Tình trạng thiểu năng tuyến giáp với các triệu chứng phù nề, giọng khàn, kém hoạt động, ngủ nhiều, da tóc khô, lưỡi dày, táo bón, kém phát triển chiều cao…, nếu không được phát hiện sớm, có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn.
Tổ chức Y tế thế giới và UNICEF cho rằng việc đảm bảo cho tất cả mọi người đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và các bào thai nhận đủ i-ốt là một quyền cơ bản của con người.
Ở Việt Nam, vào năm 1993, đã có cuộc tổng điều tra trong cả nước, kết quả cho thấy tỷ lệ người bị thiếu i-ốt lên tới 94%.
Năm 1998, Nhà nước ta thực hiện Chương trình quốc gia vận động toàn dân dùng muối i-ốt. Sau năm thực hiện, tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em giảm từ 22,44% xuống 14,9%; tỷ lệ thiếu i-ốt (dựa vào i-ốt niệu) giảm từ 94% xuống 32,9%. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Kim Hưng, Giám đốc TTDDTE thì qua đợt điều tra bảy vùng sinh thái trên toàn quốc thì các tỉnh miền đông Nam Bộ và đặc biệt là đồng bằng Nam Bộ có độ phủ muối i-ốt thấp nhất: 40-50% và có tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em cao hơn cả miền núi phía Bắc.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Kim Hưng: các rối loạn do thiếu hụt i-ốt không phải chỉ là vấn đề bướu cổ mà là các tổn thương não, ảnh hưởng đến năng lực trí tuệ, sức sáng tạo, khả năng học, lao động của cả cộng đồng. Phụ nữ và trẻ em là các đối tượng nhạy cảm nhất với sự thiếu hụt i-ốt. Phụ nữ thiếu i-ốt trước khi thụ thai và trong những tháng đầu mang thai có thể sinh trẻ đần độn, bị khuyết tật. Thiếu i-ốt làm tăng tỷ lệ sẩy thai, thai chết lưu…
Tác hại của việc thiếu i-ốt là vậy. Tuy nhiên, gần đây, chưa có cuộc điều tra tầm cỡ quốc gia cho biết tỷ lệ phủ i-ốt trong các vùng, miền như thế nào, các loại bệnh do thiếu i-ốt là bao nhiêu. Thực tế chỉ cho chúng ta thấy rằng tỷ lệ bỏ học của học sinh, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ngày càng nhiều và chất lượng học tập của học sinh cũng đáng lo ngại. Nguyên nhân có thể một phần do thiếu i-ốt trong chế độ dinh dưỡng. Bởi vậy, chương trình vận động toàn dân dùng muối i-ốt nên được triển khai thường xuyên và liên tục, nhất là những vùng, miền có nguy cơ thiếu hụt i-ốt.
Hiện nay, chúng ta có thói quen dùng bột nêm thay thế muối ăn hằng ngày. Điều này có thể gây thiếu i-ốt. Vì thế, cần dùng thêm muối i-ốt trong bữa ăn. Riêng với trẻ em, nhất là lứa tuổi ăn dặm, khi chế biến thức ăn, chúng ta không nên dùng bột ngọt, bột nêm mà chỉ cần thêm chút muối i-ốt.
Chúng ta nên dùng các sản phẩm có chứa i-ốt trong các bữa ăn hằng ngày: cá, rong biển, sữa và các sản phẩm từ sữa, một số loại muối…
Bích Liên
Bình luận (0)