Bàn về "sống thử"

05/06/2010 09:21 GMT+7

(TNTT>) Các bà mẹ thường nói với con gái những câu đại loại như “Anh ta sẽ không mua con bò nếu đã được uống sữa miễn phí” vào thời mà việc sống chung trước hôn nhân bị xem là tội lỗi và dại dột.

Ngày nay, chuyện sống thử đã trở nên phổ biến hơn. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi 25 đến 44 ở Mỹ sống chung với đàn ông trước hôn nhân là 61%, và tỷ lệ tương ứng ở đàn ông cùng độ tuổi là 63%. Điều gì đang xảy ra với những người “bạn cùng phòng thân mật” này? Liệu việc sống thử có dẫn đến hôn nhân hay không? Và nếu có, liệu những cuộc hôn phối đó có kéo dài hay không?

Hãy xem báo cáo mới nhất của Trung tâm Thống kê y tế quốc gia Mỹ, dựa trên cuộc khảo sát về tăng trưởng gia đình quốc gia được tiến hành hồi năm 2002. Cuộc nghiên cứu trên 13.000 đàn ông và phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44, ghi nhận rằng 71% đàn ông sống chung với vợ tương lai trước khi kết hôn có thể duy trì gia đình của họ đến dịp kỷ niệm ngày cưới thứ 10. Đối với đàn ông không sống chung trước khi kết hôn, tỷ lệ này thấp hơn một chút, 69%. Ở phụ nữ, tỷ lệ chênh lệch thấp hơn. 65% phụ nữ sống thử chịu được thử thách của thời gian, so với 66% ở những phụ nữ “sống thật”, tức chỉ sống chung sau khi kết hôn.

Trong khi đó, khả năng một cặp vợ chồng sống chung mà không kết hôn duy trì được gia đình của họ trong 10 năm sau đó là 55%. Dù không cao, nhưng kết quả này cho thấy việc sống chung trước hôn nhân không hẳn là tác nhân gây thảm họa. Chuyên gia thống kê Bill Mosher của Mỹ  thừa nhận vẫn có sự khác biệt giữa những người sống thử và sống thật, nhưng khác biệt đó không lớn. Kết quả nghiên cứu cho thấy chính những cặp tình nhân chịu đầu hàng trước sự bức bách của “sáp nhập” mà không có một tầm nhìn xác đáng về tương lai mới dễ ly dị.

Còn theo ông Scott Stanley, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hôn nhân và gia đình thuộc Đại học Denver, mức độ cam kết khi sống chung quan trọng hơn tờ hôn thú. Ông Stanley đã nghiên cứu vấn đề sống thử trong 15 năm và nhận thấy có hàng tá lý do cho việc sống chung trước hôn nhân, từ thực tế (chẳng hạn như đến hạn đóng tiền thuê nhà), đến tình cảm (ý muốn thử nghiệm mối quan hệ giữa 2 người). Nhưng một khi 2 cuộc sống gắn kết với nhau bởi vấn đề cơm áo gạo tiền, việc đi đến hôn nhân dường như ít bị chống đối nhất. Ông Stanley nhấn mạnh nhiều cặp tình nhân vẫn sống chung (và cuối cùng kết hôn) đơn giản bởi vì điều đó ít phức tạp hơn việc gỡ rối cho cuộc đời riêng. Nhưng điều đó thường không được diễn dịch thành mối quan hệ hạnh phúc về lâu dài.

Nghiên cứu cũng cho thấy những yếu tố khác có vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa việc sống thử và hôn nhân. Chẳng hạn, khi cả hai đều có bằng đại học, việc sống chung trước hôn nhân có vẻ không có tác động gì lên tỷ lệ ly dị. Tuổi tác cũng vậy. Teen và những bạn trẻ ở độ tuổi 20 ít chịu ở lâu trong đời sống hôn nhân hơn những cặp lớn tuổi hơn, bất kể chúng có sống chung trước khi kết hôn hay không.

Việc sống thử là đề tài của nhiều cuộc nghiên cứu và kết quả cũng rất khác nhau. Trước báo cáo của Trung tâm Thống kê y tế quốc gia Mỹ, một cuộc nghiên cứu trên 1.000 người trong độ tuổi từ 18-34 do Đại học Denver công bố hồi tháng 2.2009 cho thấy việc sống chung trước hôn nhân dễ dẫn đến ly dị. Nhóm nghiên cứu ghi nhận 19% người sống thử từng đưa ra đề nghị ly dị sau khi chính thức kết hôn, so với 12% người sống chung sau khi đính hôn và 10% sống chung sau khi kết hôn.

Theo các chuyên gia Mỹ, sống thử có thể là khúc dạo đầu cho một cuộc phối ngẫu bền lâu và hạnh phúc nếu các “đương sự” bảo đảm được rằng cả hai quyết tâm vượt qua những khó khăn của cuộc đời. Nếu không có cam kết này, lẽ dĩ nhiên việc sống thử sẽ dễ dẫn đến “đôi ngả chia ly”. Thế nên, suy cho cùng, sống thật vẫn “có giá” và bền vững hơn sống thử, đó là điều chắc chắn và không thể bàn cãi.

Quan niệm về sống thử:

* Võ Thị Hồng Ngọc (Trưởng phòng marketing Công ty Quả Táo Đỏ)

Thực chất vấn đề sống thử hiện nay không còn quá gay gắt như lúc trước nữa. Nếu trước đây, chưa kết hôn mà đã sống trước với nhau sẽ bị mọi người xem như một “tội đồ” bị suy thoái về đạo đức, nhân phẩm, khiến gia đình và xã hội không thể chấp nhận được. Nhưng ngày nay thì khác. Không hẳn sống trước hôn nhân là xấu và cứ theo thuần phong mỹ tục cưới rồi mới sống cùng nhau là tốt. Nói như vậy không phải tôi ủng hộ việc sống trước hôn nhân, mà việc hai người có thực sự yêu nhau hay không. Nên vấn đề sống trước hôn nhân tôi cũng không quá khắt khe. Nhưng theo truyền thống của người Việt Nam, vấn đề này vẫn chưa được chấp nhận, các cặp trai gái yêu nhau nên giữ gìn cho nhau để có được những giây phút thiêng liêng của ngày tân hôn.

* Trần Bá Minh Hải (doanh nhân)

Sống thử trước hôn nhân trong thời buổi hiện nay cũng mang lại ác cảm đối với nhiều người. Nhưng riêng bản thân tôi thấy rằng việc sống thử này tốt hay xấu còn do cách sống của họ, có những người sống tích cực nhưng cũng có những người sống theo kiểu tiêu cực. Có thể việc sống thử mang lại hạnh phúc cho 2 người khi họ hiểu rõ về nhau trước hôn nhân, nhưng cũng có thể việc sống thử này tạo nên một sự gắn kết không mong muốn giữa 2 người như việc có thai trước hôn nhân chẳng hạn.

* Hoàng Thu Hằng (27 tuổi, nhân viên Công ty truyền thông Việt Nam)

Sống thử cũng là một cách hòa hợp, để xem mình có khả năng làm vợ, làm mẹ, chăm lo cho cuộc sống gia đình hay không. Đấy là một cách nghĩ rất thực dụng nhưng cần thiết cho mọi người. Nếu cần, tôi sẵn sàng sống thử. Tôi biết có rất nhiều người có suy nghĩ giống mình, muốn sống thử nhưng lại không dám nói ra, không dám nhận.

Nếu chồng tôi có sống thử với người khác trước khi lấy tôi, tôi không quan tâm. Chỉ cần sau khi lấy nhau, chồng tôi chung thủy với tôi và chăm lo cho gia đình là được

Yên Minh-Trùng Quang (ghi)

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.