Xuất viện với quả tim nhân tạo

02/06/2010 20:47 GMT+7

Charles Okeke - 43 tuổi, có 3 con, đang sinh sống tại Phoenix, Arizona, Mỹ - trở thành người đầu tiên trên thế giới có thể xuất viện, trở về nhà với quả tim nhân tạo trong lồng ngực để chờ ngày nhận được một quả tim hiến tặng.

Tim nhân tạo chính thức được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ chính thức cho phép cấy ghép vào cơ thể người năm 2004. Từ đó đến nay, trên toàn thế giới có chừng 850 người được cấy ghép. Thiết bị này sử dụng buồng bơm tổng hợp để thay thế cho tâm thất trái và phải của bệnh nhân.

Những bệnh nhân bị hỏng cả tâm thất trái và phải thì cơ hội sống sót không cao, do vậy cần cấy ghép tim nhân tạo để chờ nhận được trái tim hiến tặng. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi khá lâu (bình quân là hai năm rưỡi) và trong thời gian đó bệnh nhân phải nằm tại bệnh viện.

Tim nhân tạo sản xuất bởi SynCardia System (Tucson, Arizona) bao gồm một tâm thất nhân tạo trông như chiếc phễu lộn ngược và một màng lọc linh hoạt. Bác sĩ phẫu thuật sẽ thay thế tâm thất bằng thiết bị nhân tạo này và loại bỏ bốn van tim. Kế tiếp là “treo” thiết bị vào hệ thống tim mạch. Tâm thất nhân tạo bên phải sẽ nhận máu rồi bơm nó vào phổi để máu được ô-xy hóa. Tâm thất nhân tạo bên trái sẽ bơm máu giàu ô-xy đến các phần còn lại của cơ thể.

Để hoạt động tốt thì hệ thống tim nhân tạo cổ điển cần áp lực được tạo từ cỗ máy bên ngoài bệnh nhân có tên gọi Big Blue. Máy này có kích cỡ cồng kềnh (nặng đến 190 kg), đó là lý do vì sao bệnh nhân buộc phải nằm tại bệnh viện. Trường hợp của Charles Okeke thì khác vì phiên bản máy Big Blue có tên gọi Freedom Driver chỉ nặng có 6,1 kg, nhỏ gọn vừa với một chiếc ba lô.

Để có thể tồn tại khi đã trở về nhà thì Okeke phải luôn mang chiếc ba lô trên người toàn thời gian. Trái tim của Okeke đã bị hỏng vì một cục máu đông, ông đã được ghép tim 10 năm trước cho đến khi cơ thể không chấp nhận trái tim được hiến tặng đó nữa. Okeke đã phải nhập viện và trải qua 600 ngày ở Mayo Clinic trước khi được về nhà với Freedom Driver.

Theo trang mạng Physorg thì hãng SynCardia System đã lên kế hoạch để sử dụng Freedom Driver cho 60 bệnh nhân khác. Một nửa trong số đó sẽ được cho về nhà, nửa còn lại tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện để rút ra những kinh nghiệm cho các trường hợp khác.

Tạ Xuân Quan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.