khu nhà, cho hay.
Rido vải thay cho tường ngăn và cửa. Buổi tối ngủ nằm chéo đầu đuôi. Lắm hôm không biết ngủ thế nào, sáng ra, thấy con mình lăn sang ô nhà ông anh thứ hai. Còn vợ mình lăn sang nằm cạnh bà nội
|
|
Một cư dân ở khu tập thể Công ty dệt kim Đông Xuân (P.Đồng Nhân, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) |
Khu tập thể Nguyễn Công Trứ (P.Phố Huế, Q.Hai Bà Trưng) thì có tất thảy 14 dãy nhà. Điểm chung nhất của 14 dãy nhà là nhếch nhác và xiêu vẹo. Dãy nhà có 4 tầng. Mỗi tầng là một hành lang rộng chừng hơn 1m được chia thành 2 nhánh: 1 nhánh là phòng ở, 1 nhánh là khu phụ gồm bếp, nhà tắm và nhà vệ sinh. Diện tích phòng ở đây là 24m2, còn khu phụ là 7m2.
Cô Nguyễn Thúy Hiền (phòng 131B2) cho hay, cô là một trong những cư dân lâu đời nhất ở đây. Căn phòng rộng 24m2 này là của bố mẹ cô Hiền. Nhưng hiện tại, có tất thảy 3 thế hệ, với 7 nhân khẩu đang ngày ngày chen nhau sống. Nhà hẹp, tận dụng khoét tường, cơi nới hành lang cũng chỉ đủ chỗ kê 2 cái giường. Một cho vợ chồng người em trai, một cho bố mẹ. Còn cô Hiền và đứa cháu phải ngủ dưới sàn nhà.
“Trước còn có vợ chồng con cái ông anh cả. 11 người chui rúc trong cái phòng chật hẹp nhiều lúc tưởng chết ngạt. Giờ anh chị ra riêng nên đỡ hơn nhiều”, cô Hiền tiếp chuyện chúng tôi. “Bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh là 1 nên vô cùng bất tiện. Rất nhiều lần, đang nấu ăn, phải bỏ ra ngoài để cho mọi người trong nhà đi vệ sinh. Đây cũng là lý do, một ngày, nhà tôi chỉ ăn 1 bữa cơm tối, vào lúc hơn 4 giờ chiều. Sáng và trưa, mọi người ăn linh tinh: phở, miến hoặc mì”, cô Hiền nói.
Đừng để cái khổ tái diễn
Ở khu tập thể, hành lang tối tăm và ẩm thấp được tận dụng làm bếp. Không thể nhìn rõ mặt người lúc 4 giờ chiều - ảnh: Trần Đan |
Theo lý thuyết, không gian sống tối thiểu cho một hộ gia đình được tính theo công thức: số phòng = số thành viên + 1. Nghĩa là, nếu 1 gia đình có 4 thành viên, ít nhất phải có 5 phòng. Nhưng thực tế, tại VN hiện nay rất hiếm gia đình có một không gian sống lý tưởng như thế. Chưa kể, nếu đánh giá một cách công bằng nhất, không gian sống hay diện tích trung bình trên đầu người của cư dân trong các khu tập thể nói trên là kết quả vô cùng đáng buồn.
Bà Khanh - nguyên là công nhân Công ty dệt kim Đông Xuân hiện đang sống ở tầng 1 khu tập thể dệt kim Đông Xuân kể lại, 40 năm trước, mỗi căn phòng 16m2 là tiêu chuẩn được phân cho các cán bộ, công nhân công ty. Theo đó, chỉ được ở tối đa 1 - 3 người/phòng. Tuy nhiên, 40 năm sau (tức hiện tại), tất cả các gia đình tại đây đều có từ 3 - 4 thế hệ cùng chung sống. Không gian chật hẹp, mất vệ sinh khiến cho cư dân như sống trong cảnh địa ngục. “Chúng tôi sẵn sàng di dời đi nơi khác nếu Nhà nước có chủ trương phá bỏ các khu nhà tập thể ổ chuột này để xây dựng lại, tái định cư. Nhưng đợi mãi, mà có thấy gì đâu”, bà Khanh rơm rớm nước mắt, nói.
Bày tỏ quan điểm trước ý tưởng xây những căn nhà “hộp diêm” 20m2 gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua, rất nhiều cư dân sống tại đây phản đối gay gắt. Anh Thao ngụ tại khu tập thể Nguyễn Công Trứ, nói: “Nếu bây giờ cho xây những căn nhà như thế, liệu ai đảm bảo 40 năm nữa, chính những căn nhà đó không là cái bóng của nơi mà chúng tôi đang sống khổ sống sở đây”. Còn cô Hiền ngụ tại dãy nhà B1 thì quả quyết: “Làm gì thì làm, nhưng đừng để cái khổ lại tái diễn. Hà Nội có những căn nhà ổ chuột như thế này là quá lắm rồi”.
Ai dám khẳng định 1-2 người ở? Quang Duẩn (ghi) |
Trần Đan - Lê Quân
Bình luận (0)