Nhà báo VN trong thế giới phẳng

21/06/2010 01:00 GMT+7

>> Nhà báo và năng lực học hỏi >> Ngày hội tôn vinh người làm báo >> Tự do báo chí phải gắn với trách nhiệm công dân >> Tăng trách nhiệm của cơ quan nhà nước với hoạt động báo chí Không đứng ngoài xu thế chung, các cơ quan truyền thông Việt Nam đang ngày càng tích cực và chủ động tham gia vào những sự kiện được cả thế giới quan tâm.

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, một tác phẩm báo chí mang tính quốc tế ra đời không chỉ dựa vào công cụ internet với những hàng tin khô cứng trên màn hình máy tính. Cũng như nhiều đồng nghiệp trong nước, các phóng viên Thanh Niên đã và đang có mặt tại khắp điểm nóng, trong một thế giới mà con người ngày càng xích lại gần nhau.

Trên sân chơi quốc tế

Tôi nhớ cách đây 4 năm, tại trung tâm báo chí sân Olympic ở Berlin (Đức), bên lề trận chung kết World Cup 2006, một nhà báo BBC khi gặp chúng tôi đã tròn mắt. Anh ấy ngạc nhiên khi thấy phóng viên Việt Nam tham gia tác nghiệp tại một sự kiện thể thao lớn như thế này. Thế là một cuộc phỏng vấn nhanh được thực hiện. Anh ấy hỏi: “Tại sao các tờ báo Việt Nam lại đưa người tham gia các sự kiện này? Và các anh có đủ sức cạnh tranh với phóng viên quốc tế?”. Tôi đáp: “Thực ra, chỉ cần ở nhà chúng tôi cũng có được thông tin bằng nhiều cách khác nhau, như mua lại của các hãng tin quốc tế chẳng hạn. Tuy nhiên, chúng tôi tới đây để tự lấy được những thông tin trực tiếp, của chính mình, không bị phụ thuộc vào góc nhìn, quan điểm của người khác. Chúng tôi tham gia sự kiện này không phải để cạnh tranh với một hãng quốc tế nào, mà mục đích đầu tiên là truyền tải thông tin nóng nhất, trực tiếp nhất đến với độc giả Việt Nam. Nhưng nếu xét về khả năng cạnh tranh, thì tôi nghĩ rằng chúng tôi đủ năng lực để làm điều đó”.

Cách đây ít lâu, trên sóng VTV9, một nhà báo trẻ đã hỏi tôi về ý nghĩa của những chuyến đi tác nghiệp quốc tế, tôi trả lời: “Trong kỷ nguyên thế giới phẳng, khi có một sự kiện xảy ra đâu đó trên thế giới, chẳng hạn sóng thần ở Ấn Độ Dương, bạn không cần phải tới tận nơi cũng có thể có đầy đủ thông tin, hình ảnh để làm báo. Tuy nhiên, nếu như không tới tận hiện trường, tất cả những gì bạn có chỉ là thông tin khô cứng. Đến tận nơi, chứng kiến những gì đang xảy ra, bạn sẽ có được cảm xúc. Cảm xúc của tôi khác với cảm xúc của một thông tín viên thuộc hãng tin quốc tế nào đó. Cảm xúc là rất quan trọng và không thể mua hay vay mượn được”.


Đỗ Hùng tại World Cup 2010 ở Nam Phi - Ảnh: CTV

Trong kỷ nguyên quốc tế hóa và hội nhập, thì phóng viên Việt Nam tham gia các sự kiện ngày càng trở thành chuyện bình thường, dù đâu đó, đôi lúc bạn bè quốc tế vẫn ngạc nhiên. Sự xuất hiện của các phóng viên Việt Nam ở những sự kiện này cũng góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, khẳng định vị thế của truyền thông Việt Nam trên trường quốc tế.

Những ngày này, giữa lúc đang tác nghiệp tại World Cup 2010 ở Nam Phi, tôi càng thấy điều đó cực kỳ ý nghĩa. Những cuộc trao đổi ngắn bên lề các trận đấu, những cái bắt tay, những chuyến thâm nhập càng làm cho bạn bè quốc tế hiểu mình hơn, và mình cũng hiểu người ta hơn.

Còn trong vấn đề tác nghiệp, phóng viên ta có thua kém không? Tất nhiên là có những cái ta phải học hỏi, đặc biệt là các phóng viên phương Tây, vốn có truyền thống và kinh nghiệm báo chí đi trước ta một thời gian dài. Tuy nhiên, về khả năng tác nghiệp nói chung, phóng viên Việt Nam có thể hoàn toàn tự tin trong các cuộc “chạy đua” với đồng nghiệp quốc tế. Chúng ta nếu có thua họ, là thua ở chỗ này: Vóc dáng của người Việt Nam nói chung thường là thấp bé, nhẹ cân hơn người phương Tây, nên khả năng mang vác các thiết bị tác nghiệp như máy chụp hình, quay phim... hạn chế hơn. Ở một vài nơi, khi cần phải “chen lấn” để kiếm được chỗ “đắc địa” khi tác nghiệp, đôi khi ta cũng phải chào thua bạn, vì sức vóc ta yếu hơn.

Chỉ thế thôi!

 Đỗ Hùng (từ Johannesburg, Nam Phi)

Cảm ơn những người lái xe ôm ở Bangkok

Nhiều đồng nghiệp hỏi tôi khi tác nghiệp ở nước ngoài gặp phải những khó khăn gì? Khi vừa được cử sang làm phóng viên thường trú ở Bangkok (Thái Lan), tôi đã mất một khoảng thời gian để làm quen với những bỡ ngỡ cũng như bất lợi của một “kẻ mới đến”. Những khó khăn ấy bao gồm: ngôn ngữ bản địa, di chuyển và truyền tin. Ban đầu tôi không thể sử dụng vốn tiếng Thái cơ bản và ít ỏi để làm việc. Một mặt tìm các lớp tiếng Thái để trau dồi thêm, một mặt tôi phải kiếm những phương án khác như bật các kênh truyền hình của Thái nghe tin ra rả suốt ngày. Ban đầu nghe chẳng hiểu gì nhưng nghe nhiều hóa quen. Tôi đem những từ nghe được đi hỏi bạn bè, đồng nghiệp để họ giải thích. Những đêm thức trắng ghi nhận các cuộc biểu tình cũng là lúc tôi tập nói tiếng Thái với đồng nghiệp và cả người biểu tình. Vấn đề đầu tiên là ngôn ngữ đã được giải quyết.

Vật lộn với giao thông ở Bangkok cũng là một khó khăn đáng kể bởi ở đây thường xuyên kẹt xe. Bangkok lại quá rộng lớn. Di chuyển bằng tàu điện, xe ôm là cách nhanh và tiện nhất. Đi taxi hay xe hơi đôi khi là một thảm họa vì sẽ không kịp đến nơi đang xảy ra sự kiện. Qua nhiều lần tác nghiệp, tôi đã quen một số tài xế xe ôm. Họ rất nhiệt tình và sẵn sàng chở tôi đi mọi nơi, kể cả những nơi xa xôi và nguy hiểm. Có lần, bác tài mà tôi quen đã vứt xe bỏ chạy khi xung đột xảy ra. Hôm ấy anh ta chở tôi đi vòng quanh Bangkok để đưa tin việc quân đội trấn áp biểu tình. May mà khi anh ta quay lại để tìm thì chiếc xe bị vứt lại vẫn còn đó. Đôi lúc tôi thầm cảm ơn những người lái xe ôm đã giúp mình trong hoàn cảnh khó khăn ấy.


Việt Phương tác nghiệp trong lòng cuộc xung đột tại Bangkok tháng 4.2010 - Ảnh: Namita Lâm Cảnh Bình

Việc truyền tin lại là một khó khăn khác. Bangkok là một thành phố lớn nên việc ra hiện trường lấy tin rồi lại quay về nhà hay tìm nơi nào đó có internet để gửi tin sẽ rất mất thời gian. Tin tức truyền đi có thể bị trễ. Cách tốt nhất là gửi tin ngay tại chỗ. Nghe có vẻ phức tạp nhưng mọi chuyện lại cực kỳ đơn giản. Chỉ cần mang theo một máy tính nhỏ, một thiết bị phát sóng internet thông qua SIM điện thoại di động. Mỗi lần cần truyền tin, tôi chỉ cần mở máy ra, gắn thiết bị này vào, nhanh chóng gõ tin và truyền về tòa soạn ngay lập tức. Nhiều phóng viên quốc tế ở Bangkok cũng làm tương tự. Những lúc truyền tin cho Thanh Niên Online lại càng phải gấp rút hơn vì đặc tính tin trên mạng cần được cập nhật ngay lập tức. Trong trường hợp không thể mở máy, tôi đành gọi điện về tòa soạn để tường thuật, các biên tập viên sẽ chép lại và đưa lên bản tin.

Với một đống thiết bị để truyền tin như vậy, vai tôi luôn nhức mỏi sau một ngày trời mang vác ba lô nặng trĩu. Nhưng chẳng hề gì, tôi coi đó là cách rèn luyện sức khỏe và trên hết, tôi không muốn tin bị chậm trễ. Điều đó thật có lỗi với độc giả.

Việt Phương (Văn phòng Bangkok)

Giữa những anh chàng cao to

Cuối năm 2009, tôi thực hiện loạt phóng sự ảnh có tựa đề Phố Tàu Singapore rộn ràng đón Tết. Một người Việt xem và nhận xét: “Loạt ảnh đó chị chụp đẹp quá. Đôi khi em thấy có những ảnh của chị không được đẹp lắm”. Tôi đùa mà thật: “Ảnh chị chụp mà đẹp mới là chuyện lạ, chứ “không đẹp lắm”... là chuyện thường ngày”.

Nói vậy chắc độc giả sẽ phiền lòng. Nhưng sự thật thì với một phóng viên chuyên viết và tác nghiệp một mình trong môi trường quốc tế, việc kiêm thêm vai trò chụp ảnh gặp rất nhiều khó khăn. Phóng viên viết bao giờ cũng bận rộn với máy ghi âm và sổ ghi chép. Cố gắng lắm thì mang theo được một máy ảnh cầm tay. Bởi vậy, gặp sự kiện diễn ra ngoài trời vào ban ngày thì ảnh coi được. Còn ban đêm, trong phòng hội nghị... thì hên xui!

Đã có hơn một lần Bộ Thông tin, Truyền thông và Nghệ thuật Singapore (MICA) khuyến cáo tôi: “Cô nên có một phóng viên ảnh hỗ trợ. Với những sự kiện nhỏ, chúng tôi có thể cho phép cô chụp ảnh. Nhưng ở những sự kiện lớn, giả sử như Tổng thống Mỹ thăm Singapore, cô không thể gia nhập nhóm phóng viên ảnh được”. Cũng đã nhiều lần MICA “du di” cho tôi chụp ảnh những cuộc gặp gỡ giữa nguyên thủ các nước và các lãnh đạo Singapore tại dinh thự Istana, vốn chỉ cho phép phóng viên ảnh tác nghiệp. Nhưng chắc chắn là tôi không có “vé” tại những phiên họp của các nguyên thủ ASEAN, APEC...


Thục Minh tại Hội nghị APEC 2009 ở Singapore - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Không chỉ thế, tôi còn bị một thiệt thòi khác là nhỏ bé, luôn bị ép giữa những anh chàng to cao, hầm hố, máy móc kềnh càng. Nhớ hồi ra sân bay Changi đón đội tuyển bóng đá Brazil ghé Singapore thi đấu giao hữu trước khi đến Việt Nam và sang Bắc Kinh dự Olympic 2008, tôi bị anh phóng viên quay phim của hãng tin Reuters lấn đến mức không chụp được một bức ảnh ra hồn. Báo Thanh Niên lần đó buộc phải sử dụng ảnh mua từ các hãng thông tấn quốc tế.

Ngày hôm sau, ở Sân vận động quốc gia, buổi tập của đội Brazil lại thu hút một dàn phóng viên quốc tế hùng hậu, cả phóng viên viết lẫn phóng viên quay phim, chụp ảnh. Khi các tuyển thủ ra sân, tôi bị người quản lý sân đuổi lên hàng ghế  khán giả, nơi các phóng viên viết tin ngồi. Ông ta không đồng ý cho tôi đứng ở đường biên dọc để chụp ảnh các cầu thủ ở gần đường biên phía bên kia sân. Bỗng dưng, anh chàng Reuters cao to hôm trước lên tiếng “cứu” tôi. Anh ta nói với người quản sân: “Ông nên để cho cô ấy chụp ảnh. Tôi cũng một mình quay phim, chụp ảnh, dựng phim và viết tin nè”. Thế là tôi thoát. Không biết anh ta làm thế có phải vì áy náy về chuyện đã lấn tôi hôm trước! Lát sau, tôi tiến đến gần nói cảm ơn và cúi nhìn bảng tên trên ngực anh ta: Pablo Sanchez. Anh chàng đẹp trai trêu: “Ôi xem kìa, cô ta tấn công tôi!”.

Tôi cũng có một kỷ niệm vui nữa tại diễn đàn an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tên Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi đầu tháng này. Ngày cuối diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh, có bài tham luận. Sau đó là tiệc trưa do Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Teo Chee Hean chiêu đãi trưởng đoàn các nước. Tướng Thanh được nhiều người tiếp cận trao đổi về bài phát biểu. Và, như mọi khi, tôi bị lọt thỏm giữa một dàn phóng viên hầm hố. Thế nhưng tướng Thanh đã phát hiện ra tôi và dịch chuyển một chút, giúp tôi có được một góc ảnh khá đẹp.

Thục Minh (Văn phòng Singapore)

85 năm - một chặng đường

Nền báo chí Cách mạng nước ta khởi đầu từ cột mốc 21.6.1925, ngày ra đời của tờ Thanh Niên (*), tờ báo đầu tiên của Cách mạng Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Đặt trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, nền báo chí Việt ngữ (ra đời từ năm 1865) bị guồng máy thực dân khống chế, bóp nghẹt thì Thanh Niên đã giương cao ngọn cờ cách mạng, phản ảnh ý chí, khát vọng về độc lập, tự do của dân tộc, chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân ta, khơi dòng cho các báo Cách mạng ra đời sau đó.

 Trước năm 1945, báo chí Cách mạng bị chính quyền thực dân đặt ra ngoài vòng pháp luật, hoạt động trong bí mật ... Dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại, các tờ Thanh Niên, Lao Động, Việt Nam Độc Lập, Cứu Quốc, Cờ Giải Phóng... đã giúp chuẩn bị về tư tưởng, về lực lượng, góp phần vào sự thành công của Tổng khởi nghĩa tháng 8.1945.


Bài báo của Bác Hồ trên báo Cứu Quốc

Trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, hoạt động trong điều kiện chiến tranh, báo chí Cách mạng Việt Nam đã dần trở thành dòng báo chính thống, có đầy đủ các loại hình từ báo in, báo nói, báo hình, cơ quan thông tấn... Ở các đô thị và vùng địch tạm chiếm, báo chí yêu nước và tiến bộ hoạt động công khai và bí mật đã chứng tỏ là một bộ phận không thể thiếu của phong trào đấu tranh. Đối đầu với bộ máy chiến tranh tâm lý quy mô, nguy hiểm của thực dân, đế quốc và chế độ cũ, nền báo chí Cách mạng Việt Nam thực sự trưởng thành, đóng góp quan trọng vào chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975.

Mối quan hệ giữa báo chí Cách mạng với bạn đọc được gầy dựng từ rất sớm... Từ các tờ báo Cách mạng đầu tiên đến Cứu Quốc, Cờ Giải Phóng, Sự Thật, Nhân Dân... vai trò của bạn đọc rất được chú trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thư gửi cho Lớp báo chí cách mạng đầu tiên tháng 7.1949 đã nhấn mạnh: "Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo". Tờ Nhân Dân Miền Nam (1951 - 1954) trong hầu hết các số báo đều có mục Đồng bào viết, đồng bào nói và mục Gửi bạn hữu báo Nhân Dân: "Rất hoan nghinh các bạn viết thơ phê bình, góp ý kiến, gởi bài vở và tài liệu về báo Nhân Dân để báo Nhân Dân luôn xứng đáng là tờ báo của nhân dân".

Từ năm 1986, bước vào thời kỳ Đổi mới, mối quan hệ giữa báo chí và công chúng càng được xem trọng. Báo chí ngày càng đa dạng, đa loại hình... Công chúng ngày càng có sự chủ động hơn trong lựa chọn các loại hình, các kênh truyền thông đại chúng để đáp ứng nhu cầu của mình. Quá trình tương tác và gắn bó giữa báo chí và công chúng khiến báo chí trở thành một không gian xã hội công cộng, nhờ công khai hóa thông tin mà góp phần làm lành mạnh hóa đời sống xã hội, tác động tích cực vào việc thúc đẩy quá trình dân chủ hóa và đổi mới các lĩnh vực kinh tế xã hội.

Đòi hỏi của công chúng và xã hội đặt trong bối cảnh đổi mới cũng đã khiến báo chí thực sự bước vào quá trình chuyên nghiệp hóa qua sự đầu tư vốn liếng, trang thiết bị hiện đại cho nghề báo. Nhân sự cho lĩnh vực báo chí được đào tạo và đào tạo lại một cách bài bản, liên tục. Người làm báo có vị trí xã hội đặc thù được mọi người thừa nhận. Xu thế phát triển kinh tế báo chí đã thúc bách nhiều tờ báo càng nâng cao tính chuyên nghiệp, bắt đầu xuất hiện ý thức cạnh tranh nghề nghiệp. Quyền hạn và nghĩa vụ của nhà báo trong hoạt động nghiệp vụ, trong mối quan hệ với công chúng ngày càng được thể chế hóa bởi luật pháp và quy định luân lý chức nghiệp trong báo giới.


Báo QĐND đưa tin chiến thắng đường 9 Nam Lào (1971)

 Trong hoàn cảnh đất nước ổn định chính trị; định hướng phát triển rõ ràng; các thiết chế xã hội, đặc biệt là luật pháp ngày càng được củng cố... đã giúp cho báo chí có một không gian về chính trị, xã hội và hành lang pháp lý để hoạt động khá rõ ràng. Đời sống kinh tế xã hội sôi động, nhu cầu về thông tin kinh tế trở nên cấp thiết, chất liệu thông tin kinh tế dồi dào, nhu cầu quảng bá hoạt động kinh tế càng cao... khiến cho báo chí ngày càng khởi sắc qua các hoạt động kinh tế báo chí đa dạng.

Trong vai trò thông tin - định hướng dư luận, phản biện - giám sát xã hội, giám sát các thiết chế nhà nước thì môi trường dân chủ được phát huy, trình độ dân trí tăng lên... đã khiến cho báo chí ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Công chúng có nhu cầu tương tác, gặp gỡ, trao đổi ý kiến về hầu hết các vấn đề quan trọng của xã hội trên báo chí... Đất nước ngày càng hội nhập sâu vào đời sống quốc tế, báo chí không nằm ngoài xu hướng đó, kể cả việc nâng cao chất lượng và hình thức thông tin đối ngoại; việc hiện đại hóa về quy trình, nội dung, trình bày; đầu tư tích hợp công nghệ, đa truyền thông...

Qua 85 năm phát triển, báo chí Cách mạng Việt Nam đã ngày càng trưởng thành, càng nâng cao vai trò, trách nhiệm và chất lượng phục vụ đối với cộng đồng và xã hội, đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển đất nước...

Thùy Đoan

(*) Tờ báo do Bác Hồ sáng lập, không phải Báo Thanh Niên - Diễn đàn của Hội LHTN VN (1986 đến nay)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.