Phiên này, thị trường chứng khoán thế giới đã đi lên một cách dễ dàng khi nhiều quốc gia từ châu Á đến châu u đưa ra những kết quả và nhận định khả quan về tăng trưởng kinh tế. Chỉ số MSCI World, đánh giá thị trường chứng khoán của 23 nước phát triển, đã tăng 2,4% trong phiên 10.6 này.
Theo báo cáo chính thức của Chính phủ Trung Quốc, xuất khẩu của quốc gia này trong tháng 5.2010 đã tăng 48,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số trên vượt qua cả kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế và được ghi nhận là mức tăng mạnh nhất trong 6 năm qua.
Cùng với đó, Nhật Bản cho biết tăng trưởng kinh tế trong quý 1/2010 của nền kinh tế số 1 châu Á đã đạt mức 5% so với cùng kỳ năm 2009; thị trường lao động tại Úc được cải thiện tháng thứ 3 liên tiếp; Ngân hàng Trung ương châu u (ECB) cũng tỏ ra lạc quan hơn khi nâng mức dự đoán tăng trưởng của các nền kinh tế thuộc khu vực đồng euro.
Số liệu thống kê của Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong tháng 5 vừa qua, nhờ kinh tế tăng trưởng tốt mà thâm hụt ngân sách của Mỹ đã thấp hơn so với dự đoán.
Phiên này, nhóm cổ phiếu năng lượng và công nghiệp dẫn đầu thị trường. Chỉ số S&P 500 Energy tăng 4,9% trong khi nhóm cổ phiếu công nghiệp tăng 3,5%. Cổ phiếu của Caterpillar, hãng sản xuất máy xúc, máy ủi lớn nhất thế giới, đã tăng 5,5%; cổ phiếu General Electric tăng 2,4%; trong khi cổ phiếu của Alcoa, đại gia ngành sản xuất nhôm tại Mỹ tăng 4,2%; cổ phiếu Cliffs Natural Resources, nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất Bắc Mỹ, đã tăng tới 8%.
Cổ phiếu của các công ty dầu khí tại Mỹ trong phiên này tăng rất mạnh. Cổ phiếu của BP tại Mỹ phục hồi với 12% tổng số điểm cộng sau khi chuyên gia của ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng tác động tiêu cực từ vụ tràn dầu trên vịnh Mexico tới giá trị cổ phiếu của đại gia này trong thời gian qua đã bị “làm quá lên”.
Kể từ khi xảy ra thảm họa trên vịnh Mexico hôm 20.4, cổ phiếu của BP tại London đã giảm tới 44%, trong khi con số này tại New York là 46%. Cổ phiếu năng lượng trên Phố Wall đã mất 15% tổng số điểm kể từ sự kiện trên.
Cổ phiếu của Exxon Mobil tăng 3,1% trong phiên này; cổ phiếu Anadarko Petroleum tăng mạnh 12%; cổ phiếu Halliburton tăng 7,4%.
Nằm trong số ít các thông tin kém vui được công bố trong phiên này, Bộ Lao động Mỹ cho biết số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại quốc gia này trong tuần trước (tính tới ngày 4.6) chỉ giảm 3.000 trường hợp, xuống còn 456.000 hồ sơ. Trước đó, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra con số dự đoán 450.000 hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp (theo khảo sát của Bloomberg News).
Tổng kết phiên ngày 10.6, chỉ số thị trường S&P 500 tăng tới 3%, đạt mức 1.086,84 điểm. Phiên này, có tới 496 trong tổng số 500 mã cổ phiếu niêm yết thuộc chỉ số này tăng giá; riêng nhóm cổ phiếu năng lượng đạt mức tăng mạnh nhất trong 14 tháng trở lại đây.
Chỉ số Dow Jones Industrial giành thêm 273,28 điểm, tương đương tăng 2,8% so với phiên trước đó, chốt phiên ở mức 10.172,53 điểm. Nasdaq Composite cũng không chịu kém cạnh khi giành thêm 2,8% tổng số điểm cộng, lên mức 2.218,71 điểm.
Tại châu u, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng nhẹ 0,92% lên thành 5.132,5 điểm; CAC 40 của Pháp tăng 2,03%, chốt phiên ngày 10.6 ở mức 3.516,64 điểm; DAX của Đức cũng tăng 1,2%, lên thành 6.056,59 điểm.
IBEX 35 của Tây Ban Nha tăng 3,72%; PSI General của Bồ Đào Nha tăng 2,35%; Athex Composite của Hy Lạp tăng nhẹ 1%. STXE 600 chung cho toàn khu vực tăng 1,6%.
Phiên giao dịch cùng ngày tại châu Á (kết thúc chiều qua, 10.6, giờ VN) ghi nhận chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,1% lên mức 9.542,65 điểm; HSI của Hồng Kông tăng khiêm tốn 0,06%, chốt phiên ở mức 19.632,7 điểm. KOSPI (Hàn Quốc) tăng 0,27%, trong khi Straits Times (Singapore) tăng 1,23%.
Riêng chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 0,82% do ảnh hưởng của hoạt động chốt lời mạnh trong phiên 9.6. Chỉ số MSCI Asia Pacific tăng 0,46% trong phiên này.
Duy Trần
(Theo Bloomberg, Reuters)
Bình luận (0)