“Tìm tôi có việc gì không?”, ông trưởng xóm hỏi khi rót nước pha trà mời khách. “Bác chẳng biết tỏng đi rồi. Em tận bên Bắc Giang mà sang đây tìm gặp bác thì còn có chuyện gì ngoài chuyện đó nữa”, tôi đáp. “Mua quặng sắt chứ gì. Dạo này làm căng lắm. Mình thì không làm. Nhưng máu thì vẫn làm được mà. Để mình gọi bọn thằng T., cháu mình nó làm cho”, vừa nói ông trưởng xóm vừa rút điện thoại gọi cháu, nói bằng tiếng Sán Dìu.
La liệt những bao tải...
Một lúc sau cháu trai tên T. của ông H. xuất hiện. T. nhìn chằm chằm vào tôi rồi tuôn ra một tràng: “Trước có chạy quặng nhưng giờ công an làm căng lắm nên bỏ thôi. Cả cái xóm này cũng chẳng còn ai buôn bán quặng gì nữa”. Dứt lời T. lập tức quay qua nói chuyện cùng chú bằng tiếng Sán Dìu. Không biết nội dung câu chuyện họ nói những gì, nhưng qua vẻ mặt căng thẳng của T., qua những cái tên như N., B... tôi biết T. đang không bằng lòng với ông chú mình.
Rời khỏi nhà ông trưởng xóm, tôi hỏi đường tới nhà người có tên N. Trên đường dẫn vào khu vực nhà N., nằm khuất sau mấy cái lò gạch là la liệt những bao tải toàn quặng viên to cỡ chén ăn cơm. Chưa hết, đi sâu vào mãi phía trong, từng bãi quặng vỉa không hề kẹp đá, quặng mồ côi (loại quặng tốt nhất, có hàm lượng sắt lên tới 70% sắt) đánh đống to như chiếc giường đôi... lần lượt hiện ra trước mắt tôi.
Không rào trước đón sau, N. chỉ hỏi độc câu: “Thế trả được bao nhiêu, ở trong xóm đã có người trả quặng tôi giá 400.000 đồng/m3. Nhưng tôi không bán”. Sau khi biết tôi chấp nhận cân gần chục khối quặng (mỗi khối quặng nặng tương đương 2,5 tấn) trong vườn nhà N. với giá 700.000 đồng/m3 và còn thuê N. làm chân rết thu mua lại toàn bộ lượng quặng mà người dân trong xóm kiếm được, thì câu chuyện giữa tôi và người đàn ông dân tộc Sán Dìu này đã cởi mở hơn rất nhiều.
Quặng lậu sau khi được thu mua tại nhiều khu vực như thị trấn Trại Cau, Kim Cương, Cây Thị, Hợp Tiến, xã Nam Hòa... thuộc địa bàn H.Đồng Hỷ (Thái Nguyên) sẽ an toàn vượt chốt kiểm tra liên ngành Hợp Tiến để sang đất Bắc Giang. Tại đây, các đầu nậu cho quân tiến hành phân loại, đóng bao, rồi vận chuyển ngược lên Lạng Sơn bằng ô tô. Tại một điểm tập kết ở khu vực giáp biên giới Trung Quốc, quặng sắt lại được chia nhỏ ra trước khi thuê người vác vượt biên giới bán cho các đầu nậu đã trực sẵn bên kia. |
Qua mặt “chốt quặng”
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau một thời gian dài để xảy ra tình trạng khai thác, mua bán quặng trái phép, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành lập nhiều chốt kiểm tra liên ngành. Trong số các chốt này, chốt Hợp Tiến nằm trên địa bàn xã Hợp Tiến, H.Đồng Hỷ được coi như một điểm nóng. Thông thường mỗi ca làm việc tại chốt này có tới 5 nhân viên liên ngành ứng trực.
Tuy nhiên, sau nhiều ngày thâm nhập và khảo sát bên vùng đất Bắc Giang, chúng tôi nhận thấy chỉ cách chốt Hợp Tiến không xa - về phía đất Bắc Giang, xuất hiện nhiều điểm thu mua quặng lậu, và tất nhiên số quặng sắt này đều có nguồn gốc từ vùng đất Đồng Hỷ. Một câu hỏi đặt ra, các chốt liên ngành làm việc ngày đêm thì liệu có cách gì để tuồn được một lượng lớn quặng lậu? Câu trả lời chỉ đến khi chúng tôi gặp được Tứ - một tay chuyên đánh quặng lậu qua đất Bắc Giang nhưng nay đã giải nghệ và Tứ giới thiệu một đầu nậu chuyên đánh quặng khác tên là C. (nhà đều ở xóm Suối Khách, xã Hợp Tiến). Còn lý do Tứ từ bỏ nghề chở quặng lậu vì bị chính cái xe “cõng” ngót 4 tấn quặng khi đổ đã đè, làm gãy chân Tứ.
Lần này tôi sắm vai một đứa cháu đi móc nối tuồn quặng qua chốt bán lấy tiền nuôi chú đi viện để tới gặp C. Gặp tôi, C. cười ruồi: “Gớm quá. Cánh bên ấy có quặng thì cũng cho bên này hưởng tí vỉa với chứ. Chắc lại định đào tận vườn, bán tận ngọn chứ gì. Nhưng dạo này chốt chặt quá, quặng không ra được khỏi vườn nên mới tìm tới đám bên này đúng không. Thôi thế này cho nhanh, anh sẽ cho xe tới tận cổng nhà để cân quặng. Mỗi tấn quặng tốt anh trả cho các chú 300.000 đồng. Đồng ý thì tối mai anh cho quân sang bốc”.
Khi tôi hỏi đi đường nào thì C. không ngần ngại tiết lộ, đó là con đường mòn nằm sát cạnh đường tàu hỏa ở tận trong núi. Con đường này nằm song song nhưng cách 1 km với tuyến đường nhựa liên tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang mà lực lượng liên ngành cắm chốt Hợp Tiến. Thời gian mà đội quận chở quặng lậu hoạt động là từ 11 giờ đêm hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau.
“Ngày trước chạy đường nhựa, bằng thì còn có thể dùng xe Minsk. Giờ đi đường nhỏ lại gồ ghề lắm đá hộc, hay cua gấp mà như thế dùng Minsk rất hay bị ngã”, C. lý giải cho việc đội quân chở lậu thuê cho C. lên tới 20 người mà người nào người ấy đều dùng xe Wave làm phương tiện chạy quặng đêm. C. cho biết, thông thường mỗi chuyến một chiếc Wave tải 3 bao quặng, mỗi bao nặng chừng 1,5 tạ và một đêm, tính trung bình mỗi đầu xe của C. cũng chuyển được 4 - 5 tấn.
Trả lời Thanh Niên, ông Mạc Đăng Niên, Giám đốc mỏ sắt Trại Cau, cho biết, các điểm mỏ như Kim Cương, khu vực thị trấn Trại Cau cùng các xã Nam Hòa, Cây Thị, Hợp Tiến đều có trữ lượng quặng lớn. Riêng điểm mỏ Kim Cương trữ lượng quặng sắt ước tính lên tới trên 9 vạn tấn. Hiện tại mỏ cùng liên ngành thành lập nhiều chốt để ngăn chặn các đối tượng khai thác, vận chuyển quặng trái phép. Chỉ tính trong hai tháng đầu ra quân đã thu giữ tới 50 tấn quặng. Tuy nhiên theo ông Niên, tại các điểm như Kim Cương, Trại Cau trữ lượng quặng nổi nhiều, như thế để kiểm soát được việc người dân đào bới ngay trong đất nhà họ thì rất khó...
Minh Sang
Bình luận (0)