Đề phòng cá mập tấn công người tắm biển: Khẩn trương di dời lồng bè ở bãi tắm Quy Nhơn

17/06/2010 00:34 GMT+7

Trước hiện tượng cá mập liên tiếp tấn công người tắm biển ở Quy Nhơn, chiều qua UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp với các ban ngành liên quan tìm hướng giải quyết.

Cách bờ 5m cũng bị cắn

Nỗi lo cá mập bắt đầu từ tháng 7.2009, khi ông Nguyễn Quang Huynh (57 tuổi) và bà Huỳnh Thị Thúy Hồng (41 tuổi) bị cắn vào chân lúc đang tắm biển gần bờ. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn vào những ngày đầu tháng 1.2010, khi có thêm nhiều nạn nhân bị cá cắn vào chân, tay, trong đó có 2 người bị thương nặng là thạc sĩ Nguyễn Minh Tuân và ông Mang Đức Hạnh (cùng công tác tại ĐH Quy Nhơn).     

Ngồi trên bờ thì không thể nào khảo sát được cá mập và cũng không thể nào đưa ra kết luận chính xác. Muốn biết cụ thể như thế nào thì phải xuống biển nghiên cứu, nhưng hiện chúng tôi chưa có kinh phí để làm việc này

PGS-TS Võ Sĩ Tuấn Phó viện trưởng Viện Hải dương học

Khi ngư dân tình cờ bắt được 2 con cá mập ở vùng biển Quy Nhơn, tưởng chừng như “thủ phạm” gây ra các vụ cắn người đã “sa lưới”. Thế nhưng, mới đây cá mập lại rượt cắn bà Trương Thị Tánh (60 tuổi), bà Nguyễn Thị Thu Thảo (58 tuổi) và anh Huỳnh Như Hoàng (17 tuổi, cùng ở TP Quy Nhơn) khiến nhiều người thêm lo lắng. Đáng lo ngại, loài cá dữ này ngày càng tiến sát bờ. Ông Tuân bị tấn công khi bơi cách bờ khoảng 100m, trong khi đó bà Thảo lại bị “đớp” vào chân khi bơi chỉ còn cách bờ 5m.    

Theo nhận định bước đầu, nghi can cắn người tắm biển gần đây có kích thước tương đương với con cá mập chui vào lưới lồng của ông Đỗ Văn Công sáng 13.4 (Thanh Niên đã thông tin). Ông Công được UBND tỉnh thưởng nóng 5 triệu đồng nên một bộ phận ngư dân Quy Nhơn hiện đang tính toán tiếp tục vào cuộc săn bắt cá mập để mong được nhận thưởng.

Nhưng săn cá mập chỉ là giải pháp tình thế, tức thời, bởi đã có những con cá mập bị bắt ở khu vực bãi tắm, nhưng người tắm biển vẫn bị cắn. Người dân mong muốn có những biện pháp lâu dài, song suốt mấy tháng qua các cơ quan chức năng vẫn chưa có một giải pháp cụ thể nào để bảo vệ người dân và du khách, ngoài việc khuyến cáo “người tắm biển không nên bơi ra quá xa”.

Lồng bè là “mồi nhử”?

 

Thương tích trên tay ông Mang Đức Hạnh do bị cá mập cắn

Những lồng bè nuôi thủy sản và hàng trăm tàu thuyền neo đậu ven bờ biển Quy Nhơn được xem là “mồi nhử” dẫn dụ cá mập vào tìm kiếm thức ăn. Theo thông báo của UBND TP Quy Nhơn, người dân có lồng bè nuôi thủy sản phải tiến hành di chuyển ra khỏi khu vực bãi tắm. Cách triển khai thiếu quyết liệt nên người dân vẫn không hưởng ứng thực hiện. Kế hoạch bố trí các trạm cảnh báo dọc bờ biển theo khuyến cáo của một số nhà khoa học, đến nay vẫn còn trong giai đoạn triển khai...  

Việc tiến hành nghiên cứu xác định rõ cá thể hay bầy đàn đối với loài cá mập ở vùng biển Quy Nhơn để đưa ra các biện pháp giải quyết thích hợp về lâu dài là điều cấp thiết, nhưng chưa có một cơ quan khoa học nào chính thức vào cuộc. PGS-TS Võ Sĩ Tuấn, Phó viện trưởng Viện Hải dương học, nói: “Ngồi trên bờ thì không thể nào khảo sát được cá mập và cũng không thể nào đưa ra kết luận chính xác. Muốn biết cụ thể như thế nào thì phải xuống biển nghiên cứu, nhưng hiện chúng tôi chưa có kinh phí để làm việc này”. 

Tại cuộc họp vào chiều qua, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo UBND TP Quy Nhơn tổ chức di chuyển ngay các lồng bè nuôi thủy sản ra khỏi khu vực bãi tắm, chậm nhất đến ngày 1.7.2010. Băn khoăn lớn nhất được đặt ra là vì sao cá mập lại xuất hiện ở biển Quy Nhơn, trong khi nhiều bãi biển khác vẫn có neo đậu tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản nhưng cá mập lại không xuất hiện. “Vấn đề này rất cần được nghiên cứu chuyên sâu, nhưng hiện cũng chưa biết cơ quan nào đứng ra nghiên cứu”, ông Nguyễn Hữu Hào, Phó giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Bình Định, trăn trở.

Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.