Trần Trương kể chuyện Xuân Diệu, Huy Cận

01/06/2010 10:34 GMT+7

(TNTT>) Trong các chuyến đi công tác dã ngoại với cơ quan Hội Nhà văn VN, tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh nhà thơ Trần Trương (trong Ban biên tập tạp chí Thơ) kể lại những câu chuyện đời thường sinh động, hài hước đến tức cười về các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của nước ta.

Biết nhiều chuyện đến thế là do những năm 70-80 trước đây, ông Trương công tác ở Ban tuyên truyền của Tổng cục Lâm nghiệp rồi chuyển sang Bộ Văn hóa - Thông tin, nên đã có nhiều dịp tiếp xúc với các bậc “cây cao bóng cả” trong làng văn. Nhà thơ Trần Trương có trí nhớ khá tuyệt vời và cái “kênh” ký ức của ông chỉ toàn nạp những chuyện hài hước thi vị.

Trong một lần hàn huyên, ông Trương kể chuyện về nhà thơ Huy Cận cho chúng tôi nghe. Lúc đó, ông Huy Cận đang là Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Trong một lần đi công tác vào tỉnh Quảng Bình, trên xe có thứ trưởng Cận, một ông cục trưởng, Trần Trương và lái xe. Lúc đoàn ra về, văn phòng tỉnh có biếu 4 chai nước mắm ngon (những năm 70, nước mắm ở miền Bắc là loại hàng đặc biệt hiếm và quý). Trần Trương cẩn thận để 4 chai nước mắm lên đầu xe, dưới ngay chân thứ trưởng đang ngồi. Chẳng hiểu loay hoay thế nào, một lúc sau, nhà thơ Huy Cận vô ý đạp vỡ ngay một chai. Ông Cận phán ngay một câu xanh rờn “Thôi chết, thế là vỡ mất chai nước mắm của Trần Trương rồi!”. Trần Trương cười nói: “Em có ghi tên ai vào 4 chai nước mắm ấy đâu mà thủ trưởng lại đọc ngay tên em thế ạ?”. Thứ trưởng Cận bảo: “Cứ biết như thế, cái chai vỡ là chai của cậu, rõ chưa!”. Tuy thắc mắc như vậy, nhưng ông Trương vẫn phải bấm bụng nói: “Thủ trưởng tinh thật, cái chai vỡ ấy đúng là chai của em thật rồi”.

Sau sự cố trên, nhìn thấy nét mặt của Trần Trương vẫn còn có vẻ ngẩn ngơ chưa chịu thông suốt, nhà thơ Huy Cận bảo: “Cậu vẫn còn tiếc chai nước mắm ấy à! Chuyến đi này, cậu chỉ có lãi chứ không bị lỗ. Lãi là vì cậu đang tập làm thơ, lại được đi công tác với tôi, được tôi kể cho nghe những câu chuyện về thơ suốt dọc đường, được mở mang đầu óc, thế thì cậu có sướng không? Ví dụ như việc đất nước ta bị chia đôi thành hai miền Nam - Bắc vào năm 1954  đã được cụ Nguyễn Du tiên đoán, dự báo trước trong câu thơ thứ 1954 của cuốn truyện Kiều cách đây mấy trăm năm là: “Cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai”, như vậy câu thơ ấy đã báo trước chuyện nước mình sẽ bị cắt làm hai vào năm 1954 đấy! Cậu thấy chưa, vậy là tôi đã cho hẳn cậu một kiến thức văn chương lớn, nó có giá trị bằng mấy cái chai nước mắm vừa vỡ ấy chứ!”. Và trong chuyến đi ấy, nhà thơ Huy Cận đã giảng dạy khá tận tình về những kiến thức cần thiết cho công việc làm thơ mà ông Trương cho rằng rất quý giá đối với đời thơ của ông.

Về nhà thơ Xuân Diệu, ông Trần Trương cũng có khá nhiều kỷ niệm. Trong đám cưới của Trần Trương, nhà thơ Xuân Diệu nói riêng với chú rể: “Tớ quý cậu lắm, tớ sẽ tặng hai vợ chồng cậu thứ gì đấy nhỏ mà rất đẹp. Thứ nhất, tặng cậu chiếc bật lửa “con bướm” nhỏ xinh này để cậu luôn giữ được “lửa ấm” của tình yêu.Thứ hai, tặng vợ cậu lọ nước hoa nhỏ xíu này để cô ấy luôn giữ được “hương thơm” của tình yêu. Vậy là đám cưới của cậu sẽ có đủ cả hương thơm và lửa ấm hạnh phúc!”. Hai món quà ý nghĩa này của Xuân Diệu làm Trần Trương còn xúc động mãi đến tận giờ.

Trong cuộc thi Truyện ký và Thơ về đề tài lâm nghiệp những năm 70 do Hội Nhà văn VN phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức, chủ khảo cuộc thi là các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng: Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Quang Dũng, Hoàng Trung Thông… Lúc ấy, ông Trần Trương đang công tác ở ban Tuyên truyền của Tổng cục Lâm nghiệp nên được làm một thành viên của Ban tổ chức cuộc thi này. Ông Xuân Diệu chấm các bài thơ vào giải và nhận xét: “Bài thơ Hương gỗ của Vũ Quần Phương rất hay, tôi có thể trao giải nhất hoặc giải nhì cuộc thi này, nhưng vì anh này viết thơ “có nghề” quá, viết “thợ” quá nên tôi chỉ để giải ba. Còn cậu Trần Trương có bài thơ Sông Mã 4 câu “Sông Mã lồng lên như sức ngựa/Vít sào đẩy núi lại sau lưng/Bè đi mang nặng tình sơn cước/Đã thấy mầm xanh ủ bóng rừng”, bài thơ này chỉ đáng giải khuyến khích thôi. Nhưng vì anh Trương là một cán bộ mẫn cán trong ban tổ chức, nhiều vất vả khi đưa anh em nhà văn đi thực tế sáng tác, nên tôi chiếu cố cho lên giải ba, bằng với anh Phương”. Nghe nhà thơ Xuân Diệu phán thế, Trần Trương cười sung sướng như bắt được vàng.

Nguyễn Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.