Sức sống những trang báo xưa

17/06/2010 02:15 GMT+7

Hơn 100 tờ báo xuất bản trong giai đoạn 1865-1954 được trưng bày tại Thư viện Hà Nội từ ngày 16 - 20.6.

Gia Định báo - tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta (xuất bản năm 1865 tại Sài Gòn) và Đại Nam đăng cổ tùng báo (xuất bản năm 1907) - tờ báo đầu tiên của Bắc kỳ, được trưng bày trong triển lãm khiến nhiều nhà sưu tầm không khỏi ngạc nhiên. Nhà sưu tầm Hoàng Minh, thành viên diễn đàn Sachxua.net, cho biết: “Từ 15 năm nay, tôi đi tìm nhưng không thấy tờ Gia Định báo bao giờ. Còn Đại Nam đăng cổ tùng báo, về mặt tư liệu cực kỳ quý hiếm. Tôi được biết hiện chỉ còn Viện Sử học lưu giữ”.

Nhiều tờ báo mang đến điều bất ngờ, thú vị cho người xem, chẳng hạn như tờ Thanh Niên số Tết năm Giáp Thân (1944). Thực ra, đây không phải là tờ báo tiền thân của Thanh Niên bây giờ mà là tờ tuần báo xuất bản năm 1941 tại Sài Gòn, số báo cuối cùng in vào năm 1944, chủ bút là Huỳnh Tấn Phát. Hay trên tờ Nông công thương xuất bản tại Hà Nội năm 1929, có nhiều chuyên mục đa dạng như tin thế giới, tin thời sự, pháp luật và có cả... mục quảng cáo (tin quảng cáo: Muốn cho con mắt tinh đời, ở trong nhà lúc nào cũng nên phòng trữ thứ thuốc đau mắt giá 10 đồng của Từ Ngọc Liên 78 phố Hàng Bông, Hà Nội...).  Trong triển lãm còn trưng bày nhiều vật dụng của nhà văn - nhà báo Nguyễn Huy Tưởng (thư ký tòa soạn Báo Văn nghệ từ năm 1946), trong đó có cuốn sổ tay  ghi chép lại nhuận bút trả cho Tố Hữu, Văn Cao, Xuân Diệu...

Những trang báo xưa tuy đã hoen màu thời gian nhưng vẫn mang sức sống mạnh mẽ, ghi dấu tên tuổi của nhiều học giả, nhà văn, nhà báo - những người thầy đầu tiên của nền báo chí Cách mạng Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Vũ Trọng Phụng, Phan Khôi, Trần Trọng Kim, Bửu Đình...

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.