Hà Nội đang phải đối mặt với đợt nắng nóng thứ hai của mùa hè năm nay trong tình trạng mất điện triền miên. Với cái nóng "nung người", nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40oC, lại không có điện, sinh hoạt của người dân thủ đô gần như bị đảo lộn hoàn toàn.
Ăn, ngủ khó khăn
Điện cúp, sinh viên (SV) ở ký túc xá Mễ Trì (ĐH Quốc gia Hà Nội) gặp nhiều nỗi khổ.
Cúp điện, các căng-tin cũng không nấu cơm, SV đi mua cơm bên ngoài, mà phải đi sớm nếu không sẽ hết phần. Trần Thanh Tùng (SV khoa Ngôn ngữ học K52) phàn nàn: “Nóng quá không chịu được. Đang mùa ôn thi học kỳ, phải lên thư viện đọc sách nhưng nhiều bạn vẫn rủ nhau về quê trốn nóng, trốn cúp điện”.
Nếu cứ nóng và mất điện thế này, có lẽ em phải gửi 2 đứa nhỏ về quê ngoại. Ở quê, cũng mất điện nhưng có nhiều bóng cây mát, chứ ngột ngạt thế này, chúng nó ốm mất thôi
|
|
Chị Nguyễn Thanh Hà, nhà ở Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy |
“Mất điện là tủ lạnh bị rã đá, thức ăn ôi thiu. Cơm không cắm được, cả nhà lại phải đi ăn cơm bụi. Hôm nào nấu được bằng bếp gas thì phải thắp nến ăn, ăn uống cũng chẳng ra gì vì nóng. Trời lại nóng như đổ lửa, không quạt, không điều hòa, nếu mở cửa ra ngủ thì sợ mất trộm, đóng cửa thì nóng, bí không tài nào ngủ được”, chị Nguyễn Thanh Hà, nhà ở Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy than. Chị Hà kể, mấy ngày qua, 10 giờ đêm cả gia đình phải dắt díu nhau đi thuê nhà nghỉ để ngủ. “Nếu cứ nóng và mất điện thế này, có lẽ em phải gửi 2 đứa nhỏ về quê ngoại. Ở quê, cũng mất điện nhưng có nhiều bóng cây mát, chứ ngột ngạt thế này, chúng nó ốm mất thôi”, chị Hà bức xúc.
Có cùng nỗi khổ, chị Nguyễn Thanh Thủy (Nghĩa Tân, Q.Cầu Giấy) cho hay, sáng 18.6, chị phải nghỉ làm vì cơ quan mất điện. “Thật khổ quá, trường Mầm non Hoa Hồng chỗ thằng con nhà tôi học cũng bị cúp điện, thế là mẹ con cùng ở nhà. Đến trưa, nhà cũng... cúp! Mẹ con kéo nhau ra siêu thị FiviMart gần đó để trốn nóng”, chị Thủy kể.
|
3 giờ sáng đi tắm
Khổ nhất là những khu nhà tạm bợ, xóm trọ SV. Gần 4 giờ sáng, khu nhà trọ số 18, tổ 17 thị trấn Cầu Diễn vẫn rền rĩ tiếng than thở nóng không ngủ được. Khi chúng tôi có mặt tại đây, hầu như chưa ai trong xóm này đi ngủ, tất cả đang chờ... điện.
TP.HCM: Đã khắc phục tình trạng cúp điện ở bệnh viện Vừa qua, Báo Thanh Niên có bài phản ánh về tình trạng cúp điện tại một số bệnh viện (BV) ở TP.HCM, có nơi khổ sở vì một ngày bị cúp rất nhiều lần. Sau khi báo đăng, đơn vị cung cấp điện cho các BV, cơ sở y tế gồm: BV Q.Thủ Đức (P.Tam Phú, Q.Thủ Đức), BV huyện Củ Chi (xã An Nhơn Tây, H.Củ Chi) và Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic (Q.10) đã có công văn gửi đến Báo Thanh Niên ghi nhận phản ánh của báo và cho biết sẽ khắc phục việc cúp điện ở các nơi này. Trả lời Thanh Niên hôm qua, đại diện nhiều BV cũng cho biết thời điểm này không còn bị cảnh... bỗng dưng mất điện như trước nữa. Thanh Tùng |
“Trời nóng, mất điện, trước khi ngủ, em phải tắm rồi vào giường nằm im, thở thật nhẹ cho đỡ nóng để dễ ngủ. Có lẽ hôm nay là ngày em tắm nhiều nhất trong năm, từ sáng tới giờ 9 lần tắm. Chắc phải tắm lần thứ 10 mới ngủ được", Nguyễn Hoàng Đức ngồi cạnh góp chuyện. Đức quê ở Thái Bình, lên Hà Nội ôn thi sớm vì nghĩ ở Hà Nội sẽ ít mất điện, sẽ ôn thi tốt hơn. "Nhưng cứ mất điện thế này không biết em có ôn bài kịp để thi không nữa", Đức lo lắng.
Hơn 1 giờ sáng 17.6, dạo qua những khu phố mất điện: Cầu Giấy, Kim Mã, Hai Bà Trưng, Khâm Thiên, Thanh Xuân... không khó để bắt gặp cảnh người ngồi hóng mát hai bên đường. Vỉa hè la liệt máy phát điện hoạt động hết công suất, thi nhau phát ra nguồn điện và phát ra cả tiếng ồn như xưởng sản xuất. Chỗ nào có tiếng nổ là ở đó mất điện. Thấy chúng tôi chụp ảnh, một ông cụ trên đường Khâm Thiên vừa quạt phành phạch vừa tiến lại gần hỏi chuyện. Ông bảo, mấy đêm rồi, nóng không ngủ được, phải ra đường ngồi đến gần sáng, khi con cháu ông đi hóng mát trên hồ Tây về ông mới về.
Mất điện, nóng bức, người dân đổ xô đến các vườn hoa, công viên, bờ hồ Gươm, hồ Tây... Cầu Thanh Trì cũng trở thành nơi tránh nóng lý tưởng cho nhiều người.
Dừng ngay việc sửa chữa, cải tạo lưới điện bất hợp lý Hôm qua, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng đã có văn bản yêu cầu Tổng công ty điện lực Hà Nội dừng ngay việc sửa chữa, cải tạo lưới điện để đảm bảo cấp điện liên tục phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân trong những ngày nắng nóng gay gắt. Văn bản của UBND TP chỉ rõ, việc cắt điện trên diện rộng, nhiều giờ liên tục để sửa chữa, cải tạo nâng cấp các trạm biến thế, hệ thống đường dây trong những ngày nắng nóng vừa qua là không hợp lý và ngành điện đã không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND TP. UBND TP yêu cầu Sở Công thương phải kiểm điểm trách nhiệm quản lý. Minh Sang |
Người lành còn khổ huống chi người bệnh Tình trạng mất điện tại các bệnh viện (BV) lớn như Phụ sản T.Ư, Bạch Mai, Việt Đức, BV 198 Bộ Công an... hầu như không xảy ra hoặc xảy ra rất ít, nếu cúp chỉ cùng lắm 5 - 10 phút/lần. Nhưng ở nhiều BV khác, tần suất bị cúp điện cao hơn và lâu hơn nhiều, thậm chí diễn ra liên tục. Những ngày này, bệnh nhân điều trị ung thư tại BV K cơ sở 2 (Thanh Trì, Hà Nội), thường xuyên chịu cảnh sống chung với cúp điện, có khi mất điện cả ngày, kéo dài từ sáng đến chiều muộn. Bệnh nhân ung thư thường phải chịu cảnh đau đớn cùng cực, nhất là sau các đợt điều trị bằng hóa chất, xạ trị. Cái bức bối và nắng nực càng khiến họ ủ rũ. Anh Lê Văn Tố (Yên Định, Thanh Hóa) điều trị ung thư phổi tại BV K cơ sở 2, than: “Không gì khổ hơn đi viện mùa nóng mà điện mất. Ở đây, mất điện có khi kéo dài cả ngày. Đau đớn vì bệnh còn chịu được, nhưng nóng vì mất điện thì đến người lành còn khổ, nữa là người đau”. Tại BV Xanh - Pôn (Hà Nội), anh Nguyễn Văn Mạnh (Yên Định, Thanh Hóa) đang điều trị bệnh viêm dạ dày, nhập viện từ giữa tháng 5, kể: “Từ hôm nhập viện, cứ thỉnh thoảng lại mất điện khoảng 15 - 30 phút. Vừa đau vừa nóng nên rất dễ cáu. Mất điện không lâu, không nhiều, nhưng tại BV, chỉ cần không có điện 30 phút cũng đủ phát rồ vì nực và bí, sực mùi thuốc men”. Chị Trần Thị Hoài (Thọ Xuân, Đan Phượng, Hà Nội) đi thăm nuôi con trai vừa phẫu thuật sau tai nạn giao thông, phàn nàn: “Ngay cả bệnh nhân hậu phẫu cũng vẫn phải chịu nắng nóng như ai. Nói gì đến người bệnh thông thường”. Khổ nhất là chuyện bệnh nhân không được cập nhật lịch cắt cúp điện. Anh Đỗ Văn Bình (Tân Yên, Bắc Giang) cho biết: “Lẽ ra, lịch mổ cho mẹ tôi là thứ hai, nhưng vì có thông báo điện cúp, nên BV đổi lịch sang ngày thứ ba. Nhưng rốt cục, ngày thứ hai lại có cả ngày, còn thứ ba mất cả ngày. Cuối cùng, lịch đổi sang thứ tư”. Các dịch vụ “ăn theo” cúp điện ở BV được dịp hốt bạc. Tại cổng Viện K cơ sở 2, quạt giấy được bán phổ biến với giá 3.000 - 5.000 đồng/cái, quạt nan từ 10.000 - 15.000 đồng/cái. Trần Đan |
Lê Hồng Quân
Bình luận (0)