“Báu vật nhân văn sống”
Đó là nhận xét của Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Tô Ngọc Thanh dành cho cây cổ thụ của nghệ thuật nhạc cổ Việt Nam - nghệ nhân Tư Châu. Bởi, không chỉ có bề dày 90 năm tuổi nghề, ông còn là bậc thầy truyền dạy nhạc dân tộc cho nhiều thế hệ học trò, trong đó có những người đang nắm giữ vị trí quan trọng trong các ban nhạc dân tộc ở các địa phương. Có người tuổi đời cũng đã quá 70.
Sinh năm 1907, tính đến năm nay, ông đã thọ 104 tuổi (theo tuổi ta). Ông kể, năm 14 tuổi đã bén duyên với nghệ thuật nhạc dân tộc khi đầu quân cho đội nhạc phục vụ tế lễ xuân kỳ và thu tế của làng Nghi An (Quảng Nam - Đà Nẵng cũ). Ông là học trò xuất sắc của nghệ nhân Tám Hùng, Tư Nhiên. Với năng khiếu bẩm sinh, ông trở thành tay đàn tài ba, chơi giỏi nhiều loại nhạc cụ: kèn, nhị, sáo, nguyệt, tranh, bầu; trong đó xuất sắc nhất là đánh trống chiến. Năm 1954, Hội Cổ nhạc Đà Nẵng được thành lập, ông không chỉ là thành viên sáng lập hội mà còn là người đứng đầu Hội Nhạc cổ ngoại ô Đà Nẵng. Hằng năm, ông được chọn làm người đánh tiếng trống chầu đầu tiên trong các lễ cầu ngư, cầu bông ở địa phương.
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Ninh - Phó trưởng đoàn biểu diễn Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, con trai thứ của cụ Tư Châu, nhớ lại: “Lúc mấy anh em còn nhỏ, đời sống khốn khó, để nuôi dưỡng niềm đam mê âm nhạc của mình và nuôi đàn con khôn lớn, cha mẹ vừa làm nông, vừa nuôi thêm vịt”. Những lúc cụ Tư Châu biểu diễn xa nhà, mọi việc nhà đều do người vợ tảo tần, chịu thương chịu khó quán xuyến. Bây giờ, ở tuổi 104, sức khỏe của cụ Tư Châu đã yếu đi nhiều. Nhưng khi chúng tôi hỏi về âm nhạc cổ truyền, cụ bỗng hoạt bát, tinh anh hẳn lên, tham gia câu chuyện nhiệt tình. Cái kèn trường theo ông suốt gần một thế kỷ kể từ ngày ông bén duyên với nghệ thuật nhạc cổ đã mòn nhẵn, bóng loáng. Mặc cho con cái ái ngại cho sức khỏe nhưng ông vẫn một mực đòi thổi vài điệu nhạc cổ làm quà cho những người khách trẻ với niềm đam mê.
Hổ phụ sinh hổ tử
Điều thú vị là 7 người con của cụ Tư Châu đều theo nghiệp cha mà gắn bó với nghệ thuật nhạc dân tộc. Tiếp theo lớp con, lớp cháu chắt nội ngoại vài chục người cũng lây cái máu nghệ sĩ của ông mà bén duyên với nghệ thuật. Ngoài người con trai Nguyễn Ninh và con dâu Lê Thị Phương Lan đều là Nghệ sĩ Ưu tú, những người con, cháu còn lại hiện đang công tác ở các nhà hát tuồng, đoàn ca kịch, các ban nhạc dân tộc ở Đà Nẵng.
Năm 1992, người con trai Nguyễn Ninh của cụ đoạt giải thưởng diễn tấu nhạc cụ sân khấu dân tộc toàn quốc lần thứ nhất. Niềm vui càng được nhân đôi khi cũng chính đợt ấy, dàn nhạc gia đình với hơn 20 người do cụ Tư Châu và các con, cháu biểu diễn cũng được giải. Quá cảm phục trước thành tích này nên có người bạn đã tặng gia đình cụ Tư Châu câu đối: “Tỉnh tuyển bát âm phụ chiếm ngân chương độc tấu - Chế khoa nhạc cổ tử thừa kim bảng khôi nguyên” (ý nói dàn nhạc gia đình do người cha làm chủ chiếm giải độc tấu, còn người con thừa kế thì đoạt được bảng vàng của chế khoa cổ nhạc). Đến bây giờ câu đối ấy vẫn được treo trang trọng trong nhà. Bộ Văn hóa - Thông tin lúc đó đã đề nghị nghệ sĩ Nguyễn Ninh và dàn nhạc gia đình của cụ Tư Châu biểu diễn lại những tiết mục đoạt giải phục vụ thành phố Đà Nẵng.
Các con của cụ Tư Châu kể, cách đây chừng một tháng rưỡi, sức khỏe của cụ Tư Châu rất nguy kịch, gia đình đã lo toàn bộ hậu sự. Vậy mà khi nghe tin lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam cho mình sắp được tổ chức, ông bỗng khỏe trở lại. Thế mới biết niềm say mê âm nhạc của ông mãnh liệt đến chừng nào.
Ngày 10.6, lễ trao danh hiệu Nghệ nhân Dân gian và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam cho nghệ nhân Nguyễn Châu đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng, với sự tham gia của Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Tô Ngọc Thanh cùng các thế hệ con cháu, học trò của cụ Tư Châu (ảnh). |
Vũ Phương Thảo
Bình luận (0)