Theo ông Hòa, nguyên nhân là do ngành cà phê chưa thiết lập được hệ thống chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu mang tính chuyên nghiệp. Hằng năm, nước ta xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn cà phê tới 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 10 nước là bạn hàng lớn thông qua 26 đầu mối các hãng và doanh nghiệp (DN) nước ngoài . Dù trong nước có đến 168 DN xuất khẩu nhưng mối liên hệ giữa DN với DN, DN với nông dân hết sức lỏng lẻo, thiếu sự chia sẻ thông tin, không thống nhất được với nhau về phương thức tiêu thụ, giá cả xuất khẩu... nên xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán ngay trên “sân nhà” và bị các khách hàng ép giá. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của các DN còn thấp, thiếu vốn lưu động, không đủ nguồn lực để thu mua dự trữ cà phê, chờ thời điểm có lợi để bán ra.
Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết đang xây dựng cơ chế hỗ trợ thu mua cà phê tạm trữ. Việc mua tạm trữ được thực hiện khi giá cà phê thế giới xuống thấp, đảm bảo người nông dân sản xuất có lãi 30%. Cục đề nghị hằng năm, trước khi vào vụ thu hoạch, các tỉnh phải xác định và công bố công khai giá sàn thu mua cà phê nguyên liệu, đảm bảo người trồng cà phê có lợi nhuận tối thiểu 30%, ngân hàng chỉ giải ngân cho các hợp đồng thanh toán với nông dân tiền mua cà phê với giá bằng hoặc trên giá sàn và hải quan chỉ cho thông quan lô hàng có giá chốt xuất khẩu lớn hơn hoặc bằng giá sàn xuất khẩu.
Quang Duẩn
Bình luận (0)