Người ta cứ ngỡ rằng loài cá sống trong một thế giới tĩnh lặng. Nhưng, thực ra cá có khả năng nghe rất tốt. Sự gia tăng tiếng ồn làm hại môi trường sống của các loài cá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản. Hãng BBC dẫn lời tiến sĩ sinh học Hans Slabbekoorn thuộc Đại học Leiden, Hà Lan cho biết loài cá rất nhạy cảm với âm thanh và khả năng nghe của chúng vô cùng phong phú. Ví dụ như loài cá tuyết Đại Tây Dương có khả năng nghe ở mức trung bình, trong khi cá vàng nước ngọt có khả năng nghe ở tần số cao hơn.
Nhìn chung thì các loài cá nghe tốt nhất trong vòng tần số 30-1.000 Hz, cũng có những loài cá đặc biệt dò tìm được âm thanh ở tần số 3.000-5.000 Hz. Ngoại lệ như cá chình có thể nghe được cả siêu âm trong khi có loài tôm biển lại nhạy cảm với những tần số mà con người không nghe được.
Tiến sĩ Hans Slabbekoorn cho rằng ngày nay người ta tập trung nghiên cứu khả năng thẩm âm của các loài động vật có vú trong đại dương như cá voi, cá heo… nhưng lại bỏ quên các loài cá khác. Nghiên cứu gần đây cho thấy cá tuyết Đại Tây Dương, cá thu, cá ngừ vây xanh thường chạy trốn tiếng ồn và trở nên rối loạn ở những vùng biển có tần số âm thanh quá cao. Bên cạnh đó, âm thanh cũng ảnh hưởng khả năng giao tiếp của cá. Theo hãng BBC thì đến nay có hơn 800 loài thuộc 109 lớp cá được biết có khả năng tạo âm thanh với tần số dưới 500 Hz để làm tín hiệu khi tranh giành địa phận, thức ăn hoặc khi chạy trốn kẻ thù.
Vì vậy, các nhà khoa học cảnh báo sự ô nhiễm tiếng ồn trong lòng đại dương tác hại không kém áp lực ô nhiễm môi trường sống đối với các sinh vật trên cạn.
Song Mai
Bình luận (0)