Chân dung những kẻ mới nổi
Từ Lập, 22 tuổi, đang là sinh viên đại học, mỗi năm đều đặn đi du lịch Singapore 3 lần, mỗi lần cô “nướng” chừng 15.000 SGD (hơn 200 triệu đồng) cho riêng việc mua sắm. Nhãn hiệu mà cô ưa chuộng? Armani, Louis Vuitton, Burberry! Nơi lưu trú? Phòng suite tại khách sạn 5 sao Fullerton! Báo Straits Times của Singapore gọi Từ Lập là “đại diện cho sự thay đổi của bộ mặt du khách Trung Quốc (TQ) ngày hôm nay, những người có nhiều tiền và chẳng biết làm gì hơn là tiêu xài, tiêu xài và tiêu xài”.
Theo thống kê của Cơ quan Du lịch Liên Hiệp Quốc, năm 2009, tổng cộng dân TQ tiêu 298 tỉ nhân dân tệ (824.000 tỉ đồng) trong các chuyến du lịch. Con số đó giúp họ đánh bại người Pháp, giành lấy vị trí thứ tư thế giới, sau người Đức, Mỹ và Anh. Riêng ở đảo quốc nhỏ bé Singapore, 937.000 du khách TQ đã tiêu 1,4 tỉ SGD (19.000 tỉ đồng). Tổng cục Du lịch Singapore (STB) cho hay, số du khách đó giảm 13% nhưng lượng tiền tiêu xài thì cao hơn 3% so với năm 2008.
Du khách TQ là thượng đế quen thuộc ở các shop thời trang tại Singapore - Ảnh: Thục Minh |
Eric Tsai, hướng dẫn viên du lịch, kể hồi năm 2009 có lần anh dẫn 400 khách từ thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, vào shop thời trang DFS Galleria ở khu Orchard. Những vị khách này đã “lượm” sạch sẽ những sản phẩm Louis Vuitton được trưng bày. Nhân viên bán hàng phải mang thêm hàng trong kho ra. Tổng cộng lần đó, nhóm này mua 300.000 SGD (4.110 tỉ đồng)! “Họ (du khách TQ) ngày càng giàu có và muốn mua toàn đồ xịn”, Eric nói.
Một nhân viên shop Louis Vuitton ở phố Orchard ước tính, mỗi lần ghé cửa hàng này trung bình một du khách TQ mua từ 5.000 – 6.000 SGD! Một người khác ở shop Bvlgari nói 70% du khách TQ sẽ mua ít nhất 10.000 SGD/nhóm 2-3 người. Du khách nữ thường mua các sản phẩm da và đồ trang sức, còn du khách nam thì mua đồng hồ đắt tiền.
Qua rồi thời chắt bóp
Jeffrey Q, một hướng dẫn viên du lịch khác ghi nhận, trước đây phần lớn du khách đến từ các thành phố giàu có như Bắc Kinh, Quảng Châu, nay họ đến từ khắp nơi, kể cả Nam Kinh và Cáp Nhĩ Tân. “Đã qua rồi cái thời người ta quen sống chắt bóp và giản dị. Thế hệ trẻ ngày nay bị ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây và được khuyến khích tiêu xài nhiều hơn”, ông Ngô Trương Minh, 45 tuổi, từ tỉnh Liêu Ninh nói trong lúc móc túi 4.000 SGD trả tiền những chiếc đồng hồ Omega, Tag Heuer và Bvlgari.
Ôn Hồng Hạ, 25 tuổi, và 4 cô bạn khác thì năm nào cũng sang Singapore, ở khách sạn 5 sao St. Regis, và mỗi lần mua không dưới 100.000 SGD các mặt hàng thời trang. Các cô tỉnh bơ thừa nhận: “Chúng tôi không thấy có gì phải xấu hổ về số tiền đã xài, bởi bố mẹ chúng tôi có thừa sức. Họ chả quan tâm chúng tôi xài bao nhiêu”.
Nhưng đẳng cấp thì...
Tuy nhiên, STB cho hay với mức chi tiêu như vậy, du khách TQ vẫn đứng sau du khách Indonesia, với tổng chi 2,1 tỉ SGD năm 2009. Không chỉ thua về con số, du khách TQ còn thua xa du khách Indonesia về đẳng cấp tiêu dùng lẫn văn minh ứng xử. Báo Straits Times trích lời nhân viên bán hàng Louis Vuitton nhận xét: “Du khách TQ thường ồn ào, đòi hỏi và nhiều khi rất thô lỗ, trong khi khách Indonesia nói năng nhẹ nhàng và giao tiếp thoải mái”. Cô này cũng nói thêm, người Indonesia có gu thời trang cao cấp hơn, cái mà họ tìm kiếm là hàng độc, mẫu mã đặc biệt.
Một nam nhân viên cửa hàng Hugo Boss cũng ghi nhận như vậy: “Khách Indonesia khi đi mua sắm biết mình thích gì, trong khi khách TQ thì cứ muốn xem tất cả rồi mới nhặt cái nào thấy vừa mắt”. Anh này cũng nói thêm khách Indonesia mua những món hàng đắt tiền, còn khách TQ mua thứ rẻ hơn và mua đến 10 – 20 cái một lúc.
Còn một người bán shop nữ trang Bvlgari thì nhận thấy khách TQ chỉ thích những mặt hàng làm lóa mắt người khác: “Họ thích các đồ trang sức nổi bật thể hiện sự giàu có, còn người Indonesia thì ngược lại chỉ thích những mẫu mã mới nhất, tinh tế nhất”.
Thục Minh (Văn phòng Singapore)
Bình luận (0)