Trẻ bị giun sán quá nhiều sẽ nguy hiểm

04/06/2010 11:15 GMT+7

(TNTT>) Hiện rất nhiều người Việt Nam bị nhiễm giun nhưng hầu hết đều coi thường và không tẩy giun định kỳ. Đó là lý do khiến giun sán có cơ hội gây hại sức khỏe, dẫn tới phát sinh nhiều bệnh tật nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em.

Theo thống kê của Viện sốt rét - ký sinh trùng- côn trùng T.Ư, cả nước có trên 60 triệu người nhiễm giun. Ước chừng cứ 10 người thì 7-8 người bị giun sán. Thói quen ăn uống rau thủy sinh, gỏi cá, nem chua, thịt bò tái, các món chạo… khiến nhiều người nhiễm sán lá gan lớn. Điều đặc biệt, sán lá gan lớn rất khó phát hiện, đã có trường hợp bị cắt nhầm mật, hoặc gan.

Nhiễm giun làm mất máu

Chị Trần Thị Q. (Ba Vì, Hà Nội) bị nhiễm sán lá gan lớn. Chị cho biết sau thời gian dài đau bụng, da mặt ngày một vàng hơn, đi khám từ bệnh viện tuyến huyện đến trung ương, ở đâu chị cũng được bác sĩ chẩn đoán là bị u gan. Chỉ đến khi đến Viện sốt rét- ký sinh trùng- côn trùng T.Ư chị mới được phát hiện và điều trị đúng bệnh.

TS Đặng Thị Cẩm Thạch, Trưởng phòng Ký sinh trùng (Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư) cho biết ngoài sán lá gan, ở nhiều tỉnh thành, hàng chục triệu người Việt Nam cũng đang mang trong bụng mình nhiều loại giun khác nhau... Nếu tính theo từng loại giun sán thì toàn quốc có trên 60 triệu người nhiễm giun đũa, 40 triệu người nhiễm giun tóc, 20 triệu người nhiễm giun móc. Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm hơn cả và trẻ thường bị nhiễm nhiều loại giun cùng một lúc.

Trẻ em bị nhiễm giun sẽ bị rối loạn tiêu hóa làm cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng, mặt khác lại còn phải chia bớt thức ăn cho "những vị khách không mời" này nên trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, sức đề kháng kém vì thế dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ có biểu hiện kém ăn, gầy ốm, xanh xao, bụng ỏng, hay đau bụng vùng quanh rốn, buồn nôn, có khi nôn ra thức ăn, nôn ra cả giun. Bị nhiễm giun đũa quá nhiều có thể gây tắc ruột, hoại tử ruột, giun chui lên đường mật gây viêm nhiễm đường mật, chảy máu đường mật, áp-xe gan, và viêm tụy. Những biến chứng này nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm tới tính mạng của trẻ. Giun móc, giun tóc làm cơ thể mất máu nhanh chóng.

Mỗi ngày một con giun móc có thể hút từ 0,015-0,2ml máu và nếu bị nhiễm hàng trăm con sẽ làm cơ thể mất máu nhanh chóng dẫn đến tình trạng thiếu máu, cơ thể suy sụp, thậm chí tử vong nếu không được điều trị cấp cứu và truyền máu kịp thời. Nếu trẻ bị nhiễm cả 3 loại giun trên, hậu quả mất chất dinh dưỡng, mất máu còn nghiêm trọng hơn nữa, cơ thể suy sụp nhanh chóng.

Cần tẩy giun định kỳ

BS. Nguyễn Thị Thúy (Khoa xử lý dịch - sốt rét, ký sinh trùng - côn trùng, TTYT dự phòng Hà Nội) khuyến cáo: Không nên ăn sống các loại rau thủy sinh như: rau cần, cải xoong…, không uống nước lã. Đối với trẻ em, để tránh nhiễm giun sán nên cho trẻ rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi đại tiểu tiện. Thường xuyên cắt móng tay chân, nên đi giày dép và tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần. Thường xuyên tổng vệ sinh môi trường nhằm tiêu diệt trứng và ấu trùng giun trong giai đoạn phát triển ở ngoại cảnh nhằm ngăn ngừa khả năng tái nhiễm của giun qua đường ruột vào cơ thể. Khi có nghi ngờ bị nhiễm giun sán cần phải đến bệnh viện khám, tư vấn và điều trị.

Châu Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.