Ăn uống giảm áp lực thi cử

09/06/2010 17:29 GMT+7

Mùa hè là mùa của thi cử (thi hết cấp, thi chuyển cấp, thi đại học...). Tiết trời của mùa này thì nóng bức, mưa nắng thất thường. Cơ thể con người thường mệt mỏi do chán ăn, khó ngủ...

Tâm lý

Áp lực của việc thi cử dẫn đến những rối loạn tâm lý và tâm thần ở học sinh là điều có thể gặp. Biểu hiện ban đầu là mất ngủ, không muốn ăn, căng thẳng, dễ bị kích động, cáu gắt, ngang bướng, thậm chí thích gây gổ với người xung quanh. Áp lực nặng hơn, các em có biểu hiện không muốn học, lo sợ khi nhắc đến chuyện học tập, luôn bị ám ảnh mình không có khả năng học. Nặng nề hơn, trong các em thường xuất hiện những ý nghĩ tiêu cực nguy hiểm. Có trường hợp đang trong thời gian thi cử có biểu hiện loạn thần như nói năng lung tung, khóc cười vô cớ, quậy phá...

Để giúp các em học tập đạt kết quả tốt, tránh bị sức ép học tập quá nặng nề, cha mẹ cần đánh giá đúng năng lực của con cái, động viên khuyến khích các em học. Không nên tạo áp lực cho trẻ về mặt thành tích, không bắt trẻ học vì sự sĩ diện của cha mẹ.

Tác dụng của thực phẩm

Ngoài việc động viên tinh thần, áp dụng các biện pháp tâm lý, vấn đề sinh hoạt và ăn uống có tác dụng làm giảm thiểu áp lực thi cử. Cần thực hiện một số biện pháp trong ăn uống như sau:

 
Rau dền, rau muống và các loại đậu có chứa sắt - Ảnh: K.Vy

* Ăn đủ bữa: Không được bỏ bữa dù bận rộn, căng thẳng, nhất là bữa ăn sáng, bữa ăn nạp năng lượng cho cả một buổi học tập dài nhất, hiệu quả nhất trong ngày. Các em gầy yếu, hoặc mỗi lần ăn được ít thì cần ăn thêm 1-3 bữa phụ mỗi ngày, giữa các bữa ăn chính hoặc buổi tối. Ngoài việc cung cấp các chất dinh dưỡng, ăn uống còn giúp người học thi thư giãn, bớt căng thẳng hơn.

* Ăn đa dạng: Ăn nhiều loại thực phẩm (trên 20 loại mỗi ngày) để nhận đủ chất. Đặc biệt chú ý, nếu thiếu i-ốt dẫn đến trí tuệ kém sáng tạo, giảm thương số thông minh trung bình 10-20 điểm, do vậy cần ăn muối i-ốt thay muối thường. I-ốt còn có nhiều trong các loại cá biển và hải sản; thiếu chất sắt dẫn đến tình trạng thiếu máu, người mau mệt mỏi và học kém tập trung, dễ buồn ngủ. Chất sắt có nhiều trong thức ăn động vật như huyết, gan, thịt, cá... hoặc trong rau xanh như rau dền, rau muống, rau bồ ngót và các loại đậu đỗ. Các loại trái cây tươi, rau sống giàu vitamin C giúp hấp thụ tốt chất sắt; selen và kẽm cũng rất cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh, các chất vi lượng này có nhiều ở thức ăn động vật, ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ. Ngoài ra, dùng một ly sữa ấm buổi tối vừa có tác dụng dịu thần kinh vừa cung cấp thêm nhiều chất dinh dưỡng quý như chất đạm chất lượng cao, can-xi và vitamin B1... Bên cạnh đó cần có sự thư giãn, nghỉ ngơi giữa những giờ học căng thẳng.

Lương y Quốc Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.