Nghiệp võ
Lão võ sư Ngô Bông đã 82 tuổi, hiện sống trong ngôi nhà nhỏ ở xã Nghĩa Điền, H.Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Dù tuổi cao, sức yếu nhưng ngày ngày vẫn tập luyện, nghiên cứu và truyền dạy võ nghệ cho con cháu trong vùng. Với ông, học võ trước hết phải biết võ đạo. Bài học nhập môn mà ông truyền đạt cho các võ sinh của mình là phải biết trọng nghĩa, kính trọng bậc sư, trưởng lão, hòa nhã với mọi người. Học võ là để rèn luyện thân thể cường tráng.
Nghiệp võ của lão võ sư Ngô Bông trải qua biết bao thăng trầm. Mồ côi cha mẹ từ khi mới được 3 tháng tuổi, ông phải sống nương nhờ nhà ngoại cho đến lớn. Đây cũng là bước ngoặt để đời ông gắn chặt với nghiệp võ. Được người cậu ruột là Lê Thùy và Lê Chót truyền dạy võ nghệ, sau đó tầm sư học đạo khắp bốn phương, lão võ sư Ngô Bông đã học được không biết bao nhiêu bài võ cổ truyền nổi tiếng của dân tộc. Những bài võ ấy được ông gìn giữ, truyền dạy cho con cháu. Vì thế, nhiều người xem ông là truyền nhân, là kho tàng kinh nghiệm võ thuật, kỹ thuật võ cổ truyền VN.
Tại Đại hội Liên đoàn Võ thuật cổ truyền VN lần thứ 1 năm 1993, làng võ Việt vô cùng ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến bài Hùng Kê quyền mà Nguyễn Lữ, anh em nhà Tây Sơn mô phỏng các tư thế, các đòn tấn công, phòng thủ của 2 con gà chọi để áp dụng huấn luyện cho nghĩa quân đánh đuổi quân Thanh từ hàng trăm năm trước tưởng chừng như đã thất truyền từ lâu, giờ lại được lão võ sư Ngô Bông giới thiệu và thị phạm rất thành công. Kể từ đó, tên tuổi của ông vang danh khắp nơi. Bài Hùng Kê quyền được chọn vào danh sách 10 bài võ tiêu biểu của võ thuật cổ truyền VN. Năm 2004, tại Liên hoan Võ thuật truyền thống thế giới tổ chức tại Chungju (Hàn Quốc), một lần nữa bài Hùng Kê quyền do võ sư Ngô Bông biểu diễn đã chinh phục được 70 môn phái võ thuật trên khắp thế giới.
Truyền nhân lên phim
Lần đầu tiên nhóm phóng viên trẻ của Đài phát thanh - truyền hình Quảng Ngãi (PTQ) mới vào nghề truyền hình được vài năm, chưa qua một trường lớp đào tạo truyền hình hay điện ảnh nhưng lại “nhảy” vào làm phim tài liệu, đưa lão võ sư nổi tiếng Ngô Bông - một truyền nhân võ thuật Tây Sơn lên phim. Và phim tài liệu Đời võ của nhóm tác giả Nhật Thảo, Thanh Phong, Mẫn Đạt, gồm 3 tập, mỗi tập dài 15 phút đã bất ngờ lên ngôi tại Liên hoan Điệån ảnh - truyền hình thể thao và du lịch quốc tế FICTS Việt Nam lần thứ V - 2010 với giải nhất dành cho thể loại phim tài liệu thể thao.
“Khi nghe Ban tổ chức thông báo phim tài liệu Đời võ đoạt giải nhất, ê-kíp làm phim đều... khóc. Đây là vinh dự quá lớn mà bọn em không hề nghĩ đến”, phóng viên Nhật Thảo thổ lộ.
Để đưa lão võ sư nổi tiếng Ngô Bông lên phim, khắc họa sinh động chân dung một đời võ - một nhân cách sống - một tinh thần thượng võ là điều không dễ dàng ngay cả những đạo diễn, quay phim có tay nghề. Do vậy, hơn 1 tháng rưỡi, cả ê-kíp làm phim trẻ của PTQ đã “ăn ngủ”, vật lộn với Đời võ.
|
Phóng viên Nhật Thảo - người viết kịch bản và đạo diễn phim đã dẫn dắt câu chuyện về cuộc đời của lão võ sư Ngô Bông khá “ngọt” với mở đầu phim là cận cảnh cuốn sách Đời người - Nghiệp võ khắc họa chân dung các cao thủ võ lâm VN đã đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển phong trào võ thuật, trong đó có lão võ sư Ngô Bông. Những trường đoạn phim được thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh với những khuôn hình, động tác máy đẹp đã gắn kết với nhau tạo cho câu chuyện lô-gích và hấp dẫn người xem.
Liên hoan Điện ảnh - truyền hình thể thao và du lịch quốc tế FICTS Việt Nam lần thứ V - 2010 diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 27 -30.5 với 92 tác phẩm từ 34 đơn vị sản xuất phim trong nước và quốc tế tham dự. Đây là kỳ liên hoan có số lượng đơn vị và số lượng phim tham dự nhiều nhất từ trước tới nay. Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức đã trao giải cho 22 tác phẩm ở 6 thể loại. |
Cảnh hai con gà chọi đang đấu với nhau để diễn tả những độc đáo của bài Hùng Kê quyền đã làm nên tên tuổi của lão võ sư Ngô Bông. Hay như hình ảnh lão võ sư Ngô Bông ngồi dưới gốc me cổ thụ tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) với lời bình khá tinh tế: “Hơn 200 năm trôi nổi, ẩn dật trong dân gian và phải hóa thân dưới những hình thức khác nhau để tránh những đòn thù từ hoàn cảnh lịch sử, võ thuật Tây Sơn đã tìm thấy ánh sáng. Ánh sáng đó phát ra từ những người đốt đuốc đi tìm. Lão võ sư Ngô Bông cũng nằm trong số đó. Ông là người cầm đuốc, nhưng chính ông cũng là một ngọn đuốc”.
Theo phóng viên Nhật Thảo, do lão võ sư Ngô Bông bị nặng tai và nhiều khi ngẫu hứng không theo kịch bản khiến đạo diễn cũng... bở hơi tai. Do vậy, phóng viên quay phim Thanh Phong và Mẫn Đạt luôn sẵn sàng camera để “chộp” những hình ảnh đắt nhất. Chính những đoạn phim nằm ngoài kịch bản, “chộp” lúc lão võ sư Ngô Bông ngẫu hứng múa võ, hát bội ngay tại nhà võ sư Phan Thọ ở Tây Sơn (Bình Định) là những hình ảnh đắt giá nhất, chân thực nhất làm người xem càng hiểu hơn niềm đam mê võ thuật của lão võ sư.
Kết thúc phim Đời võ, ê-kíp làm phim đã có một sự sáng tạo độc đáo, sử dụng cảnh ngược sáng tạo nên khuôn hình khá đẹp khi miêu tả lão võ sư Ngô Bông tập nhãn pháp mắt nhìn thẳng vào điểm mặt trời mọc, vận cường lực để hấp thụ tinh hoa của buổi ban mai từ lúc 5 giờ sáng đến khi mặt trời lên cao bằng với ngọn thương cắm bên cạnh. Hình ảnh đó cũng là thông điệp mà ê-kíp làm phim tài liệu Đời võ muốn gửi đến người xem, đó là võ thuật phải hướng đến ánh bình minh, giáo dục nhân cách thượng võ, lòng yêu nước, tôn vinh những người cả đời đã giữ gìn và phát huy võ cổ truyền dân tộc. Chính thông điệp ấy đã đưa phim tài liệu thể thao Đời võ lên bục vinh quang.
Hiển Cừ
Bình luận (0)